Vụ chìm soái hạm Moskva đã đẩy Nga vào tình thế khó khăn. Thổ Nhĩ Kỳ trở thành nút thắt trong vấn đề liên quan tới Nga. Giới quan sát cho rằng việc Thổ Nhĩ Kỳ, vốn là thành viên NATO, chống lại Nga có thể dẫn tới thế chiến 3. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ có 2 lý do để không chống lại Nga.
Tóm tắt nội dung
Soái hạm Moskva bị chìm và tình thế của Nga
Phía Nga đã xác nhận chiếc tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường Moskva bị đắm. Kể từ đó, Nga đã phần nào trở nên e ngại về hạm đội Biển Đen của mình.
Ngày 16/4, tờ Nikkei Asia trích dẫn ý kiến của quan chức quốc phòng Mỹ nói rằng, sau vụ đắm tàu, Moscow đã ngay lập tức di chuyển bốn đến năm tàu còn lại của họ ở vùng biển đó về phía nam và xa Ukraine hơn.
Nếu thông tin này là thật, đồng nghĩa với việc đã có gì đó rất lớn đã xảy ra ở Biển Đen và Moscow đang lo ngại. Vì vậy, họ đã di chuyển ngay lập tức để bảo toàn lực lượng và thực hiện điều chỉnh trong khu vực này; bao gồm việc điều động một tàu chiến mới để thay thế Moskva và rút lui các tài sản dễ bị tổn thương ra khỏi Biển Đen đến Địa Trung Hải.
Mà điều này chỉ thực hiện được khi Thổ Nhĩ Kỳ mở cửa eo biển Bosporus và Dardanelles.
Thổ Nhĩ Kỳ – cường quốc chính kiểm soát tuyến đường Biển Đen-Địa Trung Hải
Nhìn trên bản đồ, chúng ta sẽ thấy, vị trí địa lý của Thổ Nhĩ Kỳ nằm ngay bên kia Biển Đen và kiểm soát đường biển từ Biển Đen đến Địa Trung Hải.
Vì vậy, nếu một con tàu muốn đi từ Biển Đen ra Địa Trung Hải và ngược lại, nó phải đi qua hai eo biển Thổ Nhĩ Kỳ – Bosphorus và Dardanelles. Công ước Montreux năm 1936 cho phép Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát tuyến đường thủy giữa Biển Đen – nơi đóng quân của lực lượng hải quân Nga – và Biển Địa Trung Hải và hơn thế nữa.
Nó đặt ra các giới hạn đối với việc đi lại của các tàu dân sự và tàu chiến quân sự qua eo biển Dardanelles và eo biển Bosporus, nơi kết nối với Biển Marmara. Chúng tạo thành liên kết hàng hải giữa Biển Đen và Địa Trung Hải.
Giờ đây, Công ước Montreux đang đóng một vai trò quan trọng trong cuộc xung đột Ukraine. Ukraine đã yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ đóng cửa eo biển đối với các tàu chiến của Nga, nêu bật vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc gìn giữ hòa bình khu vực. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã đồng ý vào ngày 28/2/2022. Tuy nhiên, một số tàu chiến của Nga đã đi vào Biển Đen vào đầu tháng Hai. Và Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẽ không ngăn cản các tàu chiến của Nga tiến vào Biển Đen nếu Nga tuyên bố rằng họ đang quay trở lại cảng quê hương của họ.
Bốn yếu tố chính trong Công ước Montreux quy định những tàu nào có thể vào Biển Đen trong thời chiến:
1.Thổ Nhĩ Kỳ có thể đóng eo biển đối với tàu chiến của các bên hiếu chiến trong thời chiến hoặc khi chính Thổ Nhĩ Kỳ là một bên tham chiến hoặc bị đe dọa bởi sự xâm lược từ quốc gia khác.
2. Thổ Nhĩ Kỳ có thể đóng cửa eo biển đối với các tàu buôn thuộc các nước có chiến tranh với Thổ Nhĩ Kỳ.
3. Bất kỳ quốc gia nào có bờ biển trên Biển Đen – Romania, Bulgaria, Georgia, Nga hoặc Ukraine – phải thông báo cho Thổ Nhĩ Kỳ trước 8 ngày về ý định đưa tàu chiến qua eo biển này. Các quốc gia khác, những quốc gia không có biên giới với Biển Đen, phải thông báo trước cho Thổ Nhĩ Kỳ 15 ngày. Chỉ các quốc gia Biển Đen mới có thể gửi tàu ngầm qua eo biển, chỉ khi có thông báo trước và chỉ khi các tàu này được đóng hoặc mua bên ngoài Biển Đen.
4. Chỉ có chín tàu chiến được phép đi qua eo biển cùng một lúc và có giới hạn về kích thước của các tàu, cả riêng lẻ và theo nhóm. Không có nhóm tàu nào có thể vượt quá 15.000 tấn. Các tàu chiến hiện đại rất nặng, với các tàu khu trục nhỏ khoảng 3.000 tấn và các tàu khu trục và tàu tuần dương khoảng 10.000 tấn. Hàng không mẫu hạm hiện đại là quá lớn để đi qua và dù sao cũng không được phép theo quy định của Thổ Nhĩ Kỳ.
Thổ Nhĩ Kỳ đã sử dụng quyền hạn của công ước trước đây. Trong Thế chiến thứ hai, Thổ Nhĩ Kỳ đã đóng cửa eo biển đối với tàu chiến của các quốc gia tham chiến. Điều đó đã ngăn cản phe Trục gửi tàu chiến của họ tấn công Liên Xô – và ngăn không cho hải quân Liên Xô tham chiến ở Địa Trung Hải. Phe Trục gồm các nước như Đức, Ý, Nhật… chống lại lực lượng Đồng Minh trong Chiến tranh thế giới thứ 2.
Trong tình hình hiện nay, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đang ở thế khó, vì cả Ukraine và Nga đều là những đối tác quan trọng trong các thỏa thuận thương mại quân sự và năng lượng quan trọng. Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên NATO từ năm 1952, muốn tăng cường quan hệ với phương Tây trong khi không làm mất lòng Nga.
Và Thổ Nhĩ Kỳ đã đóng cửa hai eo biển này từ cuối tháng Hai khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự tại Ukraine. Điều này giúp giữ chân hạm đội Biển Đen của Hải quân Nga một cách hiệu quả. Hiện tại, 4-5 tàu chiến của Nga đang được triển khai ở Biển Đen nhưng chúng không thể di chuyển ra ngoài cũng như không thể bổ sung hạm đội bằng các khí tài hải quân khác của Nga.
Trong tình huống này, rất có thể Moscow sẽ yêu cầu chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ một cách không chính thức để mở hai eo biển cho các tàu chiến của họ. Và nếu chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ kiên quyết từ chối, điều này đang đặt Moscow vào một tình thế rất khó xử trong khu vực Biển Đen. Nga muốn tiếp quản cảng biển Odesa của Ukraine, vốn đóng vai trò là tài sản hàng hải chiến lược trong khu vực.
Trong khi đó, Mỹ cũng đang kích động Thổ Nhĩ Kỳ kiên quyết trong việc đóng cửa 2 eo biển thuộc thẩm quyền của mình. Đối với Moscow, đây rõ ràng là một bất lợi. Họ phải tìm cách đột phá qua eo biển Thổ Nhĩ Kỳ. Hoặc bằng cách đàm phán một thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ hoặc nếu Thổ Nhĩ Kỳ không đồng ý, buộc Nga phải sử dụng các biện pháp tấn công.
Và điều gì sẽ xảy ra nếu Nga tấn công Thổ Nhĩ Kỳ ? Theo Điều 5 Nguyên tắc của NATO, thì NATO sẽ trực tiếp tham chiến để bảo vệ Thổ Nhĩ Kỳ. Điều này đồng nghĩa với việc, Nga-NATO sẽ chuyển sang cuộc chiến trực diện. Đây là điều mà không ai trong chúng ta mong muốn. Vì nó có thể dẫn tới thế chiến thứ 3.
2 lý do khiến Thổ Nhĩ Kỳ có thể không lựa chọn đối đầu với Nga
Thứ nhất: Công chúng Thổ Nhĩ Kỳ chống lại NATO
Cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine đã làm chia rẽ xã hội Thổ Nhĩ Kỳ, khi các phương tiện truyền thông chính thống đưa tin về các tướng lĩnh và nhà bình luận đã nghỉ hưu, những người đổ lỗi cho cuộc chiến là sự bành trướng về phía đông của Washington và NATO.
Vào ngày 13/4, tờ Middle East Eye đã đăng tải một báo cáo có tựa đề: Các tướng lĩnh Thổ Nhĩ Kỳ trong chương trình trò chuyện trên truyền hình đã khiến công chúng chống lại NATO.
Trong khi chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục cung cấp máy bay không người lái có vũ trang, đạn dược cho Kyiv và chính thức chỉ trích Nga, thì các đài truyền hình của nước này lại đồng loạt đăng tải những quan điểm của những chuyên gia không tin tưởng NATO và Hoa Kỳ. Họ tin rằng Nga đã bị các cơ quan tình báo phương Tây kích động vào cuộc chiến và chính Nga là nạn nhân. Đáng chú ý là có khoảng 61% người Thổ Nhĩ Kỳ xem tin tức qua tivi.
Báo cáo Middle East Eye trích dẫn ý kiến của một đô đốc nổi tiếng. Ông ta coi chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine là ” bước đi để chấm dứt thời đại chủ nghĩa Đại Tây Dương của chủ nghĩa đế quốc “. Một số chuyên gia khẳng định rằng chiến thắng của Nga ở Ukraine sẽ khiến Thổ Nhĩ Kỳ phấn khích, những người khác cho rằng Moscow không tàn sát người dân và trên thực tế đang mở ra cơ hội hòa bình bằng cách không chiếm Kyiv, mặc dù rõ ràng quân đội Nga đã không chiếm được thành phố này.
Việc tất cả các tướng lĩnh và đại tá đã nghỉ hưu xuất hiện trên truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ hầu như đều có thiện cảm với Nga, điều này đã có tác động rất lớn tới công chúng nước này.
Đường lối ủng hộ Nga trên các phương tiện truyền thông đã gây ra phản ứng công khai trong một loạt các bài báo và tweet của hai đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ đã nghỉ hưu, Selim Ku Tangp và Tunc Ugdul, những người trong những năm gần đây giữ các vị trí ngoại giao quan trọng.
Họ cho biết họ vô cùng thất vọng vì sự thật bị bóp méo.
Ku Tangp nói với Middle East Eye: Đây là kết quả của phong trào chống phương Tây ngày càng tăng kéo dài suốt ba thập kỷ.
Một trong những người bạn thân của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ là doanh nhân Ethem Sancak, xuất hiện trên một đài truyền hình của Nga nói rằng việc trở thành thành viên NATO của Thổ Nhĩ Kỳ là điều đáng xấu hổ.
“Họ đã lật đổ tất cả các nhà lãnh đạo của chúng tôi,” vị doanh nhân này nói với RBK TV vào tháng trước. “Thủ phạm chính trong vấn đề Ukraine là Nato. Nó là một căn bệnh ung thư. Chúng tôi sẽ không tham gia các lệnh trừng phạt chống lại Nga vì nếu Nga sụp đổ, Thổ Nhĩ Kỳ có thể bị chia cắt ”.
Ngày 2/4, truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ đã phát hành bản thu âm có giọng nói của ông Sancak. Ông nói rằng TT Thổ nhĩ kỳ Erdogan và đảng của ông đã được đưa lên nắm quyền nhờ Washington.
Như vậy có thể thấy, sự hiện diện rộng rãi của các giọng nói thân Nga trên truyền hình Thổ Nhĩ Kỳ đã gây ảnh hưởng lớn đến công chúng.
Báo cáo của Middle East Eye cũng đưa ra kết quả của một cuộc thăm dò hồi tháng 3 do Metropoll thực hiện. Kết quả chỉ ra rằng 48% công chúng Thổ Nhĩ Kỳ nghĩ rằng Mỹ và NATO phải chịu trách nhiệm về tình hình ở Ukraine.
Khoảng 7,5% đã đổ lỗi cho chính phủ Ukraine. Chỉ có 33,7% cho rằng Nga chịu trách nhiệm.
Ozer Sancar, tổng giám đốc của Metropoll, nói với Middle East Eye rằng phong trào chống phương Tây phổ biến trong các đảng chính trị ở Thổ Nhĩ Kỳ, cho dù họ là cánh hữu hay cánh tả.
Thứ 2: Thổ Nhĩ Kỳ cần Nga
Nói về vấn đề này, chúng ta cần phải chú ý tới mối quan hệ của 2 nước này từ trước đến nay. Sự kiện Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan xin lỗi Nga về vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay chiến đấu của Nga vào tháng 11 năm 2015.
Quyết định xin lỗi của ông Erdogan xuất phát từ các vấn đề kinh tế, an ninh và chính sách đối ngoại. Khi đó, mối quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ đã đi xuống, và kéo dài trong hơn sáu tháng. Sau đó, Erdogan buộc phải thừa nhận rằng Thổ Nhĩ Kỳ cần Nga cho các mối quan hệ kinh tế quan trọng, củng cố khả năng của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ để đối phó với các mối đe dọa an ninh ở Syria và là đối trọng với chính phủ Mỹ và châu Âu. Khi mối quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với các đồng minh phương Tây vẫn căng thẳng và cuộc khủng hoảng Syria tiếp tục, Ankara sẽ tìm cách tránh làm tổn hại quan hệ với Moscow một lần nữa. Erdogan đã rất nỗ lực để ngăn chặn sự chia rẽ, giống như Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đã làm trong quá khứ.
Sự phụ thuộc của Thổ Nhĩ Kỳ vào Nga thể hiện cụ thể ở các mặt như sau:
Về mặt kinh tế: Thổ Nhĩ Kỳ tránh quay trở lại căng thẳng với Moscow vì Nga đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ. Sự phụ thuộc này thể hiện trong các ngành du lịch, nông nghiệp và xây dựng. Trước đây, ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề khi Moscow đình chỉ du lịch miễn thị thực với Thổ Nhĩ Kỳ, ngừng các chuyến bay đến Thổ Nhĩ Kỳ, cấm các công ty lữ hành bán các gói kỳ nghỉ Thổ Nhĩ Kỳ và cấm các công ty du lịch Thổ Nhĩ Kỳ hoạt động ở Nga.
Người Nga chiếm 10% du khách nước ngoài đến Thổ Nhĩ Kỳ trong năm 2015 và việc cấm vận này đã làm trầm trọng thêm mức suy giảm của ngành du lịch Thổ Nhĩ Kỳ. Các ngành nông nghiệp và xây dựng của Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nếu mối quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ đi xuống. Vì Thổ Nhĩ Kỳ xuất khẩu số lượng lớn thực phẩm và nông sản sang Nga.
Vấn đề năng lượng: Nga vẫn là nhà cung cấp khí đốt lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ. Vào thời điểm mà Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay của Nga, vấn đề năng lượng cũng phải đối mặt với những tác động từ vụ bắn hạ. Vào cuối năm 2015, Nga đã đình chỉ thỏa thuận xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ và kế hoạch cho dự án đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ.
Thổ Nhĩ Kỳ cần thêm nguồn năng lượng và mong muốn phát triển đất nước với nền công nghiệp năng lượng làm trung tâm. Nước này đã ưu tiên cả hai dự án với Nga để giữ cho các mối quan hệ đi đúng hướng. Chúng ta biết rằng, Iran là đồng minh thân cận của Nga, nếu Thổ Nhĩ Kỳ kiên quyết chống Nga, thì Iran cũng sẽ từ chối cung cấp khí đốt cho Thổ Nhĩ Kỳ. Điều này khiến ngành công nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ đối mặt với một cuộc khủng hoảng chưa từng có. Hồi tháng 1 năm nay, Thổ Nhĩ Kỳ đã ra lệnh cho các khu công nghiệp và nhà máy điện cắt giảm việc sử dụng khí đốt và cũng nói rằng họ sẽ phải cắt giảm nguồn cung cấp năng lượng.
Các đại diện của ngành công nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ cho biết tất cả những điều này sẽ dẫn đến việc sản xuất bị đình trệ. Thổ Nhĩ Kỳ đang lao đao vì tình trạng thiếu khí đốt do Iran cắt nguồn cung cấp khí đốt trong 10 ngày. Việc Iran cắt giảm nguồn cung cấp khí đốt là có liên quan đến hành vi Erdoğan đối đầu với Nga.
Vấn đề an ninh: Những lo ngại về an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ cũng đóng một vai trò quan trọng trong mối quan hệ của Ankara với Moscow. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng thất vọng với Hoa Kỳ và chính sách Syria của phương Tây. Việc Hoa Kỳ không muốn đối đầu trực tiếp với các lực lượng của chế độ Syria, trọng tâm là chống lại ISIS và sự hợp tác của phương Tây với các đội quân người Kurd trong khu vực đã khiến Erdogan càng thêm thất vọng.
Vào năm 2016, khi người Kurd mở rộng quyền kiểm soát dọc theo biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria và Hoa Kỳ lại xem xét trang bị vũ khí cho họ, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã trở nên lo lắng, vì Ankara không muốn có một khu vực tự trị của người Kurd gần biên giới, vì nó sẽ làm gia tăng nguy cơ đe dọa an ninh biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Khi đó Erdogan biết rằng nếu muốn chống lại sự mở rộng của những khu vực tự trị ở Syria, ông cần phải làm việc với Moscow.
Về vấn đề đối ngoại: ông Erdogan cũng coi Nga là một đối trọng hữu ích trong quan hệ với phương Tây. Khi Erdogan từng vun đắp và cải thiện mối quan hệ với Putin, ông đã thực hiện một cách tiếp cận cứng rắn hơn với châu Âu. Erdogan có thể muốn báo hiệu với người châu Âu rằng Thổ Nhĩ Kỳ có các đồng minh khác nếu các đối tác phương Tây không ủng hộ họ.
Sự khó chịu của Erdogan được bộc lộ trước việc Washington tiếp tục ủng hộ thế lực đe dọa tới an ninh biên giới của mình, sự tức giận của ông ta trước thái độ của các chính phủ châu Âu và vai trò chủ chốt của Nga trong cuộc khủng hoảng Syria sẽ thúc đẩy Ankara duy trì và có khả năng mở rộng quan hệ tích cực với Moscow.
Tất cả những điều này cho thấy, chính phủ Erdogan sẽ không dại dột gì mà quay lưng với lợi ích quốc gia để làm hài lòng các nước phương Tây. Mặc dù, trong cuộc khủng hoảng UKraine, Thổ Nhĩ Kỳ đã cố gắng không làm mất lòng cả 2. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ buộc phải lựa chọn.
Mối quan hệ giữa Erdogan và Putin ở một mức độ nào đó vẫn chưa hoàn toàn là tin tưởng. Do đó, nếu Erdogan coi đây là cơ hội để tạo sự tin tưởng trong mối quan hệ đối tác thì không biết chừng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đứng về phía Nga. Nếu điều này xảy ra, thì coi như Ukraine xong rồi. Còn nếu Thổ Nhĩ Kỳ kiên quyết tới cùng, thì lợi ích quốc gia cũng như an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đối mặt với nguy cơ rủi ro rất cao.