Tờ The Epoch Times dẫn lời các chuyên gia cảnh báo, Hoa Kỳ rất dễ bị tấn công bằng xung điện từ (EMP). Một cuộc tấn công EMP thẳng vào New York có thể bao trùm vùng Đông Bắc Hoa Kỳ, làm tê liệt toàn bộ mạng lưới điện và gây ra hỗn loạn hàng loạt. 

Vũ khí EMP dùng xung điện từ cực lớn làm gián đoạn liên lạc và phá hủy các thiết bị điện tử. EMP có thể được tạo ra từ tên lửa hạt nhân, vũ khí tần số vô tuyến và các hiện tượng tự nhiên như bão địa từ. Nó có thể tàn phá lưới điện quốc gia và quét sạch những vùng dân cư rộng lớn.

Nguy cơ cao tấn công EMP nhắm vào Mỹ

Ông Sam Kessler – Cố vấn địa chính trị tại North Star Support Group cho biết, nguy cơ xảy ra một cuộc tấn công EMP vào cơ sở hạ tầng của Mỹ là rất cao. Cảnh báo này được đưa ra trong bối cảnh lo ngại gia tăng về việc chính quyền Trung Quốc mở rộng khả năng quân sự và phát triển năng lực hạt nhân.

Ông Peter Vincent Pry, Giám đốc điều hành của Lực lượng Đặc nhiệm về An ninh Quốc gia và Nội địa Mỹ đã lưu ý Quốc hội rằng: Một cuộc tấn công như vậy, nếu tập trung vào New York thì sẽ bao trùm toàn bộ vùng đông bắc Hoa Kỳ.

Trong một báo cáo năm 2018, ông Pry chỉ ra rằng một vụ nổ EMP có thể phá hủy 74,4% công suất phát điện của Mỹ. Nó có thể gây tổn thất điện năng kéo dài hàng tháng và tạo ra các tác động xếp tầng đối với thực phẩm, nước và nguồn cung nhiệt. Cuối cùng điều này sẽ dẫn đến việc cướp đi hàng loạt sinh mạng.

“Vũ khí EMP đã mang đến cho Nga, Trung Quốc và các quốc gia thù địch sở hữu tên lửa lục địa (ICBM) một phương tiện nhanh, rẻ và hiệu quả có thể khiến hầu hết người Mỹ cảm nhận lập tức sự khủng khiếp của chiến tranh; hấp dẫn những kẻ thù đang tìm cách gây áp lực buộc giới lãnh đạo Mỹ phải đầu hàng hoặc thương lượng”, thành viên cấp cao tại Trung tâm Chiến lược và Đánh giá Quốc tế Rick Fisher cho biết.

Liệu Mỹ có chủ quan trước EMP của Trung Quốc?

Đầu năm nay, Tướng Charles Brown, Tham mưu trưởng Lực lượng Không quân, cho biết quân đội Mỹ đã không còn chú ý đến chiến tranh điện từ kể từ cuộc chiến tranh Vùng vịnh những năm 1990.

Ủy ban EMP phát hành báo cáo đầu tiên vào năm 2004 cho biết: “Trung Quốc và Nga đã cân nhắc các phương án tấn công hạt nhân, nó không giống như các các kế hoạch Chiến tranh Lạnh, mà sử dụng EMP làm phương tiện tấn công chính hoặc duy nhất”.

Tuy nhiên, tại phiên điều trần năm 2015 trước Ủy ban Giám sát Hạ viện và Cải cách Chính phủ, George Baker, giáo sư danh dự về khoa học ứng dụng tại Đại học James Madison, cho biết không có ai ở cả Ủy ban Điều tiết Năng lượng Liên bang (FERC) và Tổng công ty Độ tin cậy Điện Bắc Mỹ (NERC) phụ trách vấn đề về EMP.

Ông Pry đã gọi FERC và NERC là “cực kỳ rối loạn chức năng”, đồng thời đặt câu hỏi về khả năng của hai tổ chức này trong việc bảo vệ công dân Hoa Kỳ.

Trung Quốc có vũ khí siêu EMP lợi hại

Trong một báo cáo do ông Pry biên soạn vào tháng 6/2020 cho thấy, Trung Quốc chắc chắn đã sở hữu vũ khí siêu EMP và vũ khí siêu thanh.

Báo cáo viết: “Tình báo quân sự Đài Loan cho rằng Trung Quốc có vũ khí hạt nhân siêu EMP – dựa trên dữ liệu thiết kế bị đánh cắp từ các phòng thí nghiệm vũ khí hạt nhân của Hoa Kỳ. Trung Quốc đang trên đà triển khai hoặc đã triển khai vũ khí siêu thanh có khả năng được trang bị đầu đạn hạt nhân hoặc phi hạt nhân EMP. Nó gia tăng đáng kể nguy cơ các cuộc tấn công bất ngờ chống lại lực lượng Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương và chống lại Hoa Kỳ”.

Năm 2019, Hoa Kỳ phát hiện các cơ sở thử nghiệm EMP bí mật ở Trung Quốc qua hình ảnh vệ tinh.

Mối quan tâm chính hiện nay là khả năng tiềm tàng của các loại vũ khí siêu thanh mới được chính quyền Trung Quốc thử nghiệm vào tháng 7 có thể đóng vai trò như thế nào trong việc vận chuyển hoặc cất giấu vũ khí EMP.

Vũ khí siêu thanh do chính quyền Trung Quốc thử nghiệm cũng đã phóng tên lửa thứ hai khi đang bay siêu thanh. Ông Fisher cho rằng, một hệ thống như vậy có thể được sử dụng để che giấu một cuộc tấn công EMP bất ngờ. Vì về mặt lý thuyết nếu tên lửa thứ hai xuất phát từ phương tiện siêu thanh bay lên độ cao lớn hơn nó có thể ném bom EMP.

Chiến thuật “Blitzkrieg kiểu mới” của Bắc Kinh có thể gây sốc giới chính trị Mỹ

Cố vấn địa chính trị Kessler mô tả một viễn cảnh như vậy là “rất thực tế”. Ông cho biết thêm đã có báo cáo rằng một công nghệ như vậy đang được phát triển ở cả Trung Quốc và Mỹ.

Ngoài ra, vào năm 2015, ông Pry đã cảnh báo rằng EMP sẽ không được sử dụng một mình mà kết hợp với các sáng kiến phá hoại thông tin và chiến tranh mạng. Chúng được thiết kế để hoàn toàn áp đảo và làm choáng váng nỗ lực phòng thủ của Hoa Kỳ. Ông gọi chiến thuật này là “Blitzkrieg kiểu mới”(Chiến tranh chớp nhoáng).

Ông Pry cũng cảnh báo rằng, vì vụ nổ hạt nhân gây ra EMP được thực hiện ở độ cao lớn và không gây thương vong trực tiếp. Do đó, các đối thủ có thể không coi đây là một cuộc tấn công hạt nhân đầu tiên và họ sẽ không sợ bị trả đũa hạt nhân.

Cảnh báo đó phù hợp với báo cáo gần đây của Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Hoa Kỳ – Trung Quốc. Cơ quan này coi EMP là một phần trong khả năng phản công hạt nhân của Trung Quốc. Họ cho rằng Trung Quốc có thể sử dụng một cuộc trình diễn vũ khí hạt nhân tạo ra một EMP.

“Các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể sử dụng chiến lược này trong một cuộc khủng hoảng để gây sốc cho các nhà lãnh đạo chính trị Hoa Kỳ và thể hiện quyết tâm leo thang bạo lực hạt nhân lên cấp độ cao hơn nếu Hoa Kỳ không ‘lùi bước’ trước vấn đề này”, báo cáo viết.