Nếu dự Luật Đường bộ được thông qua, Grab, Be… sẽ được xếp vào loại hình taxi, chịu ràng buộc về niên hạn, tiêu chuẩn lái xe.

Dự thảo Luật Đường bộ Bộ GTVT vừa hoàn tất, kế thừa và đổi mới từ Luật Giao thông đường bộ năm 2008. Theo dự luật mới, taxi là loại hình kinh doanh vận tải khách sử dụng ôtô con. Taxi có thể tính tiền cước qua đồng hồ hoặc phần mềm kết nối với hành khách qua phương tiện điện tử. Như vậy, ôtô kinh doanh vận tải hiện nay như Grab, Be… sẽ được xếp vào loại hình taxi, chịu ràng buộc về niên hạn, tiêu chuẩn lái xe.

Đi kèm với sự sắp xếp như trên, các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phần mềm hỗ trợ kết nối vận tải bằng ôtô phải có giấy phép kinh doanh; ghi nhận đánh giá của khách hàng về chất lượng phục vụ của người lái xe; lưu trữ giao dịch tối thiểu 2 năm…

Hiện chưa có thông tin phản hồi chính thức từ các hãng gọi xe công nghệ Grab, Be… về dự luật trên.

Trong quá khứ, giữa taxi truyền thống và Grab luôn cạnh tranh khốc liệt cho cuộc chiến thị phần. Ở Việt Nam, hai bên đã đưa nhau ra tòa vào cuối năm 2018.

Grab và taxi truyền thống luôn cạnh tranh thị phần quyết liệt (ảnh: CafeF).
Grab và taxi truyền thống luôn cạnh tranh thị phần quyết liệt (ảnh: CafeF).

Cụ thể, tháng 12/2018, TAND TP HCM đã xét xử và tuyên án vụ kiện dân sự “Tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” giữa nguyên đơn là Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) và bị đơn là Công ty TNHH Grab (Grab).

Trong phần tuyên án, HĐXX đã chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Vinasun, buộc Grab bồi thường 4,8 tỷ đồng.  Tòa cho rằng Grab đã vi phạm Nghị định 86 và vi phạm Đề án 24 trong lĩnh vực vận tải.

Tòa cho rằng việc sụt giảm doanh thu của taxi truyền thống là do sự xuất hiện của Grab. Trong khi Grab không ngừng tăng trưởng, thực hiện khoảng 2 triệu chuyến xe mỗi tháng, thì số lượng xe nằm bãi, không hoạt động của Vinasun ngày càng nhiều.

HĐXX tổng kết Vinasun đã thiệt hại khoảng 85 tỷ đồng (bao gồm sụt giảm doanh thu 4,8 tỷ đồng và vốn hóa thị trường giảm 81 tỷ đồng); Grab đã tạo ra sự dịch chuyển doanh thu từ Vinasun sang Grab. HĐXX khẳng định tính liên quan giữa việc Grab vi phạm pháp luật và sự sụt giảm của Vinasun là có căn cứ, số tiền thiệt hại trong mối quan hệ nhân quả này là hơn 4,8 tỷ đồng.

Vụ kiện này kết thúc, nhưng để lại nhiều dư âm không phục từ phía các nhà điều hành cũng như tài xế các hãng gọi xe công nghệ.