Ông Huỳnh Quang Hưng – Chủ tịch UBND TP Phú Quốc, người vừa bị TAND tỉnh Kiên Giang xử thua kiện trong vụ ‘cưỡng chế biệt thự’ còn bị người dân xã Dương Tơ tố cáo ông cấp sổ đỏ sai pháp luật, gây hậu quả nghiêm trọng.
Chủ tịch Phú Quốc làm trái quy định: Thiếu hiểu biết hay cố ý?
Vụ việc ông Vũ Đình Khánh và ông Lê Xuân Hồng – chủ hai căn biệt thự bị tháo dỡ kiện Chủ tịch TP Phú Quốc gây dư luận cả nước. Các nguyên đơn cho rằng, ông Hưng ban hành quyết định cưỡng chế không đúng quy định, gây thiệt hại tài sản.
Vụ kiện vừa được TAND tỉnh Kiên Giang xử sơ thẩm. Kết quả HĐXX chấp nhận yêu cầu của hai nguyên đơn, xác định hành vi cưỡng chế của chính quyền Phú Quốc là trái quy định.
Tại phiên tòa, HĐXX đã kết luận về những sai phạm của Chủ tịch Phú Quốc và chính quyền thành phố này, như:
Vị trí đất hai nguyên đơn (ông Khánh và ông Hồng) xây cất nằm ngoài phần đất tỉnh giao xã Dương Tơ quản lý. Do đó, TP Phú Quốc đã xác định sai chủ thể quản lý, dẫn đến quyết định xử phạt số 4324, 4325 chưa đúng quy định.
Việc Phú Quốc tiến hành cưỡng chế trong 10 ngày kể từ ngày chủ biệt thự nhận quyết định là không đúng, vì theo quy định tại khoản 3 Điều 5 Nghị định số 166/2013/NĐ-CP, thì thời hạn tối thiểu phải là 15 ngày.
Tài sản trên đất thuộc sở hữu hợp pháp của chủ biệt thự, họ được quyền tháo dỡ, di dời trước khi bị cưỡng chế. Tuy nhiên, chính quyền đã tiến hành cưỡng chế sớm hơn một ngày so với thời hạn trong quyết định, khiến nhiều tài sản đáng lý có thể di dời đã bị phá huỷ, gây thiệt hại đến tài sản hợp pháp của nguyên đơn.
Từ đó tòa tuyên: Hành vi cưỡng chế của ông Hưng và chính quyền Phú Quốc đối với hai nguyên đơn là trái quy định. Hành vi cưỡng chế của Chủ tịch UBND TP. Phú Quốc chưa tuân thủ đúng trình tự, thủ tục của pháp luật về cưỡng chế thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Dù ông Hưng không phục quyết định này, và đang kháng cáo lên TAND Cấp cao tại TP HCM. Nhưng với những bằng chứng thuyết phục mà các chủ biệt thự đưa ra, và phần tuyên án của HĐXX Tòa án ND tỉnh Kiên Giang, dư luận đang đặt ra những câu hỏi rằng: Các sai phạm của ông Hưng xuất phát do đâu? Liệu nó có bắt nguồn từ sự quan liêu ‘thiếu hiểu biết” của một cán bộ từng kinh qua nhiều chức vụ lãnh đạo ở huyện Phú Quốc (nay là thành phố)? Nếu quả là vậy, năng lực và mức độ trách nhiệm trong công tác của ông Hưng là điều ‘nên được cảm thông’ hay ‘rất đáng bàn’?
Nếu không phải ‘thiếu hiểu biết’, phải chăng đó là ‘biết nhưng vẫn cố ý làm sai’? Việc “cố ý” đó có mục đích gì? Nếu vậy, Chủ tịch UBND Phú Quốc và những người có thẩm quyền làm sai quy định sẽ phải chịu trách nhiệm thế nào với những thiệt hại gây ra cho người dân?
Những câu hỏi trên đang được người dân Phú Quốc gửi tới chính quyền tỉnh Kiên Giang và cần sớm có câu trả lời. Bởi những câu hỏi như thế, vốn không chỉ dấy động từ vụ kiện của hai ông chủ biệt thự; mà nó bùng lên qua những vụ kiện hay tố cáo trước đó của người dân Phú Quốc.
Đơn cử, những câu hỏi trên cũng xuất hiện trong vụ việc ông Nguyễn Tuấn Dũng (Tổ 1, Ấp Đường Bào, Xã Dương Tơ, TP Phú Quốc) tố cáo ông Huỳnh Quang Hưng (chủ tịch UBND TP Phú Quốc) đã cấp sổ đỏ sai quy định khiến ông Dũng bị ‘thiệt hại rất lớn’.
“Thiệt hại rất lớn” mà ông Dũng nói ở đây, về cả mặt tài sản và tinh thần. Về thiệt hại tài sản được ông dẫn chứng qua biên bản thẩm định phần đất tranh chấp hơn 4.000 m2 được tòa án nhân dân Phú Quốc kê năm 2018. Trong đó, định giá tổng giá thị trường (thời điểm năm 2018) với quyền sử dụng đất và cây trồng trên mảnh đất này là hơn 90 tỷ đồng (Chín mươi tỷ đồng).
Theo ông Dũng, kể từ năm 2013, khi ông Hưng khi đó là Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc, với hành vi cấp sai sổ đỏ cho bà Nguyễn Thị Chiều (người đã bán hơn 4.000 m2 đất này cho ông Dũng rồi lật lọng), đã ‘cướp’ đi của ông quyền sở hữu thửa đất trị giá hàng chục tỷ đồng này, rồi sau đó bất động sản này đã bị ‘tứ tán’ thành những lô đất nhỏ.
Về tinh thần, ông Dũng nói, bản thân trải qua những áp lực lớn vì bị cướp đất; bị người cướp đất đe dọa ngược; chứng kiến cảnh người khác ngang nhiên chặt phá cây, đào đất, xây tường rào trên tài sản của mình. Mệt mỏi hơn, hành trình thưa kiện kéo dài nhiều năm của ông vẫn chưa đến được hồi kết. Vụ án “Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất” mà ông Dũng là nguyên đơn bị trì hoãn xét xử nhiều năm.
Cực chẳng đã, với sự ủng hộ và động viên của những người dân ấp Đường Bào (xã Dương Tơ), trong đó có cả những nhân chứng việc ông Dũng bị cướp đất, ông đã làm đơn gửi Bí thư, Chủ tịch tỉnh Kiên Giang… tố cáo hành vi sai phạm của ông Hưng.
“Tôi đã nhiều lần gửi đơn đến chủ tịch tỉnh, tòa án tỉnh, viện kiểm sát tỉnh nhưng không nhận được sự trả lời. Việc im lặng này cho thấy các cơ quan bảo vệ pháp luật ở Kiên Giang bao che, dung túng cho hành vi sai trái của ông Hưng. Riêng tòa án TP Phú Quốc thì có trả lời nhưng vẫn chưa đưa vụ án ra xét xử mà tiếp tục trì hoãn”, ông Dũng viết trong lá đơn gần nhất gửi các lãnh đạo Kiên Giang.
Không biết rồi đây, đoạn trường tìm công lý của ông Dũng sẽ được kết thúc vào lúc nào?! Chỉ biết rằng, nếu càng để vụ việc như thế này dây dưa, thì câu chuyện về Phú Quốc e rằng sẽ trở nên ngày một bi hài: Ở một thành phố được kỳ vọng là “Thành phố đáng sống của công dân toàn cầu”, nhưng chính người dân địa phương lại ròng rã ngày qua ngày đưa đơn kiện, tố cáo người đứng đầu thành phố vì đã ký những quyết định đưa họ vào bước đường khốn khổ.
Một động thái mới liên quan đến vụ việc: Ngày 22/9/2023, Văn phòng UBND tỉnh Kiên Giang đã có văn bản gửi Thanh tra tỉnh, nêu ý kiến của Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Minh Thành về việc chuyển đơn của ông Nguyễn Tuấn Dũng tố cáo Chủ tịch UBND TP Phú Quốc Huỳnh Quang Hưng để Thanh tra tỉnh Kiên Giang làm việc…