Giữa bối cảnh chính quyền Kyiv đang tái cơ cấu và Nga có nhiều lợi thế trên chiến trường, việc Ukraine được phương Tây cung cấp thêm nhiều vũ khí có thể giúp lật ngược tình thế để giành lại những phần lãnh thổ đã mất. Mà một trong số đó chính là Kherson.

Vì sao Kherson lại trở thành mục tiêu chiến lược của cả Ukraine, Mỹ, NATO và Nga?

Mỹ và EU khó khăn tứ bề

Ông Andrey Yermak, Chánh văn phòng của Tổng thống Zenlensky hôm 19/7 tuyên bố, quân đội Ukraine phải đánh bại Nga trước mùa đông. Và chìa khóa để Ukraine giành lại lãnh thổ, chính là sự hỗ trợ vũ khí hạng nặng của Mỹ và đồng minh.

Tuy nhiên mọi thứ đang phản ánh trên chiến trường cũng tương đồng với sự ngổn ngang trên trường chính trị. 

Có lẽ, chính quyền Tổng thống Joe Biden hiểu rằng liên minh phương Tây đang đối mặt với thời khắc khó khăn nhất. Các lệnh trừng phạt Nga, lại đang gây ra những hậu quả cực kỳ nghiêm trọng đối với các nền kinh tế châu Âu và Mỹ.

Giá năng lượng tăng cao đang thúc đẩy lạm phát ở tất cả các quốc gia EU. Hầu hết các quốc gia châu Âu sẽ phải đối mặt với sự sụt giảm nghiêm trọng GDP trong năm tới từ 2 đến 4%.  

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel (bên trái, hàng đầu), Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen (bên phải, hàng đầu) cùng lãnh đạo các nước thành viên G7 dự hội nghị thượng đỉnh ở Bavaria, Đức ngày 26/6 (ảnh chụp màn hình AP).

Chính quyền Joe Biden đang nhận thức rất rõ một thực tế: Đó là sự mệt mỏi của châu Âu trước một cuộc chiến đang làm hao tiền tốn của cho các thành viên trong liên minh khối này. 

Hệ quả là nền chính trị châu Âu đang chao đảo dữ dội, bởi những hậu quả kinh tế gây ra từ các lệnh trừng phạt chống Nga. 

Trong đó, các cuộc biểu tình của nông dân ở Hà Lan đã nhanh chóng lan rộng khắp châu Âu. 

Trước đó, Thủ tướng Bulgaria  Boyko Borissov, Thủ tướng Anh Boris Johnson, Thủ tướng Estonia Kaja Kallas và gần đây nhất là Thủ tướng Ý Mario Draghi đã tuyên bố từ chức. Đây cũng là những nguyên thủ có lập trường “chống Nga” mạnh mẽ nhất.

Tại Pháp, Tổng thống Macron cũng đã mất quyền kiểm soát Quốc hội. 

Tại Đức, mọi thứ dường như hỗn loạn bởi lạm phát, giá cả tăng cao, khủng hoảng an ninh năng lượng; các hoạt động sản xuất công nghiệp gần như ngừng trệ, dự báo thất nghiệp xảy ra với quy mô lớn… 

Tất cả những điều này đã làm trầm trọng thêm bất đồng giữa các đảng phái trong chính phủ liên minh do Thủ tướng Olaf Scholz đứng đầu, và ngày càng làm xói mòn sự ủng hộ của dân chúng Đức. 

Ông Biden đổ lỗi cho ông Putin về tình trạng lạm phát tại Mỹ
Ông Biden đổ lỗi cho ông Putin về tình trạng lạm phát tại Mỹ (ảnh chụp màn hình Yournews.com).

Tại Mỹ, tỷ lệ tín nhiệm của Tổng thống Joe Biden xuống thấp nhất chưa từng có, và tỷ lệ lạm phát đã lên tới 9,1%. Việc Mỹ ”điều chỉnh” các lệnh trừng phạt 3 lần trong vài tuần qua có lẽ đang muốn truyền đạt một điều gì đó. 

Đó có phải để nối lại các cuộc đàm phán hòa bình giữa Kiev và Moscow hay không? Tất nhiên là không. 

Viện trợ vũ khí để chiếm lại các vị trí chiến lược tại Biển Đen

Chính quyền Tổng thống Zelensky có khuynh hướng muốn dựa vào nguồn cung cấp vũ khí của Mỹ và phương Tây để giành lại phần lãnh thổ hơn là ngồi vào bàn đàm phán. Và đó cũng trùng với ý muốn của Mỹ. 

Trong khi đó, ở mặt trận ngoại giao và kinh tế, Mỹ đã thua đau trước Nga, đặc biệt trong việc đưa Ả rập Xê út trở lại “quỹ đạo” của Mỹ, và buộc quốc gia này tăng sản lượng dầu cũng như loại Nga ra khỏi OPEC+ đã thất bại hoàn toàn.

Cuối cùng, Mỹ chọn cách tăng cường trang bị vũ khí hạng nặng cho Ukraine. Mục đích không phải là để Kyiv giành thế chủ động để ngồi vào bàn đàm phán với Nga, mà chủ yếu là lấy lại các vị trí chiến lược quanh khu vực biển Đen như Đảo Rắn hay Kherson mà Ukraine  đã bị mất vào tay Nga. 

Quân đội Ukraine tiếp nhận lô tên lửa chống tăng FGM-148 Javelins do Mỹ cung cấp (ảnh chụp màn hình AFP).

Trong những ngày qua, lực lượng vũ trang Ukraine và Nga đụng độ leo thang quanh một số khu vực thuộc tỉnh Kherson, song chưa có thay đổi về khu vực các bên kiểm soát. Kherson hiện vẫn nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng Nga.

Vậy Kherson có vị trí chiến lược gì mà Mỹ và NATO mong muốn giành lấy?

Kherson: Vị trí địa chiến lược quan trọng 

Quay ngược trở lại thời gian trong những ngày đầu diễn ra chiến tranh, mọi sự chú ý đều đổ dồn về Kiev, khi lực lượng Nga kéo xe tăng tiến sát tới thủ đô của Ukraine. 

Thời điểm ấy, trong khi tình báo Mỹ và Anh chỉ tập trung đánh giá khâu tiếp viện hậu cần của Nga có “vấn đề”, thì trên thực tế Nga đã chiếm được Đảo Rắn và sau đó là Kherson vào ngày 2 tháng 3.

Cảng Kherson trên Biển Đen đã trở thành thành phố cảng lớn đầu tiên chịu sự kiểm soát hoàn toàn của lực lượng Nga. Đây là thành phố có vị trí cực kỳ chiến lược nằm ở phía nam Ukraine. 

Tầm quan trọng của Kherson được ví ngang với thành phố cảng Mariupol. Việc Nga chiếm thành phố cảng này ngay những ngày đầu tháng 3, thực tế đã đánh dấu chấm hết cho kế hoạch mở rộng sự hiện diện của NATO ở Biển Đen. 

Tầm quan trọng của Kherson được ví ngang với thành phố cảng Mariupol.

Kế hoạch này đã bị phá sản khi Nga nắm quyền kiểm soát toàn bộ Biển Azov. Hiện Nga đang kiểm soát quyền tiếp cận sông Dniepr, vốn bắt nguồn ở miền trung Nga, và chảy theo hướng nam đổ ra Biển Đen

Kherson nằm trên bờ sông Dniepr, cho phép tiếp cận các kênh quan trọng cung cấp nước cho Crimea. Việc Nga kiểm soát bờ biển không chỉ biến Ukraine trở thành quốc gia không giáp biển, mà còn tạo ra một kết nối trực tiếp giữa bán đảo Crimea do Nga sáp nhập và vùng Donbass nói tiếng Nga.

Sông Dnepr chính là biên giới tự nhiên giữa Belarus và Ukraina, và cũng là tuyến đường sông chính liên kết giao thông hàng hải của Ukraine với thế giới. 

Ngoài ra còn một vị trí quan trọng nữa mà người Mỹ đã để mất, và giờ đây chính quyền Joe Biden đang tái khởi động quyền ảnh hưởng của mình trong khu vực này.

Eo biển Kerch nối liền Biển Đen với biển Azov. Ngay phía đông của eo biển Kerch là khu vực Krasnodar của Nga, kéo dài về phía nam là đến cảng thương mại lớn nhất Novorossiysk của nước này trên Biển Đen.

Đây cũng là giao lộ của các đường ống dẫn dầu và khí đốt nằm giữa Biển Đen và Biển Caspi. 

Eo biển Kerch nối liền Biển Đen với biển Azov, hiện đang do lực lượng Nga kiểm soát

Tóm lại, việc kiểm soát eo biển Kerch mang lại cho Nga quyền tài phán đối với các tuyến hàng hải nối Tây và Đông Âu với lưu vực Biển Caspi, Kazakhstan và Trung Quốc.  

Cuộc “so găng” giữa Mỹ và Nga tại Biển Đen

Mỹ đã muộn màng nhận ra rằng, Nga đã qua mặt NATO và giành được ưu thế trong cuộc chơi lớn ở khu vực phía đông Biển Đen. Vì vậy, chiến lược của phương Tây đối với khu vực Kavkaz và Trung Á đang được tái khởi động. 

Theo NATO, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã có cuộc gặp tại Brussels hôm 19/7 với Ngoại trưởng Azerbaijan là ông Jeyhun Bayramov.

Quan trọng hơn, Ngoại trưởng Azerbaijan cũng đã tham dự cuộc họp của Hội đồng Hợp tác EU-Azerbaijan tại Brussels. 

Chủ tịch Ủy ban đối ngoại của EU ông Josep Borrell đã phát biểu tại cuộc họp báo chung rằng “Azerbaijan là một đối tác quan trọng của Liên minh châu Âu và sự hợp tác của chúng ta đang tăng cường”. 

Trong khi đó, hôm 18/7, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã đến thăm thủ đô Baku để ký biên bản ghi nhớ với Azerbaijan về hợp tác năng lượng.(foreignpolicy)

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev chốt thỏa thuận vào ngày 18/7. (Ảnh chụp màn hình President.az)

Điện Kremlin  đang theo dõi chặt chẽ các động thái của Mỹ-EU-NATO nhằm vào Azerbaijan, với mục tiêu làm suy yếu sự củng cố của Nga ở các khu vực Biển Đen và Biển Caspi. 

Đất nước Azerbaijan giàu dầu mỏ, không chỉ là một quốc gia ven biển Caspi mà còn là cửa ngõ vào cả Trung Á và khu vực Volga của Nga, đã đóng một vai trò quan trọng trong trận chiến ở giai đoạn sắp tới. 

Việc Mỹ và châu Âu tiếp tục bơm thêm vũ khí hạng nặng cho Ukraine, cũng không nằm ngoài ý định muốn giành lại quyền kiểm soát đối với các khu vực chiến lược trọng yếu, mà Đảo Rắn hay Kherson là một ví dụ.

Tuy nhiên, Ukraine đang trở thành một quân cờ di động trong ván cờ Đông Âu của Mỹ và NATO. Việc Ukraine khẩn cầu Mỹ và đồng minh viện trợ thêm nhiều vũ khí, cũng đồng nghĩa với việc nước này sẽ tiếp tục hứng chịu thêm nhiều vụ pháo kích của Nga. 

Và con đường dẫn tới đàm phán hòa bình ngày càng thu hẹp  hơn với Ukraine.

Xem thêm: Đảo Rắn: Cuộc chiến thu nhỏ giữa Nga – Ukraine, vì sao?

Có thể bạn quan tâm: