Tuy đang mùa hè nhưng số ca bệnh mắc cúm A ở Hà Nội có dấu hiệu gia tăng, xuất hiện ổ dịch; nhiều trường hợp phải cấp cứu chỉ sau vài tiếng xuất hiện triệu chứng đầu tiên.

Xét về mặt dịch tễ, cúm A là bệnh lý thường xuất hiện vào mùa đông, khi thời tiết lạnh. Tuy nhiên, trong thời điểm mùa hè năm nay số lượng người mắc cúm A tăng lên sớm hơn, thậm chí tạo thành các ổ dịch, chuỗi lây truyền. Đáng nói, một số trường hợp còn diễn biến nặng, nguy kịch.

Đã xuất hiện ổ dịch cúm A

Bác sĩ Nguyễn Nguyên Huyền, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương chia sẻ với Zing, cho biết bệnh viện vừa tiếp nhận cùng lúc 20 trường hợp là công nhân tại một khu công nghiệp trên địa bàn huyện Đông Anh, có độ tuổi từ 20 đến 30 tới khám.

“Tất cả bệnh nhân này đều có biểu hiện sốt, đau họng, hắt hơi. Sau khi test nhanh, hầu hết đều cho kết quả dương tính với cúm A”, bác sĩ Huyền nói. Những bệnh nhân này còn cho hay trong khu công nghiệp của họ có rất nhiều trường hợp xuất hiện triệu chứng tương tự với mức độ nặng nhẹ khác nhau, ước lượng con số phải lên tới hàng trăm người.

Một ngày sau đó, bác sĩ Huyền tiếp tục thăm khám cho hơn 10 trường hợp trẻ em là người thân của nhóm công nhân này, cũng với các biểu hiện của cúm A. Thống kê lại, chỉ khoảng 2 tuần gần đây, số lượng bệnh nhân cúm A tới khám tại bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã tăng cao với tổng cộng gần 100 trường hợp. 

Bệnh nhân nữ diễn biến nặng do cúm A hiện phải thở máy (ảnh Bệnh viện cung cấp).

Nhiều trường hợp diễn biến nặng

Báo Kinh tế & Đô thị cũng đưa tin, tại Bệnh viện (BV) Nhi Trung ương, chỉ chưa đầy một tháng, BV đã phải chỉ định cho gần 100 bệnh nhi mắc cúm A nhập viện theo dõi. Chị Nguyễn Thị Nhung (phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm) vừa chăm sóc con trai 5 tuổi vừa chia sẻ: “Con bị sốt kéo dài một ngày kèm triệu chứng của cảm cúm. Tôi cho con uống thuốc hạ sốt nhưng con vẫn không đỡ. Tôi cứ nghĩ con bị cúm thông thường. Bởi vì ở nhà thỉnh thoảng con cũng bị cúm, hắt hơi, sổ mũi, điều trị thuốc vài ngày là khỏi”.

TS Đỗ Thiện Hải – Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, BV Nhi Trung ương cho biết: “Nhiều trường hợp lúc đầu mắc cúm, sau đó khoảng vài ngày bắt đầu viêm phổi do vi khuẩn. Một biến chứng cũng nguy hiểm gần đây cũng xuất hiện nhiều hơn, đó là viêm não sau khi mắc cúm. Chúng tôi cũng đã ghi nhận một số trường hợp, sau khi mắc cúm khoảng 3-5 ngày thì có các biểu hiện tổn thương thần kinh trung ương. Đơn cử như trẻ có biểu hiện lơ mơ, li bì, co giật…”.

Không chỉ với bệnh viện tuyến Trung Ương, mà tại các bệnh viện đa khoa cấp quận hoặc tư nhân cũng xuất hiện nhiều ca bệnh. Tại BV Đa khoa Đống Đa, trong vài tuần vừa qua, bệnh nhân nhập viện vì cúm A tại khoa Truyền nhiễm tăng vọt, có trường hợp phải theo dõi đặc biệt.

Bác sĩ Nguyễn Thái Minh – Trưởng khoa Truyền nhiễm, BV Đa khoa Đống Đa cho biết, thông thường hàng năm, BV chỉ tiếp nhận một vài ca nhưng thời điểm này đã lên hơn 5 ca nhập viện điều trị mỗi ngày. Số lượng người bệnh nghi ngờ nhiễm cúm A đến khám tại phòng khám truyền nhiễm trung bình là 10 đến 20 trường hợp mỗi ngày.

“Các bệnh nhân cúm A nhập viện đều trong tình trạng sốt rất cao, mệt mỏi. Đặc biệt có bệnh nhân bị viêm phổi, bệnh nhân tập trung vào các nhóm người như trẻ em, người cao tuổi có bệnh lý nền” – bác sĩ Nguyễn Thái Minh thông tin.

Tương tự, ghi nhận tại BV Đa khoa Tâm Anh, Hà Nội, trong vài tuần qua, số bệnh nhân nhập viện vì cúm A tăng đột biến, đủ mọi lứa tuổi, nhiều trường hợp phải cấp cứu chỉ sau vài tiếng xuất hiện triệu chứng đầu tiên. 

Nhập viện cấp cứu sau trận sốt “chớp nhoáng”, chị M.A. (quận Long Biên) được xác định mắc cúm A. “Ban đầu tôi cảm thấy bị sốt và rét, đau buốt xương và nhức người. Cứ nghĩ mình bị tái nhiễm Covid-19 chủng mới nhưng khi làm test nhanh tại nhà lại cho kết quả âm tính. Tôi sốt 39 – 40 độ C, uống thuốc hạ sốt lại không giảm. Sau 8 giờ đồng hồ, tôi từ người khỏe mạnh phải nhập viện cấp cứu vì sốt cao” – chị M.A. chia sẻ. 

Chủ động phòng, chống cúm A trái mùa

Theo các chuyên gia y tế, số bệnh nhân cúm A tăng vào mùa hè như hiện nay là bất thường so với mọi năm. Lý do là virus cúm không phát triển và gây bệnh trong thời tiết khô, nóng, mà thường sinh sôi mạnh vào mùa đông – xuân khi tiết trời lạnh, nồm ẩm. Với những nhóm đối tượng có hệ miễn dịch yếu như người cao tuổi, phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ, bệnh lý này có thể xảy ra ở tất cả thời điểm trong năm. Tuy nhiên trước đây các ca bệnh vào thời điểm này chỉ xuất hiện lác đác không đáng kể.

Bác sĩ Bệnh viện Thanh Nhàn thăm khám cho bệnh nhân mắc cúm A (ảnh chụp màn hình báo Kinh Tế và Đô Thị).

Bác sĩ Nguyễn Thu Hường Trưởng khoa Bệnh nghề nghiệp, phụ trách công tác chống dịch BV Thanh Nhàn khuyến cáo, cúm A là bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp, giống như Covid-19. Để phòng bệnh, người dân vẫn cần đeo khẩu trang, giữ khoảng cách và hạn chế tiếp xúc đông người ở các hội họp đám đông, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang lưu hành.

Hiện cúm mùa đã có vaccine phòng bệnh, người dân nên tiêm vaccine cúm mùa, vì đây là biện pháp dự phòng hiệu quả.

Đồng quan điểm, TS Đỗ Thiện Hải – Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, BV Nhi Trung ương lưu ý, cúm A là bệnh rất dễ lây lan, người nào cũng có thể mắc, đặc biệt tại những nơi tập trung đông người như các lễ hội mùa Xuân, trường học, khu vui chơi…

Biện pháp phòng bệnh hiệu quả là tiêm vaccine phòng cúm hàng năm. Mỗi cá nhân ăn uống khoa học để có sức đề kháng, giữ gìn vệ sinh cá nhân và môi trường sống. Đặc biệt là đối với trẻ nhỏ phải đeo khẩu trang khi đi ra ngoài để hạn chế lây nhiễm.

Có thể bạn quan tâm: