Người xưa rất xem trọng chữ “Lễ”, hành vi cần phù hợp với lễ nghi. Tăng Tử trước khi qua đời vẫn giữ gìn lễ chế, thân phận.

Theo Thuyết văn giải tự, chữ Lễ (禮) cũng giống như người đi giày, bởi con người có văn minh và có lễ nên mới khác biệt với các loài cầm thú. Loài vật sinh tồn theo bản năng, cá lớn nuốt cá bé. Còn con người là anh linh của vạn vật, có trí tuệ, có chuẩn tắc đạo đức, và có Lễ.

Nội hàm của chữ Lễ đã thể hiện triết lý nhân sinh, kính Thiên kính Địa của người xưa.

Chữ Lễ qua chiết tự chữ Hán nghĩa là gì?

Bộ “Kỳ” (示) trong chữ Lễ nghĩa là mách bảo, chỉ ra. Thuyết văn giải tự viết: Bằng cách quan sát sự biến hóa của mặt trời, mặt trăng và các vì sao; cũng chính là quan sát sự biến hóa của thiên tượng; người xưa sẽ tiên đoán thế gian sắp xảy ra biến động gì, từ đó mà cảnh báo và nhắc nhở con người. 

Bên phải chữ Lễ (禮) là chữ Phong (豊). Trong chiết tự cổ, hình tượng chữ Phong giống như rất nhiều viên ngọc được xâu chuỗi và buộc lại với nhau, biểu thị sự đánh trống dâng ngọc, tôn thờ Thần linh.

Thời xưa, từ bách tính lê dân cho đến các vương tôn quý tộc, mọi hoạt động trong cuộc sống đều không thể thiếu việc cúng tế, tôn kính trời đất và Thần Phật.

Thần vì để dẫn dắt nhân loại nên đã lợi dụng sự thay đổi và biến hóa của thiên tượng để tỏ rõ Thiên ý. Con người dựa vào sự thay đổi biến hóa của thiên tượng để phán đoán việc lớn trong thiên hạ. 

Vì sao chữ Lễ được người xưa coi trọng?

Cổ nhân dạy làm người cần có “Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín”. Trong đó, “Lễ” hàm ý sự kính sợ sâu sắc của con người trước trời đất, vũ trụ. Một người coi trọng chữ Lễ sẽ không hại người, không làm những việc phạm vào Thiên lý.

Bởi vậy, chữ Lễ giúp con người ước thúc bản thân, gìn giữ tôn nghiêm cho chính mình, cũng như người khác. Khi có Lễ, con người sẽ tuân theo đạo trời, thuận tự nhiên. Vì thế mà xã hội có tôn tri trật tự, thái bình ôn hòa.

Không có Lễ ước thúc, con người hành động không có chuẩn mực, truy cầu biến dị, chạy theo dục vọng, hậu họa là xã tắc loạn mà lòng người bất định. Theo sau đó, thiên tai nhân họa giáng xuống. Do vậy, Lễ là không thể không coi trọng, làm người không thể không học Lễ.

Làm người không thể không học Lễ
Làm người không thể không học Lễ (ảnh: cafef).

Chuyện Tăng Tử thay chiếu

Tăng Tử tên thật là Tăng Sâm, người nước Lỗ. Năm 16 tuổi, ông bái Khổng Tử làm thầy và trở thành học trò xuất sắc của Khổng Tử.

Những năm cuối đời, Tăng Tử bệnh nặng nằm trên giường. Học trò của ông là Nhạc Chính và Tử Xuân đến thăm nom chăm sóc, ngồi ở cạnh giường. Con trai Tăng Tử là Tăng Nguyên và Tăng Thân ngồi ở chân giường. Hai con trai của Tăng Tử vì thương cha bệnh nặng, muốn cha cảm thấy dễ chịu nên cho cha nằm cái chiếu đẹp.

Hôm đó, trời đã tối, một đứa trẻ trong nhà cầm nến đi vào, vô tình phát hiện Tăng Tử nằm trên tấm chiếu trúc hoa lệ và êm ái chỉ có quan lớn mới dùng. Nó liền thốt lên lời khen ngợi, Tử Xuân vội vàng ngăn không cho nó nói tiếp.

Tăng Tử nghe vậy, kinh hoàng nói: “Các con, các con thay chiếu cho ta lúc nào vậy? Chẳng phải ta thường bảo các con không được xa hoa và ham muốn hư vinh. Mau mau thay chiếu cho ta”.

Tăng Nguyên nói: “Thưa cha, đợi khi nào cha đỡ, chúng con nhất định sẽ đổi chiếu theo ý của cha”.

“Đúng đó thưa cha. Bây giờ cha bệnh nặng, đừng để ý đến lễ nghi quá”, Tăng Thân tiếp lời.

Tăng Tử dù ốm nặng cũng nhất định không nằm chiếc chiếu không phù hợp với mình (ảnh chụp video).

Tăng Tử nói: “Con yêu thương ta không bằng đứa trẻ. Quân tử lấy đức để yêu người, tiểu nhân thì nhân nhượng, nuông chiều để làm vui lòng người. Ta có thể vì chính đạo mà chết. Vậy còn mong cầu gì nữa chứ. Mau mau đổi chiếu đi”.

Thế là, họ mau chóng thay chiếu theo lời cha. Tăng Tử chưa kịp nằm xuống thì đã qua đời.

Đây chính là câu chuyện “Tăng Tử thay chiếu”. (Theo “Lễ Ký – Đàn Cung Thượng”)

Ngụ ý về chữ Lễ của người quân tử

Người xưa rất xem trọng Lễ, hành vi phải phù hợp với lễ nghi. Tăng Tử trước khi qua đời vẫn giữ gìn lễ chế, thân phận. Ông để lại một tấm gương giúp người đời sau hiểu được tầm quan trọng của Lễ.

Đối với người quân tử, tiết tháo còn hơn cả sinh mệnh. Họ tâm niệm rằng “Người đang làm, Trời đang nhìn”. Người xem trọng nhân nghĩa, sẽ không vì tiền tài, địa vị và sinh mệnh mà thay đổi nguyên tắc làm người của mình.

Người quân tử giữ gìn lễ nghi (ảnh: Kknews.cc)

Câu nói của Tăng Tử “lấy đức để yêu người” cũng mang hàm ý: Người quân tử thành thật khuyên răn, lấy chân thành làm trọng. Chỉ có kẻ tiểu nhân mới chiều chuộng vô nguyên tắc, thực chính là ôm tư tâm.

Lại nói về người quân tử, có câu “Quân tử chi giao đạm nhược thủy” nghĩa là “Quân tử với nhau đạm bạc như nước”. Mối quan hệ xuất phát từ đức hạnh trong sáng, không mang theo tư dục (mong muốn cá nhân) thì mới gắn bó dài lâu, bền vững.

Chuyện Tăng Tử thay chiếu với ngụ ý giữ gìn chữ Lễ là bài học căn bản cho nhiều thế hệ sau.