“Không có người mẹ nào lại muốn vứt bỏ con mình. Có lẽ mẹ tôi đã gặp phải điều gì đó kinh khủng lắm mới bỏ tôi mà đi…”, chàng trai người Pháp gốc Việt chia sẻ.

Trên mạng xã hội Facebook hàng trăm người đã chia sẻ thông báo của một tài khoản Sống Tích Cực, giúp tìm mẹ ruột cho anh Anh Loic Langeard (tên tiếng Việt là Nguyễn Văn Tân) – chàng trai Pháp gốc Việt đã rời khỏi vòng tay mẹ từ lúc mới lọt lòng. 

Chàng trai người Pháp gốc Việt Nguyễn Văn Tân lúc mới chào đời.
Chàng trai người Pháp gốc Việt Nguyễn Văn Tân lúc mới chào đời (ảnh chụp màn hìn báo Thanh Niên).

Nguyễn Văn Tân (27 tuổi, sống tại Pháp) rời xa vòng tay mẹ khi vừa sinh với lý do “không có chồng”, khi đó anh được đưa đến nhà nuôi trẻ mồ côi Gò Vấp “Mầm non 4” để nuôi dưỡng.

12 ngày tuổi anh được một cặp vợ chồng người Pháp nhận nuôi và có một cuộc sống hạnh phúc tại đất nước này. Tuy nhiên, Tân chưa bao giờ thôi trăn trở về người mẹ ruột của mình.

gia đình chàng trai người Pháp gốc Việt tại Pháp.
Ảnh chụp màn hình báo Thanh Niên.

Khát khao tìm về nguồn cội

“Tôi không muốn đến khi chết đi vẫn không biết được nguồn cội của mình, không biết được người sinh ra mình là ai”, chàng trai chia sẻ với phóng viên Thanh Niên.

Lớn lên tại Athis-Mons yên bình trong vùng đô thị Paris, Tân nhận được tình yêu thương từ bố mẹ nuôi. “Thực lòng, tôi biết ơn họ vì đã cho tôi có được một cuộc sống tốt nhất”, anh tâm sự.

Tuổi thơ của Tân là những ngày anh không ngừng thắc mắc về ngoại hình khác biệt của mình. Anh vẫn thường hỏi bố mẹ tại sao mình không có làn da trắng, tóc vàng hay đôi mắt xanh như các bạn. “Lúc nào cũng vậy, bố mẹ luôn nhắc nhở tôi phải tự hào về vẻ ngoài và kể cho tôi nghe về đất nước nơi tôi sinh ra. Nhờ có bố mẹ, tôi biết đến Việt Nam nhiều hơn và bắt đầu tìm hiểu, khám phá về nó”, Tân kể.

Từng đến Việt Nam hơn 5 lần, Tân xem đó là hành trình “trở về nhà” của mình. Anh hiểu thêm về vẻ đẹp con người, văn hóa Việt và rồi khát khao tìm mẹ ùa về. “Đến một lúc nào đó, ai rồi cũng sẽ mong muốn tìm về với nguồn gốc của chính mình. Mẹ tôi trông ra sao? Tại sao bà ấy lại bỏ tôi lại? Bà ấy vẫn còn sống khỏe mạnh chứ? Bà ấy còn nhớ tới tôi không?”, những thắc mắc đó thôi thúc Tân tìm lại mẹ.

Tân chưa bao giờ có suy nghĩ oán trách bố mẹ ruột. Anh tin rằng: “Không có người mẹ nào lại muốn vứt bỏ con mình. Có lẽ mẹ tôi đã gặp phải điều gì đó kinh khủng lắm mới bỏ tôi mà đi. Và có lẽ, bà đã dằn vặt vì điều đó suốt phần đời còn lại của mình. Thực tâm, tôi biết ơn bà đã sinh ra tôi, và nhờ bà ấy mà tôi có được cuộc sống tuyệt vời ở hiện tại. Cảm ơn mẹ vì tất cả”.

Anh Tân hiện tại đã lấy vợ và chung sống cùng bố mẹ nuôi bên Pháp.
Anh Tân hiện tại đã lấy vợ và chung sống cùng bố mẹ nuôi bên Pháp (ảnh chụp mà hình fb Sống Tích Cực).

Bà Nelly Laneard (61 tuổi, mẹ nuôi Tân) xúc động cho biết: “Loic là một người hiền lành và tử tế, lại rất chăm chỉ”. “Từ ngày nhận nuôi cháu, tôi sinh thêm một đứa con trai. Vì vậy, chúng tôi xem cháu là phước lành mà Chúa ban tặng cho gia đình. Tôi mong cháu tìm được mẹ, để không phải băn khoăn về gốc gác của mình”, bà Nelly Laneard nói.

Năm 2018, Tân trở về Việt Nam tìm lại mẹ mình. Trước khi đi, bố mẹ nuôi đã đưa cho anh những thông tin mà họ có. Họ vẫn giữ gìn cẩn thận nó suốt gần 30 năm nay, chỉ chờ đến ngày anh cần.

Do khác biệt về ngôn ngữ và văn hóa cũng như không có người quen tại Việt Nam nên hành trình tìm mẹ của anh không có nhiều kết quả.

Anh đã đăng thông báo trên các diễn đàn người Pháp ở Việt Nam nhưng cũng không có phản hồi. “Ngày gặp được mẹ chắc chắn là ngày hạnh phúc nhất cuộc đời tôi. Nếu được gặp bà, câu đầu tiên tôi nói với bà ấy sẽ là “Con cảm ơn mẹ vì đã sinh ra con. Mong mẹ đừng cảm thấy tội lỗi, vì cuộc sống của con rất tốt”, Chàng trai trẻ nói.

Trên giấy chứng sinh, Nguyễn Văn Tân sinh ngày 12/10/1993 tại BV Hùng Vương (Quận 5 TP. HCM), nặng 2,3 kg. Mẹ của anh tên Nguyễn Thị Mai, khi đó 18 tuổi và thường trú tại địa chỉ 341/C Đầm Sen, P.5, Q.11, TP. HCM.

Phóng viên báo Thanh Niên theo địa chỉ trên đã tìm đến nhưng người dân ở đây cho biết địa chỉ này khá mơ hồ do không có tên đường, số nhà cụ thể. Bà Ngọc Hoa (50 tuổi) đã sống tại đây hơn 25 năm, cho biết: “Hầu hết những người ở đây đều mới chuyển đến chục năm nay. Không loại trừ trường hợp người mẹ khai thông tin không chính xác để bỏ lại con”.

Từ Khóa: