Chính quyền Mỹ Joe Biden gần đây đã gỡ bỏ Sáng kiến Trung Quốc, một chương trình chống lại mối đe dọa từ Bắc Kinh được đưa ra từ thời Tổng thống Donald Trump.

Sáng kiến Trung Quốc thời ông Trump

Sáng kiến Trung Quốc (China Initiative) là một sáng kiến do chính quyền Donald Trump khởi xướng vào năm 2018, được thành lập để ngăn chặn việc Trung Quốc đánh cắp bí mật thương mại của Hoa Kỳ. Sáng kiến này cũng nhắm vào các hoạt động tin tặc, xâm nhập và ảnh hưởng quá mức của Bắc Kinh đối với nền giáo dục và chính trị Hoa Kỳ.

Bộ Tư pháp thời Trump cho biết chương trình nhắm vào việc “xác định và truy tố những người tham gia vào các hành vi trộm cắp bí mật thương mại, tin tặc và gián điệp kinh tế” cũng như “bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng của chúng ta trước các mối đe dọa từ bên ngoài thông qua đầu tư trực tiếp nước ngoài và các thỏa thuận trong chuỗi cung ứng.”

The Guardian đưa tin, Sáng kiến ​​này đã dẫn đến một số vụ kết án, trong đó có ông Charles Lieber, một giáo sư Đại học Harvard, bị kết tội vào tháng 12 năm ngoái vì che giấu mối quan hệ của ông với một chương trình tuyển dụng do Trung Quốc điều hành.

Trang lưu trữ của Bộ Tư pháp thời Trump đã liệt kê các vụ việc khác bị đưa ra ánh sáng kể từ khi Sáng kiến Trung Quốc ra đời.

Vì sao chính quyền Biden từ bỏ Sáng kiến Trung Quốc?

Ngày 23/2/2022, Bộ Tư pháp Mỹ ra tuyên bố gỡ bỏ Sáng kiến Trung Quốc. Lý do chính quyền Biden đưa ra là sáng kiến này gây ra những quan ngại về việc “phân biệt chủng tộc” nhắm vào người gốc Á.

NPR đưa tin, Bộ Tư pháp Mỹ cam đoan sẽ tiếp tục chống lại các mối đe dọa về trộm cắp tài sản trí tuệ mà Trung Quốc gây ra theo hướng “rộng mở hơn”. Nhưng không rõ các biện pháp cụ thể mà chính quyền Biden sẽ áp dụng là gì.

Theo OAN, quyết định gỡ bỏ Sáng kiến Trung Quốc được đưa ra là nhằm đáp ứng yêu cầu của các nhà hoạt động cực tả. Những người này cáo buộc sáng kiến của ông Trump đã “nhắm mục tiêu không công bằng vào văn hóa và di sản Trung Quốc.”

Tuy nhiên, một số chuyên gia an ninh quốc gia lo ngại việc chính quyền Biden gỡ bỏ sáng kiến China Initiative có thể đe dọa khả năng chống lại một số hoạt động của chính phủ Trung Quốc ở Mỹ.

Bỏ Sáng kiến Trung Quốc là một “sai lầm”

Cựu Tổng thống Trump: “Một sai lầm lớn”

Ông Trump đưa ra bình luận này trong cuộc họp báo ngày 26/2 trước khi ông có bài phát biểu tại hội nghị Hành động Chính trị Bảo thủ (CPAC).

“Tôi lấy làm ngạc nhiên khi biết tin đó. Tôi không nghĩ chúng ta nên làm điều đó”, cựu Tổng thống Trump trả lời câu hỏi của biên tập viên cấp cao Jan Jekielek của The Epoch Times.

“Tôi nghĩ đó là một sai lầm lớn”, cựu Tổng thống Trump nói về quyết định của chính quyền Biden.

Gordon Chang: Thông điệp sai lầm tới Trung Quốc

Nhà nghiên cứu Gordon Chang cũng cho rằng đó là một sai lầm.

“Trung Quốc đang đánh cắp hàng trăm tỷ đô la tài sản trí tuệ của Hoa Kỳ mỗi năm”, ông Chang nói với Fox News Digital.

Ông Chang cho rằng việc loại bỏ Sáng kiến CI sẽ gửi một thông điệp sai lầm tới Trung Quốc và các nước khác; đó là họ có thể thoải mái tiếp tục hành vi đánh cắp tài sản trí tuệ Mỹ.

Nhà nghiên cứu có dòng máu người Hoa cho biết: “Có vẻ như việc truy lùng gián điệp của Trung Quốc đã trở nên không đúng đắn về mặt chính trị, vì vậy điều này là không thể giải thích được theo quan điểm của tôi”.

Ông Chang nói thêm rằng dưới chế độ Trung Quốc, tất cả công dân Trung Quốc đều có thể bị ép buộc trở thành gián điệp giúp Bắc Kinh lấy trộm bí mật thương mại của Mỹ.

“Đó không phải là về chủng tộc,” ông Chang nói. “Đó là về việc (chính quyền) Trung Quốc ép buộc họ thực hiện các hành vi gián điệp”.

Ông Chang cho biết: “Trung Quốc nhắm mục tiêu vào công dân Mỹ gốc Trung Quốc, và vì vậy, một lần nữa mỗi người gốc Hoa đều là mục tiêu hợp pháp cho nỗ lực phản gián (của Mỹ) bởi vì Trung Quốc đã biến họ như vậy”.

Chuyên gia Ying Ma: Mối đe dọa từ Trung Quốc là có thật

Học giả, chuyên gia chính sách Ying Ma nói với Fox News Digital rằng các mối đe dọa từ Trung Quốc là có thật.

Ông Ma nói: “Chính phủ nhắm mục tiêu mạnh mẽ nhất vào người Mỹ gốc Hoa là chính phủ Trung Quốc”.

Ông cho biết rất nhiều người dễ bị chính quyền Trung Quốc mua chuộc, “cho dù là do lòng tham hay ý thức sai lầm về chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc, hoặc cả hai”.

Ông Ma tiếp tục nói: “Các mối đe dọa từ Trung Quốc là có thật. Hãy hy vọng Bộ Tư pháp sẽ tìm ra cách hiệu quả hơn Sáng kiến ​​Trung Quốc để cảnh giác chống lại hoạt động gián điệp và đánh cắp nghiên cứu khoa học của Mỹ.”

Michael Pillsbury: Một gáo nước lạnh đối với FBI

Ông Michael Pillsbury, tác giả cuốn sách “Cuộc thi Marathon Trăm năm: Chiến lược bí mật của Trung Quốc nhằm thay thế Mỹ trở thành siêu cường toàn cầu”, nói với Fox News Digital rằng: “Điều này rõ ràng là dội gáo nước lạnh vào từng nhân viên FBI trong lĩnh vực này.”

Ông cho rằng nếu động thái từ bỏ sáng kiến bị hiểu thành “hãy dành ưu tiên thấp hơn cho các vụ trộm công nghệ của Trung Quốc, thì đó sẽ là một thảm họa.”

Kể từ khi có Sáng kiến Trung Quốc đến tháng 2 năm 2020, FBI đã tiến hành khoảng 1,000 cuộc điều tra về hoạt động đánh cắp bí mật thương mại của Trung Quốc.

Từ Khóa: