Nhà dịch tễ học hàng đầu Mỹ cảnh báo mức độ tàn phá do Covid-19 biến thể Anh đối với nước Mỹ; Mỹ-Nga căng thẳng vì vụ biểu tình ủng hộ nhà đối lập Navalny; Nhật Bản dự kiến sẽ gia hạn tình trạng khẩn cấp do Covid-19 lây lan…

Dưới đây là các tin thế giới nổi bật ngày 2/2/2021 của MUCNews:

Cảnh báo virus corona biến thể Anh sẽ tàn phá nước Mỹ

Theo NBCNews ngày 31/1, ông Michael Osterholm là một nhà dịch tễ học hàng đầu Hoa Kỳ, là giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Chính sách về Bệnh Truyền nhiễm tại Đại học Minnesota, người đã tư vấn cho nhóm chuyển tiếp của Tổng thống Joe Biden về đại dịch coronavirus. Trong cuộc phỏng vấn với “Meet the Press”, ông nói Mỹ sẽ chứng kiến ​​một đợt gia tăng các ca nhiễm trùng mới “trong 6 đến 14 tuần tới” do sự lây lan của các biến thể mới như biến thể được phát hiện ở Vương quốc Anh.

Nhìn vào sự gia tăng số ca nhập viện ở Vương quốc Anh trong thời gian lan truyền của biến thể mới này, ông dự đoán một sự gia tăng khác ở Hoa Kỳ sẽ mở ra “điều gì đó giống như chúng ta chưa thấy ở đất nước này”.

“Cơn bão đang đến”, ông Osterholm nói và kêu gọi chính phủ TT Biden đẩy nhanh kế hoạch tiêm ngừa COVID-19 cho càng nhiều người càng tốt, dù chỉ là liều đầu tiên, đặc biệt những người trên 65 tuổi.

Quân đội lật đổ chính quyền ở Myanmar

Theo Reuters, quân đội Myanmar đã lật đổ chính quyền, chiếm toà thị chính và quyền lực cao nhất đã được giao cho tổng tư lệnh quân đội, ông Min Aung Hlaing. Quân đội Myanmar đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong cả nước kéo dài 1 năm. Trước đó đã bắt giữ các lãnh đạo chủ chốt của chính quyền dân sự trong sáng 1/2, trong đó có cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi.

Quân đội Myanmar thông báo họ tiến hành vụ bắt giữ này do việc cầm quyền hiện nay đến từ những gian lận trong cuộc tổng tuyển cử năm ngoái ở Myanmar.

Quân đội Myanmar cho biết việc này là cần thiết để bảo vệ “sự ổn định” của Myanmar. Quân đội cũng buộc tội Ủy ban bầu cử quốc gia đã không giải quyết “những sai phạm lớn” trong cuộc tổng tuyển cử tháng 11/2020.

Quân đội Myanmar chiếm chính quyền
Quân đội Myanmar đã chiếm toà thị chính và trao quyền điều hành đất nước cho tổng tư lệnh quân đội (ảnh chụp màn hình Youtube).

Triều Tiên sẽ không từ bỏ vũ khí hạt nhân?

Theo CNN ngày 31/1, Cựu Đại sứ Triều Tiên tại Kuwait, ông Ryu Hyun-woo nói trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng CNN. rằng Triều Tiên sẽ không từ bỏ vũ khí hạt nhân vì vũ khí hạt nhân là chìa khóa cho sự tồn tại chế độ của nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Ông nói: “Sức mạnh hạt nhân của Triều Tiên có liên quan trực tiếp đến sự ổn định của chế độ – và ông Kim Jong-un có khả năng tin rằng vũ khí hạt nhân là chìa khóa cho sự sống còn của mình”.

Ông Ryu đã trốn sang Hàn Quốc vào tháng 9/2019. Việc trốn thoát này của ông chỉ mới được báo chí công khai hồi tuần trước.

Ông nhấn mạnh rằng Triều Tiên có thể sẵn sàng đàm phán về việc cắt giảm vũ khí hạt nhân nhưng sẽ không bao giờ từ bỏ chúng hoàn toàn.

Mỹ-Nga căng thẳng vì vụ biểu tình ủng hộ nhà đối lập Navalny

Theo RFI, quan hệ giữa Nga và Hoa Kỳ lại có đứng trước nguy cơ căng thẳng gia tăng. Vào ngày 31/01/2021, chính quyền Hoa Kỳ lên án mạnh mẽ việc Nga dùng ‘chiến thuật thô bạo’ trấn áp người biểu tình ủng hộ nhà đối lập Alexei Navalny. Hoa Kỳ yêu cầu Nga trả tự do ngay lập tức cho nhà hoạt động đối lập. Đáp trả, điện Kremlin phản công, tố cáo Washington can thiệp vào công việc nội bộ của Nga.

Nhà hoạt động đối lập với TT Putin của Nga là Alexei Navalny, bị bắt giữ từ ngay khi đặt chân về Nga hôm 17/01. Phong trào ủng hộ Navalny đã bùng lên khắp cả nước. Các cuộc biểu tình liên tiếp nổ ra trong những ngày qua, bất chấp lệnh cấm và biện pháp đàn áp của chính quyền. Tuần trước, hơn 4.000 người biểu tình bị bắt giữ và chính quyền đã khởi tố hình sự hơn hai chục vụ liên quan đến các cuộc biểu tình này.

Nhật Bản dự kiến sẽ gia hạn tình trạng khẩn cấp do Covid-19 lây lan

Theo Bloomberg, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga có vẻ sẽ mở rộng tình trạng khẩn cấp đối với các khu vực đô thị lớn. Điều này sẽ gây thêm đau đớn cho nền kinh tế, khi ông cố gắng ngăn chặn làn sóng mới nhất của các trường hợp Covid-19 và đảo ngược sự suy giảm tỷ lệ ủng hộ của công chúng với ông.

Tháng trước, Nhật Bản thông báo tình trạng khẩn cấp kéo dài một tháng, dự kiến ​​kết thúc vào 7/2/2021, áp dụng đối với 11 khu vực, bao gồm Tokyo và các tỉnh lân cận, như một phần của các biện pháp kiềm chế đại dịch.

Nhật có thể kéo dài giãn cách xã hội
Đường phố của quận Shibuya tại Tokyo vắng bóng người vì giãn cách xã hội (ảnh chụp màn hình: Bloomberg).

Việc kéo dài tình trạng khẩn cấp sẽ khiến doanh nghiệp gặp khó khăn thêm. Tuy nhiên dường như ông Suga dường như không có lựa chọn nào khác. Ông đang muốn kiểm soát virus, củng cố khả năng lãnh đạo của bản thân và mong muốn Nhật sẽ tổ chức Thế vận hội Olympic vào mùa hè năm nay.