Có một ngôi làng trường thọ ở An Giang, nơi các cụ ông cụ bà dù đã ở tuổi 70, 80 vẫn lao động kiếm tiền. Nhiều người cho rằng bí quyết sống thọ của các cụ là ăn chay trường, làm từ thiện và giữ tư duy tích cực.
- Bạn có thể mua toàn bộ ngôi làng ở Tây Ban Nha, với giá thấp hơn một căn hộ ở London
- Ngôi làng cổ đại lấy mái nhà làm đường, không có xe ôtô qua lại
Ghi nhận của PV báo Người Lao Động, trưởng ấp Nguyễn Văn Sơn cho biết từ 3 đời trở lại đây, người dân ấp Nhơn An xã Nhơn Mỹ, huyện Chợ Mới (An Giang) đã sống thọ hơn trước rất nhiều. Mặc dù tuổi cao nhưng hầu hết các cụ ông cụ bà có lối sống rất trẻ trung và có sức khỏe đặc biệt.
Cụ ông Lê Quang Bảo ngụ ấp Mỹ Bình đã bước qua tuổi 101 nhưng vẫn có thể đi lại nhanh nhẹn và minh mẫn. Cụ còn có thú vui là chăm vườn, nuôi cá và chơi kiểng. Dù đã bước vào tuổi “xưa nay hiếm” nhưng có lẽ do cụ duy trì thói quen ăn uống điều độ, vận động mỗi ngày nên trông cụ Bảo chỉ như 80 tuổi.
Chia sẻ với PV Dân Trí, cụ cho biết, trước đây cụ là người đứng ra vận động và đóng góp cho các công trình xây dựng đình, chùa, đường sá… Bây giờ dù đã già, cụ vẫn ủng hộ tiền của, vật chất khi đội từ thiện cần.
70, 80 tuổi vẫn là lao động chính
Ông Sơn kể, thanh niên trong làng đi làm ăn xa, nên đất này thiếu lao động trầm trọng. Các cụ ở ngưỡng 70, 80 tuổi vẫn là thành phần lao động chính của ấp. “Tầm tuổi ấy vẫn chưa phải là già, đi làm công, sức vóc thanh niên có khi còn theo không kịp”, ông Sơn cho biết thêm.
Nơi đây, nhiều cụ ông, cụ bà đi làm gạch thuê cho các lò, đi cuốc mướn, có người đi chạy xe ba gác… Một cụ ông trong ấp cho biết, nghề chính của người dân ở đây là đánh cá, làm gạch xây dựng. Lớp trẻ học hành xong thì ra ngoài kiếm việc, do vậy lao động ở quê chủ yếu là những người có tuổi.
Cụ ông dí dỏm kể: “Chúng tôi chẳng cần tốn thời gian thể dục, chúng tôi lao động vừa có tiền mà còn khỏe hơn cánh thanh niên mới lớn rượu chè tối ngày”.
Điều bất ngờ là thu nhập từ công việc tay chân của các cụ thuộc hàng khá cao. Ghi nhận của PV Người Lao động, cụ Lương, cụ Tiến làm lao động chân tay nhưng trung bình mỗi ngày lao động, họ kiếm được 500 nghìn đồng. Mấy cụ đi phun thuốc trừ sâu lương triệu bạc mỗi ngày. Thu nhập ổn định giúp cuộc sống các cụ no ấm, gia đình hạnh phúc.
Bí quyết sống lâu: Ăn chay và làm từ thiện
Sống thọ ở xứ này đã có “truyền thống” cả thế kỷ. Người dân ở đây lam lũ quanh năm. Từ khi còn trẻ và ngay cả đến tuổi già, nhiều người vẫn phải vất vả mưu sinh. Do vậy, nhiều người nói, có khi nghèo khổ, lao động không ngừng chính là bí quyết trường thọ của người dân ấp Nhơn An.
Một số người thì cho rằng, Nhơn An nằm dưới chân đất Phật (núi Cấm), nên được ban ân phước. Ngoài ra cũng có người lý giải, ăn chay và làm từ thiện là bí quyết sống thọ của các cụ ông, cụ bà nơi đây, bởi trong ấp có nhiều cụ thích làm từ thiện.
Ông Lê Văn Thơm 60 tuổi đã có hơn 20 năm làm từ thiện. Mặc dù ông chỉ làm lao động tay chân như chạy xe mướn hay khuân vác ở lò gạch nhưng hễ nghe cây cầu hoặc khúc đường nào trong xã bị hư hỏng, ông đều tìm tới sửa chữa ngay.
Ông Nguyễn Văn Nô, Trưởng ban điều hành Bệnh viện tình thương Nhơn Mỹ cho biết, bệnh viện này từ hơn 5 năm qua đã giúp chữa bệnh miễn phí cho hàng ngàn người từ khắp nơi. Ở đây có 8 vị lương y tuổi từ 55 – 73 tuổi, tất cả đều làm việc trên tinh thần tự nguyện.
Ông Nô chia sẻ “Ngoài làm từ thiện, đa phần người lớn tuổi ở ấp Nhơn An nói riêng và xã Nhơn Mỹ nói chung đều ăn chay trường từ rất sớm. Họ duy trì cách sống lành mạnh, hạn chế rượu bia. Luôn giữ tinh thần lạc quan và giúp đỡ người khác nên có thể đây chính là lí do khiến người già ở đây đặc biệt trẻ lâu hơn”.
Theo thống kê mới, toàn xã hiện có 1832 hội viên người cao tuổi, trong đó có 6 cụ 100 tuổi trở lên còn sống.
Có thể thấy, có rất nhiều lý do cho việc các cụ ở ngôi làng này sống thọ, từ chế độ ăn, môi trường trong lành, đến việc các cụ luôn giữ cho mình thái độ tích cực, vui vẻ và mang tâm nguyện muốn giúp đỡ người khác. Hy vọng rằng câu chuyện về ngôi làng trường thọ ở An Giang này sẽ giúp truyền cảm hứng về một lối sống lành mạnh, mang lợi ích cho cộng đồng đến nhiều người hơn nữa.