Nhiều nhà quan sát đang so sánh Ukraine với Đài Loan. Cả hai nước đều là những nền dân chủ tương đối mới, và bị các ‘siêu cường hạt nhân’ phủ nhận chủ quyền lãnh thổ. Cả hai cũng đều phải đối mặt với kẻ thù không chỉ độc tài mà còn khác biệt về hệ tư tưởng; theo nhận định của tiến sĩ Anders Corr.
Trong một bài bình luận đăng trên tờ The Epoch Times, tiến sĩ Anders Corr tại Đại học Harvard cho rằng: “Thay vì chỉ trích những so sánh như vậy, Đài Bắc phải có sự chuẩn bị tốt hơn”.
Tóm tắt nội dung
Đài Loan phản đối việc bị so sánh với Ukraine
Theo tiến sĩ Corr, chính phủ Đài Loan phản đối việc so sánh họ với Ukraine, cho rằng so sánh như vậy là phóng đại hay chiến tranh nhận thức .
Hãng tin Reuters dẫn lời ông La Bình Thành, người phát ngôn của chính phủ Đài Loan, tuyên bố “trong mọi lĩnh vực”, Ukraine và Đài Loan đều “không thể so sánh”.
Ông nói thêm rằng “có những kẻ đang lợi dụng” cuộc xâm lược Ukraine để thao túng chủ đề “Ukraine hôm nay, Đài Loan ngày mai”. Họ cố gắng liên kết tình hình Ukraine với Đài Loan một cách không tương xứng, từ đó làm xáo trộn tinh thần của người dân.
Quan chức này nhận định Đài Loan có vị trí quan trọng về mặt địa chính trị, và là nhân tố chính của chuỗi cung ứng công nghệ cao toàn cầu. Đặc biệt, Đài Loan sản xuất chất bán dẫn tốt nhất. Tuy nhiên, Ukraine cũng là nước xuất khẩu công nghệ cao, gồm công nghệ động cơ phản lực và tên lửa.
Ông La cũng cho rằng Đài Loan có hàng rào hàng hải tự nhiên là eo biển Đài Loan. Nhưng eo biển này sẽ không thể bảo vệ chống lại lực lượng không quân Trung Quốc, hoặc số lượng khổng lồ tên lửa mà quân đội nước này đã chế tạo và triển khai.
Đài Loan quá tin vào sự bảo vệ của Mỹ
Tiến sĩ Corr bình luận: “Thực tế là Đài Loan không được chuẩn bị sẵn sàng cho chiến tranh với Trung Quốc. Hòn đảo này đã khờ khạo tin vào sự bảo vệ của Mỹ ngay cả khi Washington hủy bỏ chủ quyền của nó vào năm 1979 và hiệp ước phòng thủ chung năm 1955 để cải thiện quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc”.
Theo ông Corr, không giống với Đài Loan, Mỹ và Anh đã có thỏa thuận đảm bảo sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine vào năm 1994. Dù vậy, ngay cả khi Kiev bị xâm lược thì hai đồng minh không hề có ý định triển khai quân.
Thay vào đó, họ đảm bảo rằng quân đội và các nhà ngoại giao của mình đã rút khỏi đất nước này trước khi cuộc xâm lược bắt đầu, để tránh bị lôi vào một cuộc chiến hạt nhân.
Giống như Nga, Trung Quốc cũng là một cường quốc hạt nhân hung hãn mà Mỹ và các đồng minh không muốn bị lôi vào cuộc chiến này.
Vì vậy, Đài Loan nên lường trước sự đối xử tương tự như Ukraine, hoặc tệ hơn, trong trường hợp xảy ra cuộc xâm lược. Nói như vậy không phải là gây hoang mang hay chiến tranh nhận thức chống lại Đài Loan. Đây là lời cảnh báo để Đài Loan có sự chuẩn bị tốt hơn.
Nếu Nga thành công, Trung Quốc sẽ tấn công Đài Loan
Ian Easton, tác giả của “Mối đe dọa xâm lược từ Trung Quốc: Phòng thủ của Đài Loan và Chiến lược của Mỹ ở châu Á”, đã viết về sự thất bại của Mỹ trong việc ngăn chặn chiến tranh ở Ukraine và ý nghĩa của điều này đối với Đài Loan.
Theo ông, “đối với Hoa Kỳ và các đồng minh, cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine là một thảm họa chính sách đối ngoại. Điều này sẽ để lại hậu quả to lớn”.
“Nếu Nga không rút khỏi Ukraine, nếu Moscow thực sự thành công trong việc nuốt chửng một quốc gia có chủ quyền khác. Điều này sẽ gửi tín hiệu đến Trung Quốc rằng họ có thể làm điều tương tự ở Đài Loan”, ông nói.
Đài Loan nên tìm kiếm ‘Hòa bình thông qua sức mạnh hạt nhân’
Không có sự chuẩn bị nào tốt hơn cho một cuộc xung đột quân sự với cường quốc hạt nhân là tự mua vũ khí hạt nhân. “Hòa bình thông qua sức mạnh (hạt nhân)” là chiến lược của Mỹ, Anh và Pháp kể từ những năm 1940 và 1950. Đó là thực tế mà Nga và Trung Quốc đang ép các nước nhỏ hơn như Ukraine, Nhật Bản, Australia, Ba Lan, Đức và Đài Loan.
Ông Easton viết: “Tôi sẽ không ngạc nhiên khi thấy các nhà lãnh đạo Đài Loan tranh luận về nghĩa vụ quốc gia bắt buộc; sự cần thiết của biện pháp răn đe mạnh mẽ, thậm chí có thể dùng tới vũ khí hạt nhân”.
“Tối thiểu, quân đội Đài Loan cũng cần phải có tên lửa tầm xa, tàu ngầm và thủy lôi có khả năng phong tỏa Thượng Hải”, ông cho hay.
Vào giai đoạn cuối của cuộc chơi, nếu không đạt được mức độ răn đe này thì mọi thứ sẽ trở thành vô nghĩa. Cả Washington và Đài Bắc đều có trách nhiệm bởi chính sách mơ hồ chiến lược của Mỹ, trong đó Mỹ ám chỉ rằng sẽ bảo vệ Đài Loan về mặt quân sự, nhưng không cam kết.
Ông Easton kết luận: “Ngày nay, chính sách mơ hồ chiến lược của Washington dường như đã lỗi thời. Chính phủ Mỹ biết về cuộc xâm lược Ukraine sắp tới những đã không làm gì để ngăn chặn nó. Nhiều người hiện tin rằng Trung Quốc sẽ cố gắng xâm lược Đài Loan trong 5 năm tới. Hy vọng Washington sẽ rút ra bài học từ thất bại ở Ukraine và áp dụng chúng vào việc bảo vệ Đài Loan trước khi quá muộn”.