Bộ Giao thông Vận tải cho biết, đang khẩn trương hoàn tất các thủ tục để thi công đồng loạt Cao tốc Cần Thơ – Cà Mau trước ngày 31/3/2023.

Đây là câu trả lời khi cử tri thành phố Cần Thơ có kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) sớm thực hiện chủ trương và tập trung các nguồn lực để đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Cần Thơ – Cà Mau và tuyến đường sắt cao tốc TP HCM, theo Báo Xây dựng.

Điều này nhằm tạo điều kiện sớm giải quyết ùn tắc giao thông, góp phần tạo thêm nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội vùng ĐBSCL.

Trước đó, dự án đường bộ cao tốc đoạn Cần Thơ – Cà Mau thuộc dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 đã được Bộ GTVT phê duyệt dự án đầu tư các dự án thành phần đoạn Cần Thơ – Hậu Giang và đoạn Hậu Giang – Cà Mau.

Dự án được chia thành hai dự án thành phần, gồm đoạn Cần Thơ – Hậu Giang có chiều dài hơn 37 km và đoạn Hậu Giang – Cà Mau dài hơn 73km (ảnh chụp màn hình báo PLO).

Cao tốc Cần Thơ – Cà Mau có tổng mức đầu tư hơn 27.500 tỷ đồng với tổng chiều dài hơn 110km, quy mô giai đoạn 1 gồm bốn làn xe, do Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận làm chủ đầu tư. Dự kiến sẽ cơ bản hoàn thành vào năm 2025 và đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2026.

Báo PLO đưa tin, liên quan đến dự án cao tốc này, UBND tỉnh Hậu Giang vừa có văn bản đề nghị Bộ GTVT phân bổ hơn 2.100 tỷ để xây dựng 4 khu tái định cư (TĐC) và chi trả bồi thường cho các hộ dân bị ảnh hưởng.

Trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, cao tốc đi qua hơn 63km, chiếm gần 60% toàn tuyến với bốn nút giao. Tỉnh đã thống kê có 1.877 hộ dân sẽ bị ảnh hưởng bởi dự án, hiện đang lập thủ tục để thông báo thu hồi đất để giải phóng mặt bằng. Dự kiến đến giữa tháng 9/2022 sẽ tiến hành áp giá, lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đợt 1 với diện tích khoảng 350ha.

Đối với tuyến đường sắt Thành phố Hồ Chí Minh – Cần Thơ, Bộ GTVT cho biết, tuyến có chiều dài khoảng 174km. Dự kiến nghiên cứu đầu tư trong giai đoạn đến năm 2030.

Bộ đã giao Ban Quản lý dự án đường sắt nghiên cứu chuẩn bị đầu tư dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Tuy nhiên, do dự án có quy mô lớn, tính chất kỹ thuật phức tạp, thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia nên việc nghiên cứu chuẩn bị đầu tư cần được xem xét một cách kỹ lưỡng nhằm bảo đảm hiệu quả, tính khả thi và đáp ứng các yêu cầu về kinh tế – kỹ thuật.