Trong xã hội ngày nay, nhiều bậc cha mẹ có cùng chung một câu hỏi: Tôi nên làm gì khi con tôi nói rằng nó buồn chán?

Gần đây, một người mẹ nói với tôi rằng con trai của cô ấy luôn hỏi cô ấy: “Con làm gì bây giờ? Con chán lắm rồi”. Người mẹ này cũng giống như nhiều bậc cha mẹ thời nay. Họ cảm thấy áp lực trong việc giúp con trai ngay lập tức thoát khỏi cảm giác chán và cố gắng tìm ra các hoạt động để loại bỏ sự khó chịu của con.

Cha mẹ hiểu lầm về sự buồn chán ở con

Trẻ em bây giờ có thời khóa biểu kín mít; thời gian của chúng được lấp đầy đến giây cuối cùng trong ngày. Sự chú ý của chúng thường dành cho các lớp học ngoài giờ, thể thao, gia sư, sân chơi… Ngay cả trong các bữa tiệc sinh nhật, khi cả chục đứa trẻ được quây quần bên nhau, cha mẹ vẫn cảm thấy có trách nhiệm phải ‘lấp đầy” cho chúng.

Cảm thấy buồn chán đã trở thành trải nghiệm đáng sợ và sự đáng sợ này đặt gánh nặng lên vai cha mẹ. Sự buồn chán không còn là chuyện của một đứa trẻ nữa, giờ đây nó lại trở thành vấn đề của cha mẹ. Nếu cha mẹ không quan tâm đến điều đó thì dường như cha mẹ đang bỏ bê con cái, nhưng có đúng như vậy không?

Như chúng ta tưởng tượng một cách nhầm lẫn, buồn chán là khoảnh khắc không được sống trọn vẹn; như thể đó là một cơ hội bị bỏ lỡ. Chúng ta coi nó như một sự vắng mặt, một trạng thái hư vô: Không có gì để làm, không có gì để học, không có gì để trải nghiệm. Như chúng ta thấy, buồn chán là sự trống rỗng.

Vì sợ buồn chán, chúng ta đang khuyến khích con cái tập trung vào một số loại hình giải trí liên tục. Chúng dán mắt vào điện thoại, máy tính. Đồng thời, cha mẹ tự thuyết phục bản thân rằng như vậy chúng được học hỏi nhiều hơn, giao tiếp nhiều hơn, cũng có nghĩa là sống nhiều hơn.

Đáng buồn thay, chúng ta không còn tin tưởng vào khả năng chịu đựng hoặc thậm chí khả năng sống sót của con mình trong thời gian trống.

Chúng ta đã không còn nhìn thấy khả năng sâu xa và tiềm năng của sự buồn chán. Sự thật cơ bản là chúng ta đã mất niềm tin vào trí tưởng tượng của con mình và sức mạnh sáng tạo của con người để thích nghi với môi trường sống.

Lợi ích của sự nhàm chán

Hai điều có giá trị lớn xảy ra khi chúng ta buồn chán. Đầu tiên, chúng ta phải sử dụng trí tưởng tượng của mình; chúng ta phải phát minh ra. Đây là một kỹ năng không thể xem thường. Buồn chán sẽ tạo ra cơ hội để sáng tạo và tự hoạt động, điều đó vô cùng quan trọng trong việc phát triển một con người khỏe mạnh.

Với tư cách là cha mẹ, chúng ta có trách nhiệm giúp con xây dựng các kỹ năng tưởng tượng và sáng tạo. Chúng ta làm điều này bằng cách gieo những hạt giống khi con còn nhỏ – cho chúng cơ hội chơi, phát triển, làm công việc của mình và trở thành con người của chúng. Buồn chán là nước tưới cho những hạt giống nảy mầm. Khi chúng ta cung cấp mọi thứ sẵn có, lấp đầy khoảng thời gian trống của trẻ, cũng có nghĩa là chúng ta đang để trí tưởng tượng và năng lực sáng tạo của trẻ bị teo đi, mất dần đi.

Thứ hai, khi một đứa trẻ nói “Con buồn chán”, đó là bởi vì chúng không thể tìm thấy bất cứ điều gì khiến chúng hứng thú. Nhưng chúng đang tìm ở đâu? Thông thường, chúng đi tìm bên ngoài chính mình.

Trẻ buồn chán bởi vì chúng không tìm thấy gì vui, nhưng đó chỉ là sự tìm kiếm bên ngoài chính mình (ảnh minh họa: Pixabay).

Khi chúng ta nói rằng chúng ta đang buồn chán, đó là bởi vì chúng ta không có gì để phân tâm khỏi bản thân. Nếu chúng ta cố gắng mang một hoạt động đến trước mặt con mình khi nó buồn chán, thì chúng ta đang tạo ra (và ủng hộ) cho con niềm tin rằng nếu không có điều gì đó thêm vào bản thân thì con không là gì cả.

Thực ra, sự buồn chán sẽ mang theo lời mời ta hãy dành thời gian, quan tâm đến, hoặc ít nhất, học cách khoan dung với chính nội tâm của chúng ta. Chính trong khoảng trống giữa các hoạt động, ta có thể chuyển sự chú ý sang những suy nghĩ, cảm xúc của chính mình và thậm chí có thể nghĩ về chính trải nghiệm buồn chán.

Khả năng không sợ hãi chính mình là kỹ năng quý giá nhất mà bọn trẻ sẽ học được. Ngay cả khi công nghệ hiện nay có thể giúp con cái chúng ta vượt qua mọi giới hạn, khả năng không sợ hãi vẫn là kỹ năng quý giá nhất mà chúng sẽ học được. Trong sự buồn chán, ta trở thành điểm đến xứng đáng cho sự chú ý của chính ta.

Vì vậy, chúng ta quay trở lại câu hỏi “Có thể để con tôi buồn chán không?” Câu trả lời là “Có”. Bạn làm như vậy không những rất ổn mà còn là điều tối quan trọng. Khi con bạn phàn nàn về việc buồn chán, bạn có thể chỉ cần nói: “Thỉnh thoảng con chán cũng được. Nó sẽ không làm hại con và nó sẽ giúp con theo những cách mà con chưa thể biết ”. Và sau đó, bạn hãy tự hài lòng khi biết rằng sự chán nản của chúng mang theo thông điệp bạn đang làm đúng với tư cách là một bậc cha mẹ, khuyến khích con sáng tạo và tự nhìn vào nội tâm.

Bài viết được biên dịch theo Nancy Colier, The Epoch Times.

Nancy Colier là một nhà trị liệu tâm lý, tác giả, diễn giả trước công chúng, trưởng hội thảo và là tác giả của một số cuốn sách về chính niệm và sự phát triển cá nhân. Colier có sẵn các liệu pháp tâm lý cá nhân, đào tạo chính niệm, tư vấn tâm linh, thuyết trình trước đám đông và hội thảo, và cũng làm việc với khách hàng qua Skype trên khắp thế giới. Để biết thêm thông tin, hãy truy cập NancyColier.com

Từ Khóa: