Có lẽ bạn đã xem qua bức hình này, ghi lại khoảnh khắc hai nữ vận động viên điền kinh ôm nhau bên đường Pitch và một lá cờ Trung Quốc xõa sượt dưới đường. Khung cảnh này diễn ra tại Đại hội thể thao châu Á Hàng Châu (Asian Games) vào tháng 10 vừa qua. Đáng nói là số phận bức hình chụp hai nữ vận động viên nước chủ nhà này lại thật sự đáng buồn, khi nó đã bị chặn hoàn toàn trên mạng internet Trung Quốc. Còn những người liên quan đến bức hình thì phải nhận cơn giận lôi đình từ các cấp chính quyền.

Vận động viên giành huy chương vàng Lin Yuwei (trái) ôm đồng hương Wu Yanni sau trận chung kết 100 mét vượt rào nữ tại Đại hội thể thao châu Á lần thứ 19 ở Hàng Châu. Ảnh: AP

Tại sao chỉ là một bức ảnh thôi lại gây ra sóng gió như vậy? Thực tế là không rõ vô tình hay hữu ý, bức ảnh ấy đã gợi lại một thời điểm nhạy cảm mà Bắc Kinh luôn muốn người dân trong nước và cả thế giới quên đi. Nhưng rủi thay cho Bắc Kinh, khi mà chỉ chưa đầy một tháng sau, sự kiện đáng quên kia lại được nhắc lại. Lần này thì không phải là do một vận động viên thể thao nào làm ra, mà nó vô tình xuất hiện từ khi Đảng cộng sản Trung Quốc báo tin: Cựu Thủ tướng Lý Khắc Cường đột ngột qua đời vào ngày 27/10.

Vậy sự kiện nào là điểm chung liên quan đến bức hình bên đường Pitch ở Hàng Châu và cái chết ông Lý Khắc Cường?

“Cú nước rút” trên đường chạy cuộc đời của ông Lý Khắc Cường

Khi đảng cộng sản Trung Quốc báo tin ông Lý Khắc Cường qua đời lúc 0:10 giờ sáng ngày 27/10 ở tuổi 68, thì cả những người ưa hoặc không thích ông ở Trung Quốc đều có thể nói rằng ông chết trẻ. Nghe có vẻ hơi buồn cười và phi lý, vì ở tuổi 68 hầu hết mọi người đều đã về hưu và đi sinh hoạt hội người cao tuổi. Nhưng chúng ta hãy để ý một chút rằng, khi so sánh độ tuổi 68 của ông Lý Khắc Cường với tuổi thọ trung bình của các nhà lãnh đạo ĐCSTQ, thì chúng ta sẽ thấy cách nói ông Cường yểu mệnh là có lý.

Theo thống kê, ngay từ năm 2008, tuổi thọ trung bình của các nhà lãnh đạo ĐCSTQ đã lên đến 88 tuổi. Và bạn có tin không khi vào năm 2019, trên mạng WeChat của Trung Quốc Đại Lục, xuất hiện thông tin rằng “Dự án Sức khỏe Thủ trưởng 981” của chính quyền nước này thậm chí còn đặt mục tiêu kéo dài tuổi thọ cho các cựu quan chức cấp cao lên 150 tuổi. Nhưng bởi vì nội dung “tái tạo chức năng nội tạng” được đề cập trong thông tin dự án đã bị ngoại giới nghi ngờ liên quan đến hoạt động thu hoạch nội tạng để cấy ghép, do đó thông tin  này nhanh chóng bị gỡ xuống trong bối cảnh có nhiều hoài nghi.

Dù vậy thì tuổi thọ của những quan chức cấp cao của ĐCS Trung Quốc đại đa phần cũng cao hơn hậu bối họ Lý rất nhiều. Có thể kể đến Mao Trạch Đông thọ 83 tuổi, Chu Đức 90 tuổi, Vương Chấn 85 tuổi, Đặng Tiểu Bình 92 tuổi, Giang Trạch Dân 96 tuổi… Nếu nhìn vào một số thủ tướng của ĐCSTQ, thì có thể thấy Chu Ân Lai (78 tuổi), Hoa Quốc Phong (86 tuổi), Lý Bằng (90 tuổi), Chu Dung Cơ (95 tuổi, còn sống), Ôn Gia Bảo (81 tuổi, còn sống); trong khi đó ông Lý Khắc Cường qua đời khi chưa chạm ngưỡng 70 .

Vì thế, sự ra đi đột ngột của cựu thủ tướng Lý Khắc Cường khiến dư luận không thể không đặt câu hỏi rằng: Cái chết này có phải là một cú nước rút vĩnh biệt trần thế theo một lẽ tự nhiên? Nhất là khi vào tháng 9/2023, một đoạn video ghi lại cảnh ông Lý Khắc Cường đến thăm hang Mạc Cao ở Đôn Hoàng (tỉnh Cam Túc) vào ngày 30/8 đã được phổ biến trên Internet. Trong video, ông Lý Khắc Cường tỏ ra phong độ, khí sắc tươi tỉnh, còn có thể tự mình leo lên nhiều bậc thang, không nhìn ra ông có trạng thái bị bệnh gì. Vậy mà chưa đầy hai tháng, trong điều kiện chăm sóc y tế và chăm sóc sức khỏe tiêu chuẩn cao như vậy, ông đã ra đi đột ngột?

Theo phân tích từ ngoại giới, có 3 giả thuyết về nguyên nhân gây ra cái chết của cựu Thủ tướng Trung Quốc. Giả thuyết đầu tiên là ông chết vì cơn đau tim, nhưng nguyên nhân ẩn sau đó là căn bệnh trầm cảm. 

Vậy điều gì khiến ông Lý Khắc Cường trầm cảm? Có lẽ quãng thời gian dài làm thủ tướng ở một quốc gia rộng lớn như Trung Quốc đã khiến dư luận hình thành một suy nghĩ rằng: Đây là quả đã là danh vọng tột đỉnh, sự ưu ái mỹ mãn mà số phận dành cho một cậu sinh viên xuất thân ‘nhà quê’. Vì thế mà nhiều người đã quên mất rằng, trên chính trường hơn mười năm trước, ông Lý Khắc Cường mới là ứng viên số một vào ghế tổng bí thư của ĐCS Trung Quốc chứ không phải ông Tập Cận Bình. Tức là, danh vong tột đỉnh mà ông Cường từng nghĩ sẽ thuộc về mình là vị trí tổng bí thư, chứ không phải là hạng 2 trong vai trò thủ tướng.

Cụ thể thì ông Lý Khắc Cường ban đầu được chỉ định là người kế nhiệm phe Đoàn Thanh niên của lãnh đạo ĐCSTQ Hồ Cẩm Đào. Không chỉ vậy, khi còn thanh niên, ông còn được Đặng Tiểu Bình Bình đánh giá rất cao. Khi Hồ Cẩm Đào chuẩn bị rời ghế Tổng bí thư, ông Lý Khắc Cường thành ứng viên sáng giá, bên cạnh ba ứng viên khác là Bạc Hy Lai, Vương Kỳ Sơn, và Tập Cận Bình.

Bạc Hy Lai tuy có lợi thế là thái tử đảng, con trai của nhà lãnh đạo Đảng cộng sản Bạc Nhất Ba, một trong Bát đại nguyên lão, nhưng họ Bạc lại tỏ ra quá hống hách, xảo trá; đến mức khiến các bô lão trong đảng cũng e sợ ông ta lên làm tổng bí thư rồi sẽ lật mặt cả mình. Bởi vậy, Bạc Hy Lai mất điểm. Còn ông Vương Kỳ Sơn có bố vợ là Phó thủ tướng Diêu Y Lâm, một trong những nhà lãnh đạo khét tiếng, người từng ra lệnh cho xe tăng tiến vào Thiên An Môn nghiền nát sinh viên năm 1989. Tuy nhiên, bố đẻ ông Vương Kỳ Sơn là thành viên Quốc Dân đảng, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc ông Sơn cạnh tranh ghế tổng bí thư.

Đường đua song mã còn lại ông Lý Khắc Cường và ông Tập Cận Bình. Ông Tập khi đó tỏ ra biết mình biết người, nhún nhường trong vai kẻ yếu thế. Nhưng bất ngờ là trước Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 17 của ĐCSTQ, trong các nước cờ và sự thỏa hiệp giữa phe Giang Trạch Dân và phe Đoàn Thanh niên, ông Tập Cận Bình đã vô tình trở thành người kế nhiệm quyền lãnh đạo của ĐCSTQ vì không có đặc điểm phe phái rõ ràng, trong khi ông Lý Khắc Cường đại diện phe Đoàn Thanh niên bị loại theo một kịch bản khó ngờ.

Khác với các ca ngợi trên mặt báo, thực chất 10 năm Lý Khắc Cường tại vị là 10 năm chán nản và thất vọng. Ông được giới quan sát chấm điểm là vị thủ tướng yếu thế nhất trong lịch sử ĐCSTQ . Nhất là sau Đại hội toàn quốc lần thứ 18 năm 2012, trong những năm Tập Cận Bình kiến lập uy quyền thông qua “Chiến dịch đả hổ”, bởi vì phe Giang Trạch Dân thực hiện đảo chính chính là kẻ thù chung của ông Tập Cận Bình và ông Lý Khắc Cường, cho nên ngoại giới từng cho rằng ông Tập Cận Bình và ông Lý Khắc Cường là đồng minh chính trị thắm thiết.

Tuy nhiên, khi ông Tập dần nắm quyền, người ta phát hiện ra rằng ông Tập và ông Lý không phải là những người cùng một đường, họ có xuất thân khác nhau, có những ý tưởng rất khác nhau và con đường họ đi có phần trái ngược nhau. 

Khác biệt thể hiện rõ ràng trong đường lối kinh tế; trong khi ông Tập muốn quản lý tập trung thì ông Lý ủng hộ kinh tế thị trường. Nhưng bằng khả năng quyền biến của mình, ông Tập đã dần dần tập trung quyền lực của nhiều cơ quan khác nhau, bao gồm cả Quốc vụ viện, vào tay mình bằng cách thành lập nhiều nhóm cải cách và bắt đầu nắm quyền điều hành nền kinh tế. Vì vậy, dù trên danh nghĩa là nhà lãnh đạo cao cấp thứ 2 ở Bắc Kinh, nhưng ông Lý Khắc Cường mất thực quyền, không còn được tôn trọng từ cấp dưới. Vẻ mặt chán nản và thất vọng của ông Lý Khắc Cường thường xuyên lộ rõ, người Trung Quốc cũng có thể nhìn thấy vẻ mặt chán nản của ông trên các cảnh quay của CCTV.

Đặc biệt tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ, phe Đoàn Thanh niên gần như bị “tiêu diệt”, ông Lý Khắc Cường ôm hận trong lòng, tê tái rời hội trường.

Vào cuối tháng 2/2023, ông Lý Khắc Cường khi đó sắp rời chức vụ Thủ tướng, đã đến thăm Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia và Bộ Tài chính, tại đây ông thốt lên câu “người đang làm, trời đang nhìn, xem ra ông trời có mắt”. Mặc dù lời nói của ông bày tỏ sự tôn kính nhất định đối với Trời, nhưng chúng cũng phản ánh sự bất mãn của ông.

Sự uất ức dồn nén và trầm cảm lâu dài thực sự có thể dẫn đến đau tim. Ngoài ra, ngày 28/8 năm nay, cựu Bí thư Tỉnh ủy Quý Châu Tôn Chí Cương đã bị “ngã ngựa” sau hơn hai năm sau khi rời nhiệm sở, ngoại giới cho rằng ông Lý Khắc Cường là một trong những người ủng hộ ông Tôn Chí Cương. Liệu đấu đá nội bộ liên tục và chiến dịch “chống tham nhũng” của ĐCSTQ có gây áp lực tâm lý lớn hơn cho ông Lý Khắc Cường?

Vì vậy, không thể loại trừ khả năng đúng là ông Lý Khắc Cường đã chết vì một cơn đau tim đột ngột.

Giả thuyết thứ hai, đó là cái chết của ông Lý Khắc Cường liên quan đến dịch bệnh. Hiện nay, “nhiễm Mycoplasma pneumoniae” (tên mới do ĐCSTQ đặt cho Covid-19) một lần nữa gây ra làn sóng dịch bệnh, “phổi trắng lớn”, “nhồi máu cơ tim” và “đột tử do viêm cơ tim” do dịch bệnh đều đã được báo cáo. Bởi vậy, không thể loại trừ khả năng ông đã bị nhiễm virus Covid-19 trong thời gian ở Thượng Hải, gây ra bệnh “nhồi máu cơ tim” hay trực tiếp “đột tử do viêm cơ tim”; và Bắc Kinh có lẽ đã nói dối với thế giới rằng ông Lý Khắc Cường mắc bệnh tim để che giấu sự thật.

Giả thuyết thứ ba, vốn được những ai hâm mộ thuyết âm mưu rất lấy làm tán thưởng, đó là ông Lý Khắc Cường bị mưu hại? Nhưng nếu vậy, phe nhóm nào có khả năng là người hạ sát ông cựu Thủ tướng họ Lý?

Nghi vấn đầu tiên tập trung vào phe nhóm của Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng: Theo các thông báo, ông Lý Khắc Cường đột ngột qua đời ở Thượng Hải, Thượng Hải là căn cứ của phe Giang. Điều này là có thể và khả thi về mặt kỹ thuật để hạ độc gây ra nhồi máu cơ tim hoặc bệnh tim đột ngột. Chúng ta cũng biết là để đề phòng bị phe Giang đầu độc, ông Tập luôn mang theo cơm và tách trà khi ra ngoài, vì ông biết rằng có đối thủ chính trị được mệnh danh là “nhà âm mưu” rất giỏi ám sát.

Điều nghịch lý là ở chỗ cuối tháng 10, thời tiết mát mẻ hơn, tại sao ông Lý Khắc Cường không đến những vùng ấm áp như Hải Nam, Quảng Châu, Thâm Quyến,… mà chọn đi Thượng Hải, căn cứ của phe Giang để nghỉ dưỡng, điều này cũng đáng được quan tâm.

Nghi vấn thứ hai: Ông Lý Khắc Cường bị phe nhóm ông Tập Cận Bình sát hại. Đây là một giả thuyết được bàn luận nhiều trên mạng internet, với một lý do được đưa ra một cách phổ thông là do ông Tập và ông Lý mâu thuẫn sâu sắc.

Tuy nhiên, giới phân tích và các nhà quan sát tình hình Trung Quốc lại đưa ra luận điểm nghiêng về hướng bác giả thuyết này.

Theo nhà bình luận chính trị, học giả Viên Hồng Băng thì mâu thuẫn giữa Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường là có thật. Tập Cận Bình quả là tàn nhẫn và độc ác. Nhưng người mà ông Tập muốn thanh trừng phải là những ai gây ra mối đe dọa mạnh mẽ cho ông ta. Theo học giả Viên Hồng Băng, ông Lý Khắc Cường vốn là người cam chịu và nhu nhược như một hoạn quan, và ông Tập sẽ không thanh trừng một hoạn quan đã rời bỏ quyền lực và vô hại với ông ta như Lý Khắc Cường. Bởi vậy, theo ông Viên, giả thuyết ông Tập sát hại ông Lý chỉ là tin đồn nhảm.

Ông Viên Hồng Băng còn nói thêm rằng, nếu bây giờ Tập Cận Bình muốn sát hại những quan chức đã nghỉ hưu, thì người ông ta muốn loại bỏ nhất là Tăng Khánh Hồng – một tay chân còn sót lại của Giang Trạch Dân và vẫn còn nắm khá nhiều quyền lực ngầm. Tuy nhiên, với ông Tập Cận Bình, thì mối đe dọa lớn nhất bây giờ không phải là băng đảng Giang Trạch Dân, băng đảng Thượng Hải, nhóm Cựu binh bô lão… mà chính là nhóm quân đội Tập gia do chính ông ta gây dựng lên như Tần Cương, Lý Thượng Phúc và đội ngũ Hỏa tiễn quân vv… Vì vậy, ông Tập sẽ không mất thì giờ mà ngầm ám hại ông Lý Khắc Cường.

Và hơn nữa, còn một nguyên nhân quan trọng, ông Tập không muốn ông Lý Khắc Cường ra đi trong lúc này, nhất là lại trong hoàn cảnh đột ngột như vậy, vì điều đó có thể dẫn đến một hậu quả nghiêm trọng cho chính ông. Đó chính là điều mà chúng ta nói ở đầu chương trình; khi nhắc về bức ảnh hai vận động viên điền kinh gây sóng gió.

Hai con số và kịch bản sau cái chết của Lý Khắc Cường

Giờ đến lúc chúng ta quay lại nhìn kỹ hơn vào bức ảnh. Hai vận động viên đã vô tình tạo ra con số nhạy cảm “4 và 6”, gợi nhớ đến vụ Thảm sát Thiên An Môn diễn ra ngày 4/6/1989 mà ĐCSTQ gây ra. Hơn 30 năm qua, chính quyền Trung Quốc luôn muốn che giấu sự kiện ra tay thảm sát đẫm máu sinh viên năm đó. Dù vậy, một phần lịch sử của sự kiện này đã được thế giới biết đến.

Đó là sự kiện bắt đầu từ ngày 15/4/1989, khi ông Hồ Diệu Bang đột ngột qua đời vì đau tim. Ông Hồ Diệu Bang là một người theo tư tưởng cải cách trong ĐCSTQ, được giới trí thức và sinh viên quý trọng nhưng ông đã bị các đồng chí của mình ép buộc phải từ chức Tổng bí thư vào ngày 16 tháng 1 năm 1987. 

Trong bối cảnh cực kỳ bức bối của xã hội Trung Quốc khi đó, cái chết của ông Hồ Diệu Bang gây lên cảm xúc thương tiếc và bất bình trong giới tri thức. Họ cho rằng sự ra đi của ông Hồ Diệu Bang có nhiều điểm mờ ám đứng sau. Từ ngày 17/4/1989, khoảng 4.000 sinh viên Đại học Bắc Kinh và Đại học Thanh Hoa đã diễu hành từ trường đến Quảng trường Thiên An Môn để tưởng niệm ông Hồ Diệu Bang. Đến ngày 22/4, ĐCSTQ tổ chức một lễ tang cấp nhà nước cho ông Hồ. Đám tang được tổ chức khá vội vã, chỉ kéo dài 40 phút. Khi đó, cảm xúc dâng trào trên Quảng trường Thiên An Môn, nhiều sinh viên đã bật khóc. Từ đó cho đến những ngày đầu tháng 6, số người kéo đến quảng trường Thiên An Môn tưởng niệm ông Hồ Diệu Bang, đề nghị Trung Quốc cải cách tăng vùn vụt, lên đến hàng trăm nghìn người.

Cuộc biểu tình Thiên An Môn năm 1989 (ảnh tư liệu).
Cuộc biểu tình Thiên An Môn năm 1989 (ảnh tư liệu).

Đứng trước cuộc biểu tình khổng lồ của giới trí thức, các lãnh đạo ĐCS Trung Quốc chọn phương án bàn tay máu. Họ đã ra lệnh cho quân đội, xe bọc thép, xe tăng tiến vào Thiên An Môn, nghiền nát cuộc biểu tình vào sáng ngày 4/6/1989, gây ra sự kiện lục – tứ chấn động thế giới. Các cuộc điều tra độc lập ghi nhận hàng nghìn người bị giết. Một bức điện tín bí mật của các nhà ngoại giao Anh cho biết có ít nhất 10.000 người đã bị giết trong cuộc Thảm sát Thiên An Môn.

Trở lại với hiện tại, mức độ bất mãn của dân chúng đối với ĐCSTQ ngày nay không kém những năm 1980, có thể nói là còn gay gắt hơn. Những thảm họa thứ cấp do 3 năm “phong tỏa” quá mức và kéo theo là suy thoái kinh tế đã dẫn đến tình trạng thất nghiệp tràn lan, dịch bệnh đe dọa, người dân đau khổ, sự phẫn uất của dân chúng đối với chính quyền tiếp tục tăng vọt. Thêm vào đó, các cuộc trấn áp thanh trừng liên miên trong nội bộ đảng do ông Tập dẫn đầu khiến người dân chán ngán. 

Vì vậy, hẳn là ông Tập Cận Bình hiểu rằng, việc cái chết đột ngột của ông Lý Khắc Cường không mang lại nhiều lợi ích cho ông, mà ngược lại còn đẩy ông vào vòng xoáy của dư luận. Dù sao thì trong cuộc đấu Tập – Lý trước đây, ông Lý Khắc Cường được cho là thuộc phe có khuynh hướng cải cách trong ĐCSTQ. Vì vậy, tin đồn ông Tập giết ông Lý Khắc Cường vào lúc này, rất có thể sẽ khiến một lượng lớn người dân bày tỏ sự tức giận đối với chính quyền bằng cách “để tang Lý Khắc Cường”, việc này chẳng khác nào một đòn giáng nặng nề vào ông Tập.

Vậy thì có lẽ nào, cái chết và câu chuyện sau tang lễ của ông Lý Khắc Cường có thể dẫn đến một sự kiện tương tự như năm 1989, khi người dân để tang ông Hồ Diệu Bang và phát triển thành biểu tình Thiên An Môn. Ít nhất nó đã không xảy ra trong đám tang của ông Lý. Nhưng liệu chúng có thể bùng nổ ở đâu đó, trong những ngày tiếp theo. Khá khó nói. Bởi lẽ, nếu xét về uy tín và phẩm cách, ông Lý Khắc Cường không thể so sánh được với ông Hồ Diệu Bang. Những người đã từng quen biết và học chung với ông Lý Khắc Cường như học giả Viên Hồng Băng còn nói thẳng rằng, ông Lý Khắc Cường có phong thái như một thái giám nhát gan, một người tiến thân bằng con đường công tác đoàn đã từng làm cái việc theo dõi và tố cáo bạn học.

Tuy nhiên, điều khó nói trong xã hội Trung Quốc bây giờ là khi sự bất mãn trong dân chúng đã lên cao, tâm lý ‘so bó đũa, chọn cột cờ’ được coi trọng. Người ta có thể chấp nhận thực tế ông Lý Khắc Cường không quá tốt đẹp và trác việt, nhưng họ cho rằng ông khá hơn rất nhiều những kẻ tầm thường, tàn bạo và vô liêm sỉ khác vốn ngập tràn trong chính quyền Bắc Kinh. Vì vậy, trong chừng mực nào đó, vẫn sẽ có nhiều sự tiếc thương dành cho ông Lý Khắc Cường. Thực tế những ngày qua, hàng dài người đến đặt hoa ở ngôi nhà cũ của ông ở An Huy là một minh chứng. 

Song, người dân cũng hiểu rằng, chuyên chế ĐCSTQ đã xây dựng nên một nhà nước giám sát, trong đó người dân sống dưới sự giám sát liên tục của hàng triệu camera quan sát được trang bị công nghệ nhận dạng khuôn mặt theo thời gian thực. Vì vậy, việc tổ chức một cuộc tụ tập quy mô lớn như năm 1989 để tưởng nhớ ông Lý sau đám táng là điều gần như không thể có cơ hội xảy ra.

Tuy nhiên, điều chắc chắn là, theo ông Hồ Bình (Hu Ping), tổng biên tập của tạp chí Mùa Xuân Bắc Kinh (Beijing Spring), chừng nào nguyên nhân dẫn đến cơn đau tim của ông Lý vẫn còn là một bí mật, điều đó rất có thể sẽ khơi dậy sự nghi ngờ của nhiều người. Ông nói thêm rằng, trong bối cảnh sự ngờ vực ngày càng tích tụ, rất có thể “các sự kiện lớn” vào một lúc nào đó trong tương lai sẽ bùng lên ở Trung Quốc.