Gần 10.000 nhân viên y tế thôi việc; Loạt quan chức Cảnh sát Biển Việt Nam sắp hầu tòa vì dính líu buôn lậu xăng dầu là những tin nổi bật tuần qua.
- Say rượu, thanh niên lao xe vào 3 cháu nhỏ, 4 người thương vong
- Sau 2 tuần khánh thành, đường ven sông Vàm Cỏ Tây nát vụn
- Cựu thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã qua đời
Xuất khẩu gạo sang Mỹ tăng vọt
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, khối lượng gạo xuất khẩu 6 tháng đầu năm đạt 3,52 triệu tấn và 1,72 tỷ USD, tương ứng tăng 16,2% về khối lượng và 4,6% về giá trị.
Philippines vẫn là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm với 43,6% thị phần. Cùng với Philippines, Mỹ là thị trường ngày càng chuộng gạo Việt. Đặc biệt, trong 5 tháng đầu năm, lượng gạo xuất sang quốc gia này tăng 71,3%, mức tăng cao nhất trong số các nước nhập khẩu gạo của Việt Nam.
Theo Bộ Nông nghiệp, xuất khẩu gạo trong năm nay sẽ duy trì thứ hạng tốt do ngành lúa gạo Việt Nam ngày càng được cải thiện về chất lượng. Ngành hàng này tiếp tục là trụ cột để giúp ngành nông nghiệp đặt mục tiêu cán đích kim ngạch xuất khẩu trên 50 tỷ USD.
Gần 10.000 nhân viên y tế thôi việc, nghỉ việc trong 18 tháng qua
Cụ thể, năm 2021 có hơn 5.200 nhân viên y tế thôi việc; 6 tháng đầu năm nay có hơn 4.000 người, gồm hơn 3.700 người do Sở Y tế quản lý, gần 360 người công tác tại cơ sở thuộc Bộ Y tế. Như vậy, số lượng người nghỉ việc trong 6 tháng đầu năm 2022 cao gần tương đương số người trong cả năm 2021.
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, song lý do chủ yếu là thu nhập thấp, chế độ phụ cấp chưa đáp ứng nhu cầu sống, đặc biệt tại đơn vị y tế dự phòng và y tế cơ sở.
Thực tế, nhân viên y tế nghỉ việc đã diễn ra đột biến ở TP. HCM và Hà Nội. Chỉ trong quý 1, TP. HCM có 400 người nghỉ việc, bằng tổng số người nghỉ trung bình hàng năm trước khi có Covid-19. Còn Hà Nội có 900 người xin nghỉ, chuyển công tác trong vòng 18 tháng qua.
Tình trạng này khiến ngành y thiếu hụt nhân lực, ảnh hưởng đến việc khám, chữa bệnh, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp.
Grab thu thêm ‘phí nắng nóng’ 5.000 đồng/chuyến
Từ ngày 6/7, Grab sẽ thu thêm 5.000 đồng/chuyến xe phí ‘thời tiết nắng nóng gay gắt’ với lý do hỗ trợ tài xế. Phạm vi thu phí mở rộng không chỉ ở các địa bàn thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng…
Theo giải thích của Grab, việc tăng phụ phí này nhằm hỗ trợ tài xế hoạt động thời tiết nắng nóng gay gắt, giảm phần nào vất vả cho tài xế.
Tuy nhiên, nhiều tài xế cũng bày tỏ tâm tư, thực tế số tiền phụ phí này tài xế không nhận hoàn toàn. Bởi trong thông báo của Grab đưa ra, tiền phụ phí tăng thêm sẽ được cộng dồn vào giá cước, mỗi chuyến xe sẽ được tăng thêm 5.000 đồng/chuyến. Hãng phân chia lại theo tỷ lệ chiết khấu…
Hiện tình trạng tăng giá cước, thu đủ loại phí của Grab như trời mưa, kẹt xe, đến thời tiết nắng nóng… gây nhiều bức xúc với khách hàng.
Loạt quan chức Cảnh sát Biển Việt Nam sắp hầu tòa vì dính líu buôn lậu xăng dầu
Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương vừa hoàn thành cáo trạng, truy tố 14 bị can trong vụ án liên quan đến đường dây buôn lậu hơn 198 triệu lít xăng dầu từ Singapore về Việt Nam do bị can Phan Thanh Hữu (Giám đốc Công ty TNHH TM Phan Lê Hoàng Anh) cầm đầu.
Đáng lưu ý, trong số 14 bị can này có hai cựu Tư lệnh Vùng là ông Lê Văn Minh – cựu Tư lệnh Vùng CSB 4 và ông Lê Xuân Thanh – cựu Tư lệnh Vùng CSB 3. Ngoài ra còn các ông Lưu Đức Thế- thiếu tá, cựu Phó đoàn trưởng Trinh sát 2, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển; Đại tá Nguyễn Thế Anh – cựu chỉ huy trưởng Biên phòng tỉnh Kiên Giang; Đại tá Phạm Văn Trên – cựu chỉ huy trưởng Biên phòng tỉnh Trà Vinh…
Những người vừa nêu bị truy tố tội nhận hối lộ. Theo kế hoạch dự kiến, Tòa án quân sự Quân khu 7 vào ngày 12/7 sẽ mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án.
Giám đốc bệnh viện chi hàng triệu đô la Mỹ nhờ chạy án
Kết luận điều tra, năm 2021, ông Nguyễn Minh Quân, giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức, bị Bộ công an (C03) điều tra về hành vi có dấu hiệu vi phạm về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Do đó, ông Quân đã đưa ông Bùi Trung Kiên, nguyên cán bộ Phòng 6, C03 tổng cộng 2,2 triệu USD nhờ “lo lót không bị xử lý hình sự”. Tuy nhiên, theo C03, sau khi nhận tiền, Kiên không chạy án mà sử dụng số tiền trên để đầu tư bất động sản.
Ông Quân sau đó không thấy sự việc tiến triển nên đòi tiền lại, Kiên đã trả lại 1,15 triệu USD.
Ông Quân tiếp tục dùng tiền nhờ nhiều người khác “chạy án” trong đó có Lê Thanh An, nguyên cán bộ Phòng 5 thuộc C03; Nguyễn Ngọc Triệu, nguyên ủy viên Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cựu sư trụ trì chùa Nôm (Hưng Yên); Trần Văn Long – nguyên tổng giám đốc Công ty cổ phần truyền thông Du lịch Việt; Bùi Thị Hồng Giang – luật sư…Những người này bị đề nghị truy tố tội môi giới hối lộ.
Theo kết luận, hành vi đưa tiền để “chạy án” của ông Quân đã phạm vào tội đưa hối lộ. Tuy nhiên ông Quân đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác nên được cơ quan điều tra miễn trách nhiệm hình sự.
Có thể bạn quan tâm: