“Để hiểu chiến lược lớn của Trung Quốc, đặc biệt là trò chơi dài hạn của ông Tập, người ta cần hiểu sự hiếu chiến của Bắc Kinh ở Biển Đông“, theo nhà nghiên cứu Akshobh Giridharadas, nhà nghiên cứu của Tổ chức ORF, và là phóng viên của hãng tin Channel News Asia (Singapore).
Trong bài phân tích trên The National Interests (NI), nhà nghiên cứu Akshobh nhận định về tầm quan trọng của Biển Đông: “Nếu các lợi thế địa chính trị ngày nay được cho là được định hình bởi ba yếu tố, thương mại, tài nguyên thiên nhiên và chuỗi cung ứng, thì cả ba khía cạnh đó đều được thể hiện thông qua việc ai là người kiểm soát Biển Đông.”
Về tài nguyên thiên nhiên, Biển Đông ước tính có khoảng 11 tỷ thùng dầu; khoảng 190 nghìn tỷ feet khí đốt tự nhiên; 40% lượng khí đốt tự nhiên hóa lỏng toàn cầu (LNG); và 12% lượng thủy sản trên thế giới, chiếm 50% tổng sản lượng khai thác.
Khi nói đến thương mại, 30% thương mại vận tải biển của thế giới chảy qua các tuyến đường thủy ở Biển Đông. Như vậy, tương đương với 3-5 nghìn tỷ đô la giá trị thương mại. Tất cả các sản phẩm của Trung Quốc đều có thể phải lưu thông qua khu vực này.
Khu vực Biển Đông phục vụ thị trường khoảng 2,2 tỷ dân. Trong đó, có 1,5 tỷ người ở Trung Quốc và khoảng 650 triệu dân trong khu vực Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Như vậy, có khoảng một phần tư nhân loại trên toàn cầu sống trong khu vực liên quan đến Biển Đông.
Nhà nghiên cứu cho rằng “đại chiến lược của Trung Quốc” liên quan tới cả Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, và Biển Đông là khu vực kết nối cả hai khu vực này. Hiện tại, 5 quốc gia trong khu vực ASEAN có tuyên bố chủ quyền đối với Biển Đông; đó là Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Philippines và Brunei. Ngoài ra, Đài Loan cũng đưa ra tuyên bố của riêng mình.
Trong bối cảnh tranh chấp giữa các quốc gia, nhà nghiên cứu Akshobh cho rằng có 3 tình huống có thể xảy ra ở Biển Đông:
Thứ nhất, đó là Trung Quốc có được những gì họ muốn, các nước ASEAN sẽ phục tùng Trung Quốc.
Tình huống thứ hai, đó là Trung Quốc chấp nhận thỏa hiệp với các bên tranh chấp khác trên Biển Đông. Tuy nhiên, sự thỏa hiệp đó khả năng sẽ không rõ ràng, và nếu có thì cũng chỉ mang tính “chơi chữ”, theo ông Akshobh.
Thứ ba, “có một viễn cảnh mà mọi người đều muốn tránh”. Đó là chiến tranh bùng nổ trên toàn khu vực. Mặc dù ngày nay, có vẻ căng thẳng sẽ không bùng phát, nhưng cả Trung Quốc, các nước láng giềng và Hoa Kỳ đều không lùi bước đối với lập trường của mình ở Biển Đông. Vì vậy, tình hình căng thẳng có thể sẽ tăng thêm theo thời gian.
Ngoài ra còn có một kịch bản thứ tư, nhưng điều đó ít có khả năng xảy ra nhất, theo nhà nghiên cứu Akshobh. Trong tình huống này, Trung Quốc từ bỏ các tuyên bố của mình; như vậy các quốc gia trong khu vực có thể tự do tận hưởng các vùng đặc quyền kinh tế của mình theo luật pháp quốc tế mà không bị Trung Quốc xâm lược.
Ông Akshobh viết: “Tuy nhiên, có một điều chắc chắn. Để hiểu chiến lược lớn của Trung Quốc, đặc biệt là trò chơi dài hạn của ông Tập, người ta cần hiểu sự hiếu chiến của Bắc Kinh ở Biển Đông. Khu vực này nắm giữ các động lực kinh tế rộng lớn thông qua các tuyến thương mại, chuỗi cung ứng và tài nguyên thiên nhiên về dầu và cá mà người dân Trung Quốc cần.”
“Luôn quan tâm đến việc đạt được quyền bá chủ kinh tế, Trung Quốc biết rằng họ cũng phải khiến các quốc gia yếu hơn phải chấp nhận các kế hoạch kinh tế của mình”.
Ông Akshobh cho rằng Trung Quốc thực hiện việc này một phần thông qua việc cung cấp các khoản vay tốn kém để đổi lấy các nhượng bộ về chính trị hoặc kinh tế trong tương lai. Giới quan sát cảnh báo các khoản vay mà Trung Quốc cung cấp chính là một kiểu “ngoại giao bẫy nợ“.