Hàng nghìn video về người Duy Ngô Nhĩ ở khu vực Tân Cương, phía tây bắc Trung Quốc đang ồ ạt xuất hiện trên các nền tảng như YouTube và Twitter. Tất cả chúng đều phủ nhận việc ĐCSTQ vi phạm nhân quyền trong khu vực. 

Theo báo cáo của New York Times và ProPublica, những video trên thuộc về chiến dịch tuyên truyền của Trung Quốc nhằm chống lại sự giám sát của phương Tây về vi phạm nhân quyền. 

Những điểm giống nhau kỳ lạ trong 3.000 clip về Tân Cương

Những người xuất hiện trong video có chủ doanh nghiệp, tài xế taxi và công nhân nhà máy dệt v.v… Nhiều người trong số họ đã chỉ trích cựu Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, người đã gọi các hành động của ĐCS Trung Quốc ở Tân Cương là tội ác diệt chủng. Tuy nhiên những video này đều có điểm chung là hầu như tất cả đều lặp lại cùng một thông điệp: “[Người Duy Ngô Nhĩ] chúng tôi rất tự do.”

Sau khi phân tích 3.000 clip và bài đăng trên mạng xã hội, New York Times và ProPublica, đã phát hiện rằng các video này nhằm mô tả cuộc sống bình thường ở Tân Cương, nhưng có bằng chứng cho thấy các video có sự phối hợp do chính quyền Bắc Kinh thực hiện. 

Bắc Kinh đang tăng cường các nỗ lực tuyên truyền trong nước và quốc tế, từ nhạc kịch, phim tài liệu đến các chiến dịch thông tin sai lệch trên mạng xã hội, nhằm chống lại sự giám sát của quốc tế về các vi phạm nhân quyền được báo cáo ở Tân Cương.

Theo Axios, các tài liệu cho thấy ĐCS Trung Quốc trong những năm gần đây đã giam giữ ít nhất 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác trong các trại cải tạo. Theo nhiều báo cáo và lời khai, Bắc Kinh đã nhắm mục tiêu cụ thể vào nhóm dân cư đa số theo đạo Hồi trong khu vực. Đồng thời, ĐCSTQ thực hiện hành vi “diệt chủng nhân khẩu học” thông qua cưỡng bức phá thai và triệt sản .

Một điểm trùng hợp là, những người xuất hiện trong hơn 1.000 video cho biết, gần đây họ đã xem những nhận xét của ông Pompeo chỉ trích các hành động của ĐCS Trung Quốc ở Tân Cương, chủ yếu “trên internet” hoặc trên các nền tảng truyền thông xã hội của Trung Quốc như Tiktok.

Ngoài ra, có một số cụm từ được lặp đi lặp lại trong các video. Ví dụ cụm từ “sinh ra và lớn lên” được đề cập trong hơn 280 video. Một cụm từ tiếng Trung khác có nghĩa là “hoàn toàn vô nghĩa” được đề cập trong hơn 600 video để bác bỏ những chỉ trích của ông Pompeo về những vi phạm nhân quyền của ĐCS Trung Quốc.  

Nhân chứng trong video về Tân Cương tiết lộ sự thật ghê sợ

Vào đầu năm nay, nhiều video lần đầu xuất hiện trên một ứng dụng tin tức do Đảng Cộng sản Trung Quốc kiểm soát. Sau đó, các video bắt đầu xuất hiện trên các mạng xã hội của phương Tây như YouTube và Twitter, những nền tảng bị cấm ở Trung Quốc.

Chủ một đại lý ô tô cũ ở Tân Cương đã xuất hiện trong một video. Người này sau đó đã thừa nhận với New York Times và ProPublica rằng các cơ quan tuyên truyền địa phương chịu trách nhiệm quay đoạn clip này.  

Theo báo cáo, cũng có bằng chứng cho thấy rằng hầu hết các tài khoản Twitter chia sẻ các video này đều được tạo gần đây và các bài đăng của họ có các thông điệp giống hệt nhau, với một chuỗi ngẫu nhiên gồm các chữ cái La Mã hoặc các ký tự Trung Quốc ở cuối. 

Các phương tiện truyền thông do nhà nước hậu thuẫn và các quan chức chính phủ của ĐCSTQ thậm chí đã chia sẻ các clip này vào đầu năm nay để bác bỏ cáo buộc lao động cưỡng bức ở Tân Cương. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên và Hoa Xuân Oánh đều đã chia sẻ clip một nông dân trồng bông ở Tân Cương vào tháng Hai.