Bán đi mọi thứ mà bạn sở hữu.

Bán đi ngôi nhà, chiếc xe, và tất cả tài sản vật chất.

Rồi quyên tiền cho tổ chức từ thiện. Và chuyển lên núi sống.

Ai khao khát sự bình yên nội tâm mà chưa từng nghĩ đến những điều này nhỉ?

Chà, có một số người đã làm vậy.

Các tu sỹ khổ hạnh vào thế kỷ thứ 9 tại Hy Lạp chợt nhận ra rằng để lánh mình khỏi nỗi thống khổ nơi thế tục, họ có thể leo lên những vách đá dựng đứng của Dãy núi Pindus ở Thessaly để cầu nguyện và thiền định trong sự cô tịch yên bình.

Metéora, tọa lạc ở dãy núi Pindus ở Thessaly, Hy Lạp (ảnh: /Shutterstock).

Người ta vẫn có thể tìm thấy bằng chứng về nơi trú ẩn trong hang động cổ xưa và cầu thang xoắn bằng gỗ giữa những cột đá cao chót vót này, chỉ cách thị trấn Kalabaka vài dặm về phía bắc. Theo một cách nào đó, cuộc sống như vậy ắt hẳn rất khắc nghiệt; nhưng ở phương diện khác, thì không khó để lý giải nét hấp dẫn của lối sống này.

Một mặt, khung cảnh từ các vách đá kia nhìn xuống thung lũng Sông Pineios đã từng, và có lẽ cho đến tận bây giờ, là một trải nghiệm tâm linh — mang đến nguồn cảm hứng trong hành trình tu hành của họ.

Mặt khác, những gì họ đang chạy trốn — một thế giới đầy rẫy khổ ải, đấu đá chính trị, và bức hại — khiến cuộc sống trở nên ngạt thở.

Cuối cùng, nhóm các nhà tu khổ hạnh tự phát này được quy tụ lại và hình thành một cộng đồng bởi một nhà tu tên Nilos. Các tu sỹ ở đây đi theo Giáo Hội Chính Thống Giáo Đông phương và sẽ bắt đầu một dự án xây dựng cao vút giữa mây ngàn.

Hang động từng là nơi sinh sống của các nhà tu khổ hạnh tại quần thể tu viện Metéora, Hy Lạp (trái: Falk2/CC BY-SA 4.0; Phải: Falk2/CC BY-SA 4.0; Hình nhỏ: Falk2/CC BY-SA 3.0).

Và vì vậy, vào thế kỷ thứ 14, việc các tu sỹ leo lên những cột đá dốc đứng của Dãy núi Pindus để khảo sát các địa điểm mới, và xây dựng 24 tu viện biệt lập — như thể chạm đến Thiên đường — đã trở thành một nỗ lực tâm linh vĩ đại. Họ đã tạo ra một nơi tĩnh mịch để [các tu sỹ] chiêm niệm về Thượng Đế và sự bình an vĩnh cửu.

Đầu tiên là Tu viện Great Metéoron — tu viện lớn nhất, được xây dựng trên mỏm đá lớn nhất trong khu vực — do tu sỹ Saint Athanasios thành lập vào năm 1344. Tu viện Varlaam, tu viện lớn thứ hai, được thành lập khi tu sỹ Varlaam tìm cách leo lên một đỉnh núi, nơi có thể nhìn thấy Great Metéoron qua lớp sương mù.

Và tiếp theo là Tu viện Agios Nikolaos Anapafsas được xây dựng vào gần cuối thế kỷ 14. Có tu viện Holy Trinity (Chúa Ba Ngôi), là nơi khó đến nhất, nhưng lại có tầm nhìn toàn cảnh ngoạn mục nhất. Tu viện Agios Stefanos là nơi dễ tiếp cận nhất với cây cầu nhỏ bắc qua hai vách đá.

Các bậc thang được đục trực tiếp vào các khối đá sẵn có; mặc dù hành trình đến với các tu viện này vẫn còn chông gai và nguy hiểm, thường lên đến hơn 1,500 feet (khoảng 457m), nhưng ít nhất với người hành hương khỏe mạnh, can đảm, hoặc nhiệt thành, chặng đường này đã dễ dàng di chuyển hơn.

Một thùng chứa còn sót lại, từng dùng để chở nước từ phía dưới xa lên tu viện (ảnh: Giuma/Shutterstock)
Tu viện Great Metéoron (ảnh: Janmad/CC BY-SA 2.0).

Và rất nhiều những tu viện khác xuất hiện, bao phủ trên cách đỉnh cột đá đứng hiên ngang khắp thung lũng. Tất cả các công trình này trở thành quần thể tu viện Metéora, dịch từ tiếng Hy Lạp có nghĩa là “lơ lửng giữa không trung.”

Bản thân địa hình độc nhất vô nhị này đã là một điều kỳ diệu. Nó được hình thành qua hàng triệu năm do quá trình lắng đọng của các lớp đá trầm tích, sau đó bị chia cắt bởi các hoạt động kiến tạo nâng đáy biển lên. Quá trình phong hóa đã bào mòn những tàn tích này, tạo nên những dạng địa hình rất độc đáo so với những dạng tương tự ở nơi khác.

Đâu đó là những lời nhắc nhở về cuộc sống khắc nghiệt thuở ban đầu — dù là ngày nay vẫn có một số ít các tu sỹ và nữ tu chọn Meteora làm nơi cư ngụ của họ. Các tu sỹ khởi xướng công trình này đã xây dựng các tháp tời mà ngày nay vẫn có thể nhìn thấy. Người, hàng hóa, vật liệu xây dựng được đưa lên bằng dây thừng. Ở đây cũng có các chiếc thang có thể kéo lên trong trường hợp bị xâm phạm, giúp các tu sỹ sống tại đây tránh bị tấn công.

Tu viện Great Metéoron nhìn từ trên cao (ảnh: Maykova Galina/Shutterstock).
Tu viện Varlaam (ảnh: Nataliia Budianska/Shutterstock).

Quá trình xây dựng hẳn đã diễn ra chậm chạp; họ thường xây theo chiều dọc để bù đắp cho phần diện tích đất hạn chế. Nhưng những vất vả đã được đền đáp xứng đáng: Tu viện Great Meteoron được mở rộng nhờ ẩn sỹ Ioasaf, con trai của một hoàng đế Hy Lạp-Serbia, và danh tiếng cùng sự giàu có theo sau khi đoàn người hành hương đổ xô đến.

Sự biệt lập của thánh địa này còn mang đến lợi ích theo một cách khác. Khi Đế chế Ottoman Thổ Nhĩ Kỳ mở rộng và chiếm đóng lãnh thổ này vào thế kỷ 15, các tu sỹ, những người Hy Lạp bị đàn áp, và tín đồ Công Giáo đã tìm được nơi nương náu an toàn bên trong các bức tường của Tu viện Meteora. Việc từ chối cho các lữ khách nương nhờ — còn gọi là “philoxenia” trong tiếng Hy Lạp — bị xem là một trong những điều báng bổ lớn nhất.

Cánh cửa của Tu viện Great Metéoron (ảnh: Podolnaya Elena/Shutterstock).
Bên trong Tu viện Varlaam; (Hình nhỏ) Một du khách thắp nến (ảnh: Ykov Oskanov/Shutterstock; Hình nhỏ: smoxx/Shutterstock).
Bên trong Tu viện Great Metéoron (ảnh: Havoc/Shutterstock).
Quần thể tu viện Metéora nhìn từ trên cao (ảnh: Martin Mecnarowski/Shutterstock).

Vì quần thể tu viện Metéora không bị các Sultan tàn phá, nên nơi đây phát triển rực rỡ trong nhiều thế kỷ tiếp theo. Vào thế kỷ 16, tu viện được trang hoàng lộng lẫy, với những bức bích họa chân dung các nhà sáng lập và các vị thánh. Bức tranh nổi tiếng nhất do họa sỹ Theophanis the Cretan thực hiện vào năm 1527 bên trong tu viện Saint Nicholas of Anapafsas.

Nhưng than ôi, khoảng thời gian tươi đẹp không thể kéo dài mãi mãi. Nếu tất cả những gì tu sỹ muốn là được tĩnh tâm cầu nguyện và sửa sang lại nơi ở của họ, thì điều đó đã không xảy ra. Trong thế kỷ 20, các tu viện kỳ vĩ này đối mặt với nhiều thử thách và số lượng bị sụt giảm nghiêm trọng, từ 24 xuống còn khoảng 6 (chính là những tu viện đã được nhắc đến ở trên).

Các khối đá bị ảnh hưởng bởi động đất và lở đất khiến đường sá và các tòa nhà sụp đổ. Nơi đây cũng không tránh khỏi sự tàn phá của chiến tranh. Những quả bom làm rung chuyển mặt đất và sự rung động từ những chiếc phi cơ Đức tầm thấp cũng gây hậu quả nặng nề suốt Đệ nhị Thế chiến.

Tuy nhiên, sau đó, nhiều nỗ lực được thực hiện để bảo tồn địa điểm này. Quần thể tu viện Metéora trải qua quá trình bảo tồn vào năm 1972, và trở thành di sản được UNESCO bảo vệ vào năm 1988. Các tu viện này đã vượt qua [thời đại khó khăn đó].

Qua nhiều thế kỷ, Metéora đã trải qua sự bức hại, xâm lược, động đất, và chiến tranh. Giờ đây, địa điểm này đang đối mặt với một loại xâm lược mới.

Tu viện Holy Trinity (ảnh: Perkele022/Shutterstock).
Tu viện Varlaam (ảnh: Burcea Marius/Shutterstock).

Trong thời đại của ngành giải trí và du lịch thời nay, cách cửa của Metéora vẫn rộng mở, như ngày xưa. Nơi đây đã thu hút rất đông du khách — và thậm chí cả các nhà làm phim.

Bộ phim gián điệp James Bond “For Your Eyes Only” phát hành năm 1981 với sự tham gia của diễn viên Roger Moore được quay trực tiếp tại Tu viện Holy Trinity, với sự cho phép của Bộ Văn hóa Hy Lạp. Tuy nhiên, không phải ai cũng hài lòng với điều này.

“Các tu sỹ của Metéora đã phản đối mạnh mẽ quyết định này,” trang web của Metéora viết. “Cuối cùng, các tu sỹ buộc nhà sản xuất chỉ được quay cảnh bên ngoài tu viện.” Các cảnh bên trong phải được quay tại phim trường mô phỏng lại tu viện này ở một vách đá gần đó.

Tu viện Agios Stefanos (ảnh: proslgn/Shutterstock).
Du khách ở Metéora (ảnh: JGA/Shutterstock).

Mỗi mùa hè, Metéora phần nào trở thành một nơi trục lợi khách du lịch. Mặc dù người ta vẫn có thể leo núi bằng đường bộ, nhưng giờ đây các con đường được mở ra để đến đây dễ dàng hơn. Dọc theo khung cảnh đẹp, có những du khách trẻ tuổi vui vẻ chụp selfie, còn những du khách khác, có thể họ đang tìm kiếm sự dẫn dắt về tâm linh.

Mặc dù Metéora vẫn mở cửa, nhưng du khách vẫn phải thực thi những quy tắc cổ xưa về [hành xử] tôn trọng và ăn mặc kín đáo. Theo truyền thống, phụ nữ khi ghé thăm phải mặc đầm, nếu không thì họ có thể không được phép vào.

Niềm hy vọng lớn nhất dành cho quần thể tu viện Metéora là những cư dân ở đó sẽ tìm thấy sự yên bình mà họ đang tìm kiếm, đồng thời du khách cũng có thể mang sự yên bình ấy theo họ về nhà. Và chúng ta có thể cảm nhận được sự tịch mịch khắp nơi ở ngọn núi này mà thậm chí không phải bán đi xe hơi của mình.

Nam Anh biên dịch/Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times