Kể từ đầu năm nay, số lượng người vượt biên trái phép từ Mexico vào Hoa Kỳ tiếp tục tăng vọt. “Cuộc khủng hoảng biên giới” đã trở thành một chủ đề được quan tâm trên khắp nước Mỹ. Chuyên gia Trung Quốc Gordon Chang đã đưa ra một đề xuất độc đáo để giải quyết cuộc khủng hoảng.

Gordon Chang là tác giả của cuốn “Trung Quốc sắp sụp đổ”. Gần đây, ông đã viết một bài bình luận đăng trên tờ The Hill và gợi ý rằng, có một cách để giúp giải quyết cuộc khủng hoảng biên giới, đồng thời ổn định tình hình ở Trung Mỹ. Đó là lôi kéo các nhà máy sản xuất Mỹ rời khỏi ​​Trung Quốc, giảm tính dễ bị tổn thương chiến lược của Hoa Kỳ và giảm lượng khí thải carbon toàn cầu.

Gordon Chang: Đưa các nhà sản xuất Mỹ đến các quốc gia tam giác phía Bắc

Các quốc gia tam giác phía Bắc, bao gồm Guatemala, Honduras và El Salvador, đang phải hứng chịu khủng hoảng kinh tế. Ông Gordon Chang cho rằng nguyên nhân chính là trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ này, số lượng lớn công việc sản xuất trong khu vực đã bị mất vào tay Trung Quốc đại lục; do đó, dành nhiều ưu đãi hơn cho các nhà sản xuất đối với thị trường Mỹ không chỉ giúp đảm bảo sự thịnh vượng lâu dài cho khu vực kinh tế vốn đang gặp khó khăn này, mà còn mang lại biên giới phía nam ổn định hơn cho Hoa Kỳ.

Khoảng 40% người nhập cư bất hợp pháp vào Hoa Kỳ đến từ khu vực tam giác phía Bắc. Chính quyền Biden đã cung cấp cho Guatemala khoản viện trợ bổ sung 310 triệu đô-la Mỹ vào tháng 4. Trong tuần này, Phó tổng thống Kamala Harris đã hứa cung cấp 500.000 liều vắc xin COVID-19 và cung cấp thêm ngân quỹ bên cạnh khoản cứu trợ 26 triệu đô-la Mỹ.

Ông Gordon Chang cho rằng tài khoản ngân hàng của các dự án viện trợ của Hoa Kỳ này đang rất hỗn loạn, đặc biệt là ở Nam Mỹ. Các khoản viện trợ đã vô tình rơi vào tài khoản ngân hàng của “giới tinh hoa” địa phương. Rõ ràng, các quốc gia tam giác phía Bắc không cần các nhà lãnh đạo giàu có dùng tiền riêng để giúp đỡ người dân địa phương, chỉ cần viện trợ của Mỹ là đủ.

Ông tin rằng giải pháp lâu dài hơn là cho phép các nhà sản xuất định cư ở tam giác phía Bắc. “Nếu Mỹ tập trung thương mại vào hàng hóa được sản xuất ở ba quốc gia tam giác phía Bắc, thì lợi ích sẽ đổ về khu vực này. Các nhà sản xuất theo đuổi chi phí thấp sẽ chuyển nhà máy của họ từ Trung Quốc sang đó, đặc biệt nếu ‘cuộc chiến thương mại’ kéo dài ba năm giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc tiếp tục, tình hình ở Tam giác phía Bắc sẽ được cải thiện hơn nữa”.

Ông Gordon Chang nhận định “gia công phần mềm ở nước ngoài” đã diễn ra, nhưng tốc độ chậm hơn so với kỳ vọng. Theo số liệu của Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ, các nhà sản xuất Mỹ Latinh có thể thay thế 80 tỷ USD hàng hóa mà Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc mỗi năm, tuy nhiên, nhiều nước trong khu vực đang bỏ lỡ cơ hội thách thức các nhà sản xuất ở bên kia Thái Bình Dương.

Mua hàng hóa từ Trung Mỹ tăng cường an ninh cho chuỗi cung ứng của Mỹ

Mặt khác, mua sản phẩm từ các nhà máy ở Trung Mỹ cũng sẽ cải thiện an ninh cho chuỗi cung ứng của Mỹ. Ông Chang bình luận rằng ĐCSTQ liên tục đe dọa sử dụng chuỗi cung ứng mà nó kiểm soát để đạt được các mục tiêu địa chính trị. Ví dụ, trong những ngày đầu của đại dịch COVID-19, Bắc Kinh đã đe dọa ném Hoa Kỳ vào “đại dương virus” bằng cách cắt nguồn cung cấp thiết bị bảo vệ cá nhân.

Maria Bartiromo của Fox Business Network từng báo cáo rằng, năm ngoái, ít nhất một lần ở Bắc Kinh, một con tàu chở thiết bị bảo vệ cho một bệnh viện ở New York đã quay đầu lại giữa chừng và chuyển hướng.

Peter Navarro, cựu quan chức thương mại Toà Bạch Ốc của Tổng thống Trump, nói rằng ĐCSTQ “quả thật” đã quốc hữu hóa nhà máy của một công ty 3M sản xuất khẩu trang N95. Bắc Kinh thường nói về việc ngừng cung cấp đất hiếm, bao gồm cả vụ phóng “tên lửa bằng lời nói” vào năm ngoái của nhà thầu quốc phòng Mỹ Lockheed Martin, công ty đã giúp Đài Loan nâng cấp hệ thống tên lửa phòng không Patriot của mình.

Ông Chang lưu ý ĐCSTQ luôn nhấn mạnh rằng không thể “chia rẽ” Hoa Kỳ và Trung Quốc. Tuy nhiên, với sự phát triển mạnh mẽ của ngành sản xuất ở tam giác phía bắc, việc “tách rời” sẽ trở thành điều tất yếu, đặc biệt khi các công ty tìm cách đặt nhà máy gần hơn với người tiêu dùng Mỹ.

Giảm lượng khí thải carbon toàn cầu

Ông Gordon Chang nhận định nhập khẩu hàng hóa từ Trung Mỹ còn có một lợi thế khác. Tổng thống Biden rất coi trọng vấn đề giảm thiểu biến đổi khí hậu. Sản xuất ở tam giác phía Bắc chắc chắn sẽ làm giảm lượng khí thải carbon từ giao thông vận tải biển. Các tàu container đi trên biển Thái Bình Dương là một trong những nguồn phát thải khí nhà kính lớn nhất. Người ta nói rằng lượng khí thải carbon của 15 tàu container lớn nhất vượt quá tổng lượng khí thải carbon của tất cả các xe ô tô trên thế giới.

Ông Chang bình luận thương mại thường đem lại thịnh vượng. Vì vậy, tại sao người Mỹ phải làm giàu cho quốc gia thù địch Trung Quốc thông qua việc mua hàng hóa của họ, trong khi thay vào đó người Mỹ có thể giúp ổn định xã hội các quốc gia tam giác phía Bắc?

Alan Tonelson, một chuyên gia thương mại tại thủ đô Washington nói rằng: “Nếu chúng ta muốn ngăn chặn tình trạng nhập cư bất hợp pháp, thì chúng ta phải xem xét thương mại toàn cầu một cách chiến lược”.