Chủ tịch Duma Quốc gia Nga Vyacheslav Volodin cho biết, Tông thống Biden và Tổng thống Zelensky, cũng như các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ phải chịu trách nhiệm về những hậu quả bi thảm có thể xảy ra sau vụ pháo kích vào nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye của Lực lượng Ukraine.

Mỹ và Ukraine phải chịu trách nhiệm về thảm họa

Theo RT,  ông Vyacheslav Volodin nhấn mạnh rằng cuộc pháo kích của Lực lượng Ukraine vào nhà máy đã gây ra nguy cơ của một thảm họa hạt nhân. Ông nói:

“Zaporozhye NPP đang bị nã tên lửa và pháo hạng nặng, có thể dẫn đến hậu quả bi thảm cho người dân ở hầu hết các khu vực của Ukraine và một số quốc gia châu Âu. Trách nhiệm về việc này sẽ thuộc về ông Biden và Zelensky, cũng như những người đứng đầu các quốc gia châu Âu, với sự đồng ý ngầm về việc Ukraine đang thực hiện các cuộc pháo kích”.

Theo ý kiến ​​của ông, các nghị sĩ Mỹ và châu Âu nên “tạm dừng các kỳ nghỉ hè để xem xét một vấn đề nghiêm trọng, đe dọa cuộc sống của công dân châu Âu.”

Trước đó, đại diện của chính quyền quân sự-dân sự khu vực Zaporozhye , ông Vladimir Rogov tuyên bố: “Những người theo chủ nghĩa dân tộc Ukraine đã tấn công nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye bằng tên lửa dẫn đường do phương Tây sản xuất”.

Tên lửa do Mỹ và NATO cung cấp được cho là đã được lực lượng Ukraine sử dụng để tấn công nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye.

Nga kêu gọi LHQ và IAEA chú ý tới hậu quả thảm khốc

Trước đó, Đại diện thường trực của Nga tại LHQ, ông Vasily Nebenzya trong cuộc họp của Hội đồng Bảo an đã nhấn mạnh rằng, những nỗ lực của quân đội Nga từ trước đến nay đã giúp tránh được thảm họa hạt nhân Zaporozhye. 

Ông Nebenzya nói: “Các cuộc tấn công của Kyiv vào cơ sở hạ tầng hạt nhân đang đẩy thế giới đến bờ vực của một thảm họa hạt nhân có quy mô tương đương với Chernobyl. 

“Mỗi khi Lực lượng vũ trang Ukraine tấn công nhà máy, một thảm họa đã được tránh khỏi chỉ nhờ những hành động chung vị tha của các công nhân nhà máy và quân nhân Nga, những người đã cung cấp cho họ sự hỗ trợ khẩn cấp toàn diện”.

Có một thực tế là, nhà máy Zaporozhye hiện do Nga kiểm soát, nhưng các nhân viên Ukraine vẫn tiếp tục điều hành các hoạt động hạt nhân.

Ông Nebenzya cũng kêu gọi đại diện của các nước phương Tây tác động đến chính quyền Kyiv, được cho là đang gây ra “các cuộc tấn công liều lĩnh” vào nhà máy điện hạt nhân.

Đại diện Thường trực Liên bang Nga tại LHQ ông Vasily Nebenzya (Ảnh chụp màn hình)

Ông nói: “Chúng tôi kêu gọi lãnh đạo của LHQ và IAEA thể hiện vai trò lãnh đạo và trách nhiệm toàn cầu của họ, và chỉ ra rất rõ ràng, không theo công thức ngoại giao, nguồn gốc thực sự của mối đe dọa đối với an toàn hạt nhân của nhà máy Zaporozhye – được gây ra bởi các lực lượng Ukraine. Và họ cần tuyên bố với chính quyền Ukraine về việc không thể chấp nhận được các hành động như vậy. 

Đây là cách duy nhất để ngăn chặn một thảm họa phóng xạ lớn trên lục địa châu Âu, nguy cơ xảy ra hiện thực hơn bao giờ hết”. 

Trong khi đó, Tổng thư ký LHQ António Guterres kêu gọi “chấm dứt ngay lập tức mọi hành động thù địch ở khu vực lân cận nhà máy điện hạt nhân”. Theo ông, cần khẩn trương ký kết một thỏa thuận “về một phạm vi phi quân sự hóa an toàn” xung quanh nhà máy.

G7 kêu gọi Nga trao quyền kiểm soát nhà máy hạt nhân Zaporizhzhya cho Ukraine

Các ngoại trưởng của các nước G7 (Mỹ, Anh, Canada, Pháp, Đức, Ý và Nhật Bản), cũng như người đứng đầu Ủy ban Đối ngoại EU Josep Borrell, trong một tuyên bố chung đã kêu gọi Nga ngay lập tức chuyển giao nhà máy điện hạt nhân  Zaporozhye và các cơ sở hạt nhân khác ở Ukraine để Kyiv kiểm soát. 

Các Ngoại trưởng nhóm G7 và Đại diện cấp cao của EU nhấn mạnh rằng, nhà máy Zaporozhye nên duy trì dưới sự kiểm soát của Ukraine để đảm bảo các hoạt động an toàn và bảo mật của họ. 

Các ngoại trưởng nhóm G7 yêu cầu Nga giao quyền kiểm soát nhà máy hạt nhân cho Ukraine. (Ảnh chụp màn hình)

Tuyên bố nói  thêm rằng, các quan chức Ukraine tại Nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye phải có khả năng thực hiện công việc mà không bị “đe dọa và áp lực”.

Ngoài ra, G7 tuyên bố, các quan chức của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) phải có khả năng tiếp cận tất cả các cơ sở hạt nhân ở Ukraine một cách an toàn.

​​Trước đó, ngày 7/8, Tổng Giám đốc IAEA, ông Rafael Mariano Grossi nói rằng ông “vô cùng lo ngại” về vụ pháo kích, đồng thời lên án các hành động bạo lực tại hoặc gần nhà máy này. 

Ông Grossi kêu gọi tất cả các bên thực hiện kiềm chế trong cơ sở hạt nhân. Người đứng đầu IAEA cảnh báo rằng, vụ pháo kích vào nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu có nguy cơ xảy ra thảm họa hạt nhân, có thể đe dọa sức khỏe cộng đồng và môi trường ở Ukraine cũng như các khu vực khác trên thế giới. 

Ông Grossi nói thêm rằng, một nhóm chuyên gia về an toàn, an ninh và bảo vệ của IAEA, do ông dẫn đầu, phải được phép đến thăm nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhya. 

Nga từ chối “phi quân sự hóa” nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye

Nga không ủng hộ ý tưởng của nhóm G7, thành lập khu phi quân sự xung quanh nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye, hiện thuộc quyền kiểm soát của quân đội Nga.

Đại diện Thường trực Liên bang Nga tại LHQ, ông Vasily Nebenzya nêu quan ngại tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an LHQ rằng, việc phi quân sự hóa có thể tạo tiền đề cho sự nguy hiểm từ các cuộc khiêu khích của Ukraine.

“Việc phi quân sự hóa nhà máy sẽ khiến nó dễ bị tổn thương đối với bất kỳ ai muốn đến đó với mục tiêu không xác định. Chúng tôi không thể loại trừ các hành động khiêu khích và tấn công khủng bố vào nhà máy”. 

Ông Vasily Nebenzya lưu ý rằng cho đến nay thảm kịch đã được tránh nhờ những nỗ lực của quân đội Nga. 

Trước đó một ngày, theo yêu cầu của Nga, một cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an đã được triệu tập. Mỹ và NATO đã yêu cầu Nga từ bỏ việc kiểm soát nhà máy hạt nhân.

Xem thêm: Thảm họa Zaporizhzhia nguy hiểm hơn Chernobyl’: Ai đã tấn công nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu?