Liên Hợp Quốc đã đình chỉ Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền trong một cuộc bỏ phiếu hôm 7/4. Trung Quốc phản đối và cho rằng nghị quyết sẽ làm chia rẽ các thành viên.

Theo Nikkei, ngày 7/4 Liên Hợp Quốc (LHQ) đã lấy ý kiến của các quốc gia thành viên về dự thảo loại Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền. Theo đó, có 93 phiếu thuận, 24 phiếu chống (trong đó có Nga, Trung Quốc) và 58 phiếu trắng.

Trung Quốc chỉ trích LHQ loại Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền

Dự thảo nghị quyết do phương Tây dẫn đầu bày tỏ “mối quan ngại nghiêm trọng liên quan đến các báo cáo về ‘vi phạm và lạm dụng nhân quyền một cách toàn diện và có hệ thống’ và ‘vi phạm luật nhân đạo quốc tế'” của Nga trong cuộc chiến ở Ukraine.

Sau cuộc bỏ phiếu, Phó đại diện thường trực thứ nhất của Nga tại Liên Hợp Quốc, Dmitry Polansky, tuyên bố Nga sẽ rút khỏi Hội đồng Nhân quyền trước khi hết nhiệm kỳ vào năm 2023.

Cuộc bỏ phiếu diễn ra sau những cáo buộc gần đây về việc quân đội Nga giết hại dân thường ở Bucha, ngoại ô Kyiv. Các báo cáo về hành vi tàn bạo và hình ảnh các thi thể trên đường phố đã làm dấy lên sự phẫn nộ đối với Moscow.

Đại sứ Ukraine tại Liên hợp quốc, Sergiy Kyslytsya kêu gọi các quốc gia thành viên ủng hộ nghị quyết, nhắc nhở họ về những vi phạm nhân quyền dẫn đến nạn diệt chủng ở Rwanda.

Nga đã bác bỏ các cáo buộc. Phát biểu trước cuộc bỏ phiếu, Phó đại diện thường trực Gennady Kuzmin gọi nghị quyết là một ví dụ về “chủ nghĩa thực dân nhân quyền” của Mỹ.

Trước thềm cuộc bỏ phiếu, Đại sứ Trung Quốc Trương Quân nói rằng “một động thái vội vàng như vậy sẽ làm trầm trọng thêm” sự chia rẽ giữa các quốc gia thành viên.

Nga đe dọa các quốc gia ủng hộ nghị quyết

Hội đồng Nhân quyền có 47 quốc gia thành viên. Mỗi nhiệm kỳ của thành viên kéo dài 3 năm. Các quốc gia có thể bị đình chỉ khỏi hội đồng bởi đa số thành viên có quyền biểu quyết của Đại hội đồng (gồm 193 thành viên) nếu họ bị phát hiện có “vi phạm nghiêm trọng và có hệ thống đối với nhân quyền”.

Hãng Reuters đưa tin ngày 6/4 Nga đã cảnh báo các quốc gia khác rằng việc bỏ phiếu “đồng ý” loại bỏ hoặc bỏ phiếu trắng sẽ được hiểu là một “cử chỉ không thân thiện”, và sẽ được “tính đến trong quá trình phát triển quan hệ song phương và những vấn đề quan trọng” đối với mỗi quốc gia trong khuôn khổ Liên hợp quốc.

Andrejs Pildegovics, Đại sứ Liên Hợp Quốc từ Latvia và nhà tài trợ chính của nghị quyết, ngày 5/4 đã đăng Twitter rằng đó là một “hành động phản bội và đáng hổ thẹn khi có một nhà nước xâm lược” trong hội đồng.

Đầu tháng 3 nghị quyết của Đại hội đồng nhằm kêu gọi quân đội Nga rút khỏi Ukraine và một nghị quyết khác vào cuối tháng 3 về tình hình nhân đạo, đã giành được lần lượt 141 và 140 phiếu thuận.