Hà Nội: Nhiều F0 tiên lượng nặng dù đã tiêm đủ vaccine; Đại học Đông Đô: ‘Áp chỉ tiêu’ cấp bằng giả như bán hàng đa cấp; TP. HCM: Một bệnh viện có 300 y bác sĩ là F0… là những thông tin nổi bật của bản tin sáng nay 24/12.

Dưới đây là thông tin chi tiết

Hà Nội: Nhiều F0 tiên lượng nặng dù đã tiêm đủ vaccine

Theo thống kê của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Hà Nội hiện đang điều trị hơn 7.000 F0 tại nhà, hơn 4.700 F0 ở bệnh viện; hơn 4.800 F0 tại khu cách ly. Trong đó, hơn 3.300 F0 không triệu chứng hoặc nhẹ, bệnh nhân mức độ trung bình là hơn 1.200 người; 220 bệnh nhân nặng.

Đáng chú ý, là hiện nay số bệnh nhân dù đã tiêm ngừa đầy đủ nhưng bệnh vẫn diễn tiến nặng đang tăng nhanh. Điển hình, tại Bệnh viện Điều trị người bệnh Covid-19 trực thuộc Đại học Y Hà Nội, bác sĩ Nguyễn Minh Nguyên cho biết trong vài tuần gần đây F0 tăng nhanh, có bệnh nhân đã tiêm đủ hai mũi đang tình trạng nguy kịch phải thở máy, cần hỗ trợ về chức năng sống… Tổng F0 đang điều trị là khoảng 120 người (gồm bệnh nhân tầng 2, 3).

Trong khi đó, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (được Sở Y tế Hà Nội phân công điều trị F0 nặng) đang điều trị cho khoảng 200 bệnh nhân, một nửa là bệnh nhân nặng, thở máy, đọc toàn bản tin trên báo VnExpress.

Cạn oxy cho bệnh nhân

TP.HCM đang đối mặt với thực tế có hệ thống bồn chứa oxy nhưng không có đủ oxy để chứa để cho người bệnh, nếu không được điều tiết kịp thời.

Theo báo cáo hiện chỉ còn 5/11 đơn vị có khả năng cung cấp cho TP.HCM với lượng oxy lỏng khoảng 150 tấn/ngày, trong khi hiện các cơ sở y tế có nhu cầu sử dụng đến 170 tấn/ngày, dự báo sắp tới là 350 tấn/ngày.

Với lượng oxy cung cấp cho y tế hiện nay chỉ chiếm tỷ trọng thấp (đạt khoảng 21% so với giai đoạn cao điểm dịch), cảnh báo nguy cơ cao xảy ra tình trạng thiếu hụt oxy y tế trong thời gian tới, xem chi tiết báo Tuổi Trẻ.

Đại học Đông Đô: ‘Áp chỉ tiêu’ cấp bằng giả như bán hàng đa cấp

Bà Trần Kim Oanh, cựu hiệu phó Đại học Đông Đô cho biết, việc tuyển sinh, đào tạo và cấp văn bằng giả của nhà trường đều theo sự chỉ đạo của Trần Khắc Hùng (chủ tịch HĐQT, đang bỏ trốn).

Theo lời bà Oanh, bị can Hùng đặt ra quy định mỗi nhân viên của trường phải “môi giới, lôi kéo” mỗi năm ít nhất 4-10 hồ sơ. Điều này được quy định trong các văn bản của trường, ban hành công khai. Với mỗi hồ sơ “lôi kéo” về, nhân viên được ít nhất 7 triệu đồng.

“Đây được gọi là tiền thưởng chứ không phải tiền học viên cảm ơn”, bị cáo cho biết bản thân được trường “thưởng” cho 48 triệu đồng.

Một cựu hiệu phó khác là Lê Ngọc Hà, được hưởng lợi 100 triệu đồng, mỗi người nộp từ 29 đến 35 triệu đồng. Tổng số tiền nhận từ những học viên này là 1,8 tỷ đồng, trong đó Hà nộp 800 triệu đồng về quỹ của trường. Sau khi có xì xào về vụ việc bằng giả, một số học viên đòi lại tiền nên bị cáo trả lại 900 triệu đồng, giữ lại 100 triệu đồng, xem chi tiết trên báo PLO.

Một bệnh viện ở TP. HCM có hơn 300 y bác sĩ là F0 dù đã tiêm đủ vaccine

Trong đại dịch, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP. HCM) có hơn 300 nhân viên y tế tuyến đầu mắc Covid-19, đa số không có bệnh lý nền và đã tiêm đủ 2 mũi vaccine.

Bác sĩ Võ Đức Chiến, Giám đốc Bệnh viện, Nguyễn Tri Phương cho biết, trong đại dịch đã và đang diễn ra, BV có hơn 300 nhân viên y tế tuyến đầu bị mắc Covid-19.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, nhân viên y tế mắc Covid-19 tại BV phân bố ở nữ giới cao gấp gần 2,5 lần so với nam giới và đa phần là người trẻ (< 35 tuổi), làm công tác điều dưỡng (chiếm 50.6%).

Các F0 của BV Nguyễn Tri Phương đa số không có bệnh lý nền đi kèm (80,2%) và đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa Covid-19 (96,5%). Họ có nguy cơ cao tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây (67,3%) nên dễ nhiễm bệnh, xem chi tiết trên báo Dân Trí.

Sập cầu Cái Đôi Vàm trị giá 70 tỷ đồng: Vẫn chưa xác định được nguyên nhân

Theo VTC News, sáng 23/12, Sở GTVT tỉnh Cà Mau tổ chức họp báo cung cấp thông tin ban đầu liên quan sự cố sập công trình cầu qua sông Cái Đôi Vàm (huyện Phú Tân).

Tại buổi họp báo, ông Hồ Hoàng Tất, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Cà Mau cho biết, đến thời điểm hiện tại chưa kết luận nguyên nhân dẫn đến sự cố sập cầu Cái Đôi Vàm và phải chờ kết luận của Tổ điều tra sự cố công trình.

Theo ông Tất, trong sự cố công trình, lỗi có thể đến từ tư vấn, thiết kế hoặc thi công và không loại trừ khả năng bên dưới trụ cầu có túi bùn, việc khoan địa chất đã thực hiện đúng, nhưng khi khoan không đúng vị trí đó. Vấn đề này sẽ được điều tra, đánh giá, làm rõ đúng theo quy định.