Giới chức Đài Loan vừa phát hiện lô hàng mì ăn liền Omachi nhập khẩu từ Việt Nam có chất cấm Ethylene Oxide và phải tiêu hủy với tổng khối lượng 1.440 kg.

Hôm 23/8, Hãng tin CNA (Đài Loan) đưa tin Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm thuộc Cơ quan Y tế và phúc lợi Đài Loan công bố danh sách lô hàng nhập khẩu vi phạm kiểm tra biên giới, có tổng cộng 19 loại thực phẩm bị trả lại hoặc tiêu hủy, theo báo Tuổi Trẻ.

Trong đó có lô mì ăn liền hương vị tôm chua cay Omachi do Công ty TNHH Qianyu (Thiên Du) nhập khẩu từ Việt Nam, có 0,195 mg/kg chất Ethylene Oxide (EO)chưa cấp phép được phát hiện trong gói gia vị. Tổng khối lượng lô mì vi phạm là 1.440kg bị trả về và tiêu hủy (tương đương 600 thùng mì 30 gói, mỗi gói 80 gam).

Ông Trần Khánh Du (Chen Qingyu), Trưởng phòng Quản lý Trung tâm Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Quận Bắc, nói với CNA đây là lần đầu tiên doanh nghiệp này vi phạm các quy định, nhưng đã có ba lô mì ăn liền được nhập khẩu từ Việt Nam vi phạm quy định, theo báo VietTimes.

“Tới đây, tỷ lệ lấy mẫu đối với tất cả các loại sản phẩm cùng loại của các doanh nghiệp khác nhau nhập từ Việt Nam sẽ được tăng từ 20% lên 50%”, ông Trần Khánh Du nói. Tuy nhiên, ông cho biết các vụ vi phạm trước đây liên quan tới mì ăn liền nhập khẩu từ Indonesia còn nghiêm trọng hơn.

Hồi tháng 5, Hãng tin CNA cũng tường thuật một lô mì ăn liền nặng 1.400kg nhập khẩu từ Hàn Quốc đã bị chặn lại, sau khi bị phát hiện có chứa chất EO. Một số lô mì ăn liền từ Indonesia, Philippines và Nhật Bản cũng bị chặn lại vì chứa các chất không an toàn.

Theo CNA, EO hiện bị cấm sử dụng trong thực phẩm ở Đài Loan và nhiều nền kinh tế khác, vì chất này được phân loại là chất gây ung thư cấp một. Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Đài Loan nói rằng việc phơi nhiễm lâu dài với chất này có thể làm tăng nguy cơ ung thư và gây ra bệnh thần kinh trung ương hoặc thần kinh ngoại biên.

Masan nói gì về lô mì bị huỷ?

Bản tin của Hãng tin CNA (Đài Loan) về việc lô mì ăn liền Omachi có chất cấm Ethylene Oxide (ảnh chụp màn hình).

Đại diện Masan trao đổi thông tin với tờ VietTimes, cho biết tập đoàn đã nhận thông tin và đang tiến hành các bước xác minh cần thiết.

Bước đầu, Masan khẳng định Masan Consumer không bán hoặc xuất khẩu sản phẩm mì Omachi cho Nhà nhập khẩu Qianyu Co., Ltd, có trụ sở tại Đài Loan.

“Do luật pháp của mỗi nước khác nhau nên Masan Consumer sản xuất sản phẩm xuất khẩu riêng cho từng nước/khu vực và đều đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn chất lượng của các nước sở tại”, đại diện Masan thông tin bước đầu.

Hãng cho biết sẽ xác minh và cung cấp thêm các thông tin cụ thể.

Omachi là một trong hai thương hiệu mì chủ lực của CTCP Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer) – thành viên của CTCP Tập đoàn Masan (Mã CK: MSN), cùng với Kokomi. Năm 2021, doanh thu thuần của ngành hàng thực phẩm tiện lợi Masan Consumer đạt 8.629 tỷ đồng, tăng trưởng 25,4% so với năm 2020 (Omachi tăng 25,1% và Kokomi tăng 33,5%). Omachi và Kokomi cũng là 2/5 thương hiệu của MCH có doanh thu trên 2.000 tỷ đồng.

Việt Nam chưa có quy định ngưỡng chất EO

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, Trường đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết EO là chất không dùng trong thực phẩm bởi đây không phải là chất phụ gia. Các nhà sản xuất thường sử dụng chất EO trong khử trùng sản phẩm để diệt các loại vi khuẩn gây ẩm mốc và khử trùng triệt để các dụng cụ. 

Tuy nhiên, trong quá trình khử trùng sẽ có thể còn tồn dư lại một lượng EO. Theo ông Thịnh, chất EO là chất độc và có ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng hiện nay các nhà khoa học chưa có nghiên cứu hàm lượng EO bao nhiêu thì ảnh hưởng tới sức khỏe. Nhưng theo các nhà y học, nếu chất EO tích lũy dần trong cơ thể con người, tùy theo từng thể trạng (người già, người trẻ, phụ nữ…) sẽ gây ảnh hưởng đến gan, thận…

“Nhìn chung, mọi chất độc khi vào cơ thể đều ảnh hưởng đến sức khỏe ở mức độ nào đó. Vì vậy, nhiều nước trên thế giới có quy định khá chặt chẽ về chất EO trong sản phẩm. Tuy nhiên, nhiều nước mức cho phép rất thấp, nhiều nước lại không cấm”, TS Thịnh thông tin.

Có thể bạn quan tâm:

Từ Khóa: