Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã kiến nghị các tỉnh, thành phố lập những đội bắt chó thả rông để đảm bảo an toàn cho người.

Thành lập đội bắt chó thả rông để không còn chó dại, chó dữ cắn chết người

Báo Tuổi Trẻ đưa tin, tại cuộc họp báo chí định kỳ diễn ra vào sáng 1/8, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến cho biết trong văn bản quy phạm pháp luật của ngành thú y, chăn nuôi về nuôi chó đều quy định rất rõ là khi đưa chó ra nơi công cộng phải đeo rọ mõm cho chó, xích giữ chó và có người dắt. 

Thả rông chó sẽ gây nguy hại cho người xung quanh (ảnh chụp màn hình báo Sức Khoẻ & Đời Sống).

Tuy nhiên, trong những năm gần đây vẫn xuất hiện những vụ chó cắn chết người. Do đó, Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương có biện pháp để người dân thực hiện nghiêm túc quy định về nuôi chó.

“Như TP.HCM, Hà Nội hiện có những đội bắt chó. Bộ cũng chỉ đạo các tỉnh, thành phố khác làm theo mô hình của TP.HCM và Hà Nội, xử lý nghiêm vi phạm hành chính theo nghị định của Luật thú y, Luật chăn nuôi để giảm tối thiểu nhất thiệt hại hoặc không xảy ra việc chó cắn chết người” – ông Tiến nói. 

Khi được hỏi có nên định danh một số loại chó dữ, nguy hiểm để hạn chế hoặc cấm nuôi, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng có đến hàng trăm loại chó nên khó đưa chi tiết vào văn bản quy phạm pháp luật. Thay vào đó quy định an toàn chung đeo rọ mõm cho chó khi ra đường sẽ hạn chế được rất nhiều vấn nạn.

Hà Nội lập gần 600 đội bắt chó thả rông

Mới đây, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền vừa ký ban hành kế hoạch thực hiện chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại trên địa bàn thủ đô giai đoạn 2022 – 2030. Theo đó, Hà Nội sẽ thành lập gần 600 đội bắt chó thả rông tại 30 quận, huyện, thị xã; kế hoạch trên do Chi cục Thú y Hà Nội tham mưu. 

Trên thực tế từ cuối năm 2018, Thanh Xuân là quận đầu tiên ở Hà Nội lập đội săn bắt chó thả rông nhằm phòng chống bệnh dại. Đến cuối năm 2019, Ba Đình bắt đầu triển khai mô hình này. Với kế hoạch mới của thành phố, từ nay đến năm 2030, mỗi xã, phường, thị trấn sẽ có một đội bắt chó thả rông, theo báo VnExpress.

Tổng đàn chó, mèo của thành phố Hà Nội hiện khoảng 460.000 con, đứng thứ hai cả nước sau Nghệ An. Từ năm 2019 đến nay, Hà Nội ghi nhận một trường hợp tử vong vì bệnh dại.

Qua thực tế triển khai, ông Nguyễn Ngọc Sơn chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội cho biết đã gặp một số khó khăn như dụng cụ bắt giữ chó chưa chuyên dụng; nhiều con chó to khi bị bắt gây thương tích cho tổ bắt chó mà thù lao còn thấp so với công sức họ bỏ ra, nên khiến nhiều người không mặn mà tham gia vào đội.

Việc nuôi nhốt cho khi bắt được là vấn đề mà nhiều địa phương đang vướng mắc (ảnh chụp màn hình báo Sức Khoẻ & Đời Sống).

“Khó khăn nữa là khi bắt chó mà chưa xác minh được ai là chủ thì phải nuôi nhốt, chăm sóc, đồng thời thông báo rộng rãi để chủ tới nhận chó. Ngoài ra, hiện nhiều giống chó rất đắt tiền, từ hàng chục đến cả trăm triệu, nên việc chăm sóc những con chó này lúc bắt giữ cũng đặt ra nhiều vấn đề do đây là tài sản lớn”, ông Sơn chia sẻ.

Như tờ VTC News đưa tin, từ ngày 15/9/2017, Nghị định 90/2017 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y có hiệu lực thi hành. Cụ thể, cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi không thực hiện việc phòng bệnh bằng vắc xin hoặc các biện pháp phòng bệnh bắt buộc khác cho động vật. Không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng bị phạt từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng.

Ngoài ra, luật cũng quy định, chó thả rông sẽ bị bắt, sau 72 giờ nếu không có người nhận sẽ đem đi tiêu hủy.

Có thể bạn quan tâm: