“Không ai ở Đông Nam Á lại không để mắt đến bức ảnh Tướng Tea Banh, Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia, cùng Đại sứ Trung Quốc Vương Văn Thiên (Wang Wentian) đi tắm biển cùng nhau vào đầu tháng này”, theo BenarNews.

Trong bức ảnh, hai người đang ngâm mình ở Vịnh Thái Lan sau khi cắt băng khánh thành một căn cứ hải quân mà Trung Quốc xây dựng ở tỉnh Sihanouk của Campuchia.

Tin tức về việc chính quyền Hun Sen cho Bắc Kinh sử dụng độc quyền một phần của Căn cứ Hải quân Ream đã làm gia tăng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc.

Khi xích mích Trung-Mỹ ngày càng căng thẳng, Phnom Penh dường như đã nghiêng về phía Trung Quốc, theo BenarNews.

“Campuchia và Trung Quốc không giỏi che giấu mối quan hệ của họ”, Virak Ou, chủ tịch Diễn đàn Tương lai, một tổ chức tư vấn Campuchia cho biết.

“Rõ ràng là (đất nước) chúng tôi đang chọn phe.”

Campuchia phủ nhận việc “nghiêng về Trung Quốc”

Tại diễn đàn an ninh Đối thoại Shangri-La ở Singapore diễn ra vào ngày 12/6, ông Tea Banh đã chỉ trích cái mà ông gọi là “những cáo buộc vô căn cứ và có vấn đề” chống lại chính phủ Campuchia liên quan đến căn cứ hải quân mà Phnom Penh đang xây dựng ở Ream, với sự giúp đỡ từ Bắc Kinh.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Campuchia Tea Banh và Đại sứ Trung Quốc Wang Wentian tắm biển sau lễ động thổ Căn cứ Hải quân Ream ở Sihanoukville, Campuchia (ảnh: Facebook của Tea Banh).
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Campuchia Tea Banh và Đại sứ Trung Quốc Wang Wentian tắm biển sau lễ động thổ Căn cứ Hải quân Ream ở Sihanoukville, Campuchia (ảnh: Facebook của Tea Banh).

“Thật không may, Campuchia liên tục bị cáo buộc là trao chủ quyền cho nước ngoài sử dụng căn cứ”, Bộ trưởng Banh tuyên bố. Ông nói thêm rằng đây là “một sự xúc phạm hoàn toàn” đối với đất nước của ông.

Ông Banh tuyên bố Campuchia là một quốc gia “độc lập, có chủ quyền và có toàn quyền quyết định vận mệnh của mình”.

Căn cứ Hải quân Ream thực sự sẽ là cơ sở hải quân đầu tiên của Trung Quốc ở Đông Nam Á và cho phép quân đội nước này mở rộng các cuộc tuần tra trên khắp khu vực.

Các nước Đông Nam Á khác chọn Mỹ hay Trung Quốc?

Hầu hết các quốc gia Đông Nam Á cho đến nay vẫn né tránh việc chọn lựa giữa Mỹ và Trung Quốc.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Indonesia Prabowo Subianto cho biết: “Chúng tôi hiểu rõ sự cạnh tranh giữa ‘cường quốc thế giới đã được xác lập’ (ám chỉ Mỹ) và ‘cường quốc đang trỗi dậy trên thế giới’ (ám chỉ Trung Quốc)”.

Ông Prabowo nói rằng “các nước Đông Nam Á bị“ ảnh hưởng nhiều nhất bởi sự cạnh tranh của các cường quốc.

Bộ trưởng Prabowo nói: “Indonesia đã lựa chọn không tham gia vào bất kỳ liên minh quân sự nào”.

Lập trường tương tự cũng được áp dụng tại Việt Nam. Sách trắng về chính sách quốc phòng của Việt Nam có nêu rõ “ba không”, bao gồm không liên minh quân sự, không cho phép xây dựng căn cứ quân đội nước ngoài ở trong nước và không liên minh với nước này để chống lại nước khác.

Chính quyền Hun Sen cho Trung Quốc xây căn cứ quân sự tại Campuchia (ảnh chụp màn hình Phnom Penh Post).
Chính quyền Hun Sen cho Trung Quốc xây căn cứ quân sự tại Campuchia (ảnh chụp màn hình Phnom Penh Post).

Theo BenarNews, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có thiên hướng “chống lại Trung Quốc” vì bị Trung Quốc xâm lược nhiều lần trong lịch sử. Nhưng khó có khả năng Hà Nội sẽ chấp nhận liên minh với Hoa Kỳ để chống lại Bắc Kinh.

Hiện nay, chỉ có 2 trong số 10 quốc gia ASEAN – Philippines và Thái Lan – là đồng minh có hiệp ước với Mỹ. Nhưng ngay cả ở Manila và Bangkok, đã có những dấu hiệu mở rộng hợp tác với Trung Quốc.

Hưởng lợi từ cuộc cạnh tranh Mỹ – Trung?

Ông Collin Koh, một nhà nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, cho biết: “Đông Nam Á và Trung Quốc là láng giềng của nhau nhờ vào vị trí địa lý và sự hợp tác của họ là đương nhiên.”

Ông Koh nói: “Các nước Đông Nam Á không muốn chọn bên nhưng họ thấy mình bị hút vào cuộc cạnh tranh giữa các siêu cường”. Ông cho biết, một số quốc gia đang cố gắng hưởng lợi từ cuộc cạnh tranh đó.

Nhưng, theo bà Bonnie Glaser, giám đốc chương trình Châu Á tại Quỹ Marshall của Hoa Kỳ, việc “cố gắng hưởng lợi từ cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung là thiển cận.”

Bà Glaser nói: “Các nước trong khu vực nên xem xét một chiến lược dài hạn để duy trì một trật tự thế giới dựa trên luật lệ, nơi các nước nhỏ hơn cũng có quyền phát biểu vì họ không muốn Trung Quốc ra lệnh cho họ phải làm gì.”