Cuộc tập trận Lá chắn Garuda của Mỹ và Indonesia sắp tới sẽ khiến Trung Quốc bất bình, không chỉ vì quy mô diễn tập mở rộng tới Biển Đông, mà còn vì sự kiện này thu hút một lượng lớn các nước tham gia.

Asia Times nhận định: Chính sách đối ngoại của Indonesia vẫn đi theo hướng trung lập, nhưng quân đội nước này đang nghiêng về Hoa Kỳ và phương Tây hơn bao giờ hết trong bối cảnh lo ngại về Trung Quốc.

Theo Asia Times, một biểu hiện cho thấy điều đó là cuộc tập trận mà Indonesia tham gia vào tháng 8 sắp tới. Lần đầu tiên cuộc tập trận này sẽ có quy mô bao trùm Biển Đông.

Các cuộc diễn tập Lá chắn Garuda của Indonesia-Hoa Kỳ bắt đầu từ năm 2009. Trong năm nay, nó sẽ có thêm sự tham gia của 8 quốc gia khác, bao gồm Úc, Canada, Nhật Bản, Malaysia, Singapore, Anh, Papua New Guinea và Timor Leste.

Chương trình diễn tập bao gồm các hoạt động trên bộ, trên biển và trên không, tập trung vào nam Sumatra và Đông Kalimantan. Ngoài ra, các lực lượng còn diễn tập đổ bộ vào quần đảo Natuna (Indonesia), gần khu vực mà các hải cảnh và tàu khảo sát Trung Quốc đã xâm phạm vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Indonesia vào năm ngoái.

Một nguồn tin quân sự nước ngoài cho rằng cuộc tập trận năm nay là một “thử nghiệm” cho việc mở rộng vĩnh viễn các cuộc tập trận Lá chắn Garuda. Đó là điều mà Mỹ và Indonesia đã “khắc khoải” từ lâu và giờ đây khả năng nó sắp thành hiện thực, theo Asia Times.

Các nhà phân tích cho rằng một Lá chắn Garuda đa quốc gia như vậy “chắc chắn sẽ khiến Bắc Kinh phẫn nộ”.

Khác với các cuộc tập trận trước kia, cuộc tập trận năm nay mở rộng quy mô ra Biển Đông, một động thái khiến Trung Quốc buộc phải cảnh giác.

Australia, New Zealand và Micronesia đã cảnh giác trước các động thái gần đây của Trung Quốc nhằm thiết lập một hiệp ước an ninh với quần đảo Solomon. Với hiệp ước này, Trung Quốc có thể cử quân đội, cảnh sát tới vùng lãnh thổ cách bờ biển Đông Bắc của Australia khoảng 1.600 km.