Sau khi xuất hiện các video và bình luận cho thấy nhiều người sắp chết đói vì lệnh phong tỏa của chính quyền Trung Quốc tại Tân Cương, các nhân viên kiểm duyệt Bắc Kinh đã nghĩ ra một thủ đoạn “đánh chìm” những ý kiến phàn nàn.

Theo The Guardian, có thông tin cho biết bộ máy kiểm duyệt Trung Quốc đã ra lệnh cho các dư luận viên đăng hàng loạt các bài đăng “vô thưởng vô phạt” về Tân Cương. Như vậy những ý kiến chỉ trích sẽ bị “nhấn chìm” trong vô số những bài đăng đó.

Rò rỉ chỉ lệnh của bộ máy kiểm duyệt Trung Quốc

Thị trấn Yili thuộc Tân Cương là nơi sinh sống của khoảng 4,5 triệu người và đã bị phong tỏa đầu tiên vào đầu tháng 8, dù không có thông báo công khai. Trong những ngày gần đây, các phương tiện truyền thông xã hội đã lan truyền hàng loạt bài đăng về tình trạng thiếu lương thực, việc người dân bị từ chối chăm sóc y tế tại khu vực này.

Những chia sẻ này khiến công chúng chấn động. Một số nhà hoạt động nhân quyền thậm chí cho rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang lợi dụng dịch bệnh để đàn áp, diệt chủng các dân tộc theo đạo Hồi ở Tân Cương.

Giới cầm quyền lập tức ban hành một chỉ lệnh để dập tắt các ý kiến chỉ trích. Thời báo Kỹ thuật số Trung Quốc (CDT) đã công bố một văn bản bị rò rỉ cho thấy giới chức Trung Quốc ra lệnh “mở một chiến dịch tràn ngập bình luận” để đánh chìm những thông tin tiêu cực.

CDT đã dịch văn bản này như sau: “Không có giới hạn về chủ đề. Nội dung có thể bao gồm cuộc sống gia đình, nuôi dạy con cái hàng ngày, nấu ăn hoặc tâm trạng cá nhân. Tất cả nhân viên bình luận trên internet nên đăng một giờ một lần (cùng lắm hai lần), nhưng không được đăng nhanh liên tiếp! Nhắc lại: không được đăng nhanh liên tiếp!”

CDT đã lưu trữ một bài đăng của dư luận viên, trong đó có bức ảnh về ẩm thực và môi trường bình dị của Tân Cương. Các cư dân mạng khác nhanh chóng nghi ngờ bài đăng, cho rằng người đó đang cố gắng “làm loãng” chủ đề về phong tỏa.

Người dân Trung Quốc khốn khổ vì lệnh phong tỏa kéo dài

Tân Cương là nơi diễn ra chiến dịch đàn áp kéo dài nhiều năm của ĐCSTQ đối với người Hồi giáo. Khoảng 40% dân số Tân Cương là người Hán, và phần còn lại chủ yếu là người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác.

Đảng Cộng sản Trung Quốc đàn áp người dân tộc Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương trong nhiều năm qua (ảnh: Flickr).
Đảng Cộng sản Trung Quốc đàn áp người dân tộc Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương trong nhiều năm qua (ảnh: Flickr).

Cuộc sống của người dân đặc biệt thống khổ vì thiếu lương thực do các lệnh phong tỏa của giới cầm quyền.

“Điều này thực sự đang xảy ra trong trận dịch tại Yili, người dân địa phương đã cố gắng làm nhiều cách để thế giới bên ngoài biết về hoàn cảnh của chúng tôi ở đây”, một người bình luận theo trang What’s On Weibo.

“Chúng tôi bị nhốt bên trong và không có đủ nguồn cung cấp,… hãy giúp chúng tôi, giúp chúng tôi ở đây, giúp đỡ những người dân bình thường Yili!”

“Trẻ em sốt 40 độ thậm chí không thể gặp bác sĩ, phụ nữ mang thai thậm chí không thể vào bệnh viện, chúng tôi thực sự không thể chịu được nữa”, một người dân bình luận.

Chia sẻ từ những người Yili sau hơn 40 ngày bị phong tỏa đã thu hút hàng trăm nghìn bình luận và bài đăng, theo The Guardian.

Các nhà chức trách Trung Quốc đã bác bỏ một số yêu cầu hỗ trợ khó khăn, bao gồm cả các trường hợp tử vong và tự tử. Nhưng tuần trước, họ thừa nhận đã có vấn đề với thực phẩm và vật tư y tế, đồng thời xin lỗi người dân trong một cuộc họp báo, và đổ lỗi cho các quan chức địa phương.

Một cư dân bình luận: “Đầu tiên họ nói đó là tin giả, sau đó họ xin lỗi…”.

“Điều có thật là toàn bộ thành phố đã bị buộc phải im lặng trong 41 ngày”, một người khác viết.

Hôm Chủ nhật (11/9), ủy ban y tế quốc gia Trung Quốc đã báo cáo 1.138 trường hợp nhiễm Covid-19, trong đó có 28 trường hợp ở Tân Cương. Có khoảng 200 trường hợp đã được báo cáo từ Tân Cương trong tuần trước.

Trên phạm vi toàn cầu, con số này là rất nhỏ, nhưng giới chức Trung Quốc vẫn áp dụng các biện pháp phong tỏa cực đoan. Ngày càng có nhiều người dân phàn nàn về vấn đề này, theo The Guardian.

Có thể bạn quan tâm:

Từ Khóa: