Hai tháng qua, phân bón Trung Quốc xuất sang Việt Nam giảm 7,4% về lượng, nhưng tăng 64% về giá so với cùng kỳ năm 2021.

Xung đột Nga – Ukraine đã góp phần đẩy giá phân bón ở Việt Nam cao nhất trong 50 năm qua. Tuy nhiên, thị trường phân bón trong nước đã khó khăn từ cuối năm ngoái khi Trung Quốc siết chặt xuất khẩu.

Theo Tổng cục Hải quan, năm 2021 Việt Nam nhập 4,54 triệu tấn, kim ngạch 1,45 tỷ USD. Trong đó, Trung Quốc là thị trường chủ đạo cung cấp phân bón các loại cho Việt Nam, chiếm 44,5% trong tổng lượng và chiếm 42% trong tổng kim ngạch nhập khẩu phân bón của cả nước. Như vậy, năm 2021, Việt Nam đã chi hơn 600 triệu USD để mua phân bón từ Trung Quốc.

Cục Bảo vệ thực vật dự báo nhu cầu nhập khẩu phân bón ở Việt Nam trong năm 2022 không thấp hơn năm ngoái; tuy nhiên; nguồn cung đang rất khó khăn. Việc giá nhiên liệu liên tục tăng và bùng nổ chiến sự Nga – Ukraine khiến lượng phân bón nhập khẩu đang khan hiếm.

Hàng năm, Việt Nam nhập khẩu từ Nga khoảng 130.000 – 380.000 tấn phân bón, chiếm khoảng 3-9,5% tổng khối lượng nhập khẩu. Khi xảy ra xung đột, Nga phải dừng xuất khẩu phân bón, khiến nguồn cung cho thị trường Việt gặp khó. Tuy nhiên, tác động mạnh và tạo ảnh hưởng dai dẳng hơn lại đến từ thị trường Trung Quốc.

Từ tháng 10/2021, Trung Quốc tuyên bố kiểm soát xuất khẩu 29 loại phân bón, gồm phân urê, DAP, MAP, NPK, NP/NPS, MOP, SOP, amoni clorua và amoni nitrat… Phía Trung Quốc cho rằng, việc xuất khẩu trước đó gây nguy cơ thiếu hụt nguồn cung phục vụ sản xuất và nạn đầu cơ nhằm đẩy giá tăng cao. Đặc biệt, khi Trung Quốc đối mặt với nguy cơ về khủng hoảng lương thực và nạn đói, nên chính quyền Tập Cận Bình đã chuyển hướng từ xuất khẩu sang mục tiêu đảm bảo nguồn cung phân bón cho nhu cầu nội địa.

Bởi vậy, khối lượng xuất khẩu phân bón của Trung Quốc sang Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2022 đã sụt giảm đáng kể. Cụ thể, 2 tháng đầu năm, Trung Quốc xuất sang Việt Nam 226.191 tấn phân bón, tương đương 93,34 triệu USD, giá trung bình 412,7 USD/tấn. Thống kê cho thấy, dù giảm 7,4% về lượng, nhưng Trung Quốc vẫn hưởng lợi lớn khi tăng 51,8% về trị giá  và tăng 64% về giá so với 2 tháng đầu năm 2021.