Công nhân Việt Nam đóng góp 70% ngân sách và 65% GDP, nhưng họ chưa được hưởng thành quả tương xứng, đời sống bấp bênh…
- Bị móp vỏ, máy bay Vietnam Airlines vẫn cất cánh từ TP. HCM đi Phú Quốc
- Hà Tĩnh: Bé gái 4 tuổi nhập viện với nhiều vết thương, nghi bị bạo hành
- Khởi tố Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Gia Lai
Thanh Niên đăng tải, ngày 26/4, chia sẻ tại hội thảo tiền lương và vấn đề ổn định thị trường lao động chiều ngày 26/4, ông Lê Đình Quảng, Phó ban Chính sách pháp luật, Tổng liên đoàn Lao động cho biết, từ năm 2018 đến nay có tổng cộng 591 cuộc đình công, ngừng việc tập thể. Trong đó, riêng quý 1/2022, đình công đột biến tăng 40% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong số các ngành nghề có lượng công nhân tham gia đình công thì chiếm tỷ lệ cao là ngành dệt may với 40%, ngành da giày chiếm 15%, kế đó là điện tử chiếm 10%, chế biến gỗ 7% và các ngành nghề khác chiếm 28%.
Theo ông Quảng, các cuộc đình công liên quan đến mục đích kinh tế, diễn ra trong trật tự, không xảy ra hiện tượng đập phá máy móc, tài sản… Ông Quảng còn khẳng định rằng, phía công đoàn không tổ chức các cuộc đình công này.
Về nguyên nhân theo nhà chức trách hầu hết do doanh nghiệp chậm chi trả lương, thưởng Tết, chất lượng ăn ca kém… Việc chậm điều chỉnh lương tối thiểu và tác động của đại dịch khiến lao động giảm sút thu nhập, mất việc làm, trong khi phát sinh chi phí phòng chống dịch cùng các mặt hàng đội giá khiến lao động cạn kiệt tích lũy. Họ ngừng việc ,yêu cầu tăng lương cơ bản, ăn ca, phụ cấp nuôi con nhỏ…
Trong khi đó thông tin với tờ VnExpress ông Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Công nhân Công đoàn, công nhân Việt Nam chiếm 15% dân số, 27% lực lượng lao động nhưng đóng góp 70% ngân sách và 65% GDP. Đóng góp nhiều nhưng họ chưa được hưởng thành quả tương xứng khi đời sống còn khó khăn, nhiều vấn đề cấp bách về tiền lương, nhà ở, nuôi con… chưa được giải quyết thỏa đáng.
Khảo sát của công đoàn vào tháng 3 cho thấy, nếu không làm thêm giờ, tiền lương cơ bản của công nhân đạt 4,92 triệu đồng mỗi tháng. Để không rơi vào túng quẫn, công nhân phải chấp nhận tăng ca. Lao động ngành dệt may, điện tử, da giày, chế biến thuỷ hải sản, sản xuất gỗ… có khi tăng ca 60-70 giờ mỗi tháng.
Nhà ở xã hội 1-1,6 tỷ đồng vượt tầm với của người lao động tại TP. HCM
Cũng theo báo Thanh Niên, hôm 24/4, tại hội nghị tiếp xúc của HĐND TP. HCM với hơn 400 lao động nữ về chủ đề chính sách an sinh xã hội, nhà ở cho công nhân, người lao động, một số công nhân nói thu nhập trung bình 7-8 triệu đồng mỗi tháng, phải trang trải nhiều thứ nên việc tích lũy mua nhà ở TP. HCM là điều không thể.
Chị Nguyễn Thị Thu Phương tài xế Grap trải lòng: “Tôi là tài xế Grab xe máy, là lao động nhập cư, có 1 con trai đang học tiểu học, đang ở nhà trọ. Với mức thu nhập hiện nay khoảng 7 triệu đồng/tháng, tôi chỉ đủ thuê 1 phòng trọ nhỏ với mức 1,5 triệu đồng/tháng. Số còn lại phải tiết kiệm lắm mới đủ cho cuộc sống của 2 mẹ con nên rất khó có tiền dư để mua nhà tại TP.HCM”.
Về vấn đề này, bà Trần Thị Diệu Thúy – Chủ tịch Liên đoàn lao động TP. HCM thông tin, qua khảo sát phần lớn công nhân ở các tỉnh miền Tây, vùng lân cận TP. HCM xác định chỉ ở thành phố làm việc một thời gian, sau đó về quê. Nguyên nhân là thu nhập của họ còn thấp, không tích lũy đủ số tiền ban đầu và trả hàng tháng. Hiện, giá mỗi m2 căn hộ nhà ở xã hội khoảng 25 triệu đồng, tương đương 1-1,6 tỷ đồng mỗi căn. Mỗi người được vay tối đa 900 triệu đồng, không quá 70% giá trị căn hộ, thời gian trả 15 năm.
Trước đó, Hội đồng Tiền lương quốc gia hôm 12/4 thống nhất đề xuất tăng lương tối thiểu vùng thêm 6% từ ngày 1/7/2022 trên cơ sở 15/17 phiếu tán thành. Tuy nhiên, ngày 14/4, tám hiệp hội doanh nghiệp có công văn gửi Chính phủ kiến nghị lùi thời điểm tăng lương sang năm 2023.