Khi cuộc chiến tại Ukraine đang chuẩn bị bước sang tháng thứ 6, cả hai phía Nga và Ukraine đều chịu tổn thất nhân mạng khá nặng nề. Tuy nhiên đối với lính đánh thuê nước ngoài, thì việc chịu đựng 12/24h dưới hỏa lực pháo binh của Nga là điều kinh hoàng nhất mà họ từng chứng kiến. Họ thú nhận đây không khác gì “địa ngục”.

Chảo lửa Ukraine

Kênh truyền hình NBC (Mỹ) đưa tin ngày 21/7 rằng, những người lính đánh thuê nước ngoài tham gia vào các cuộc chiến trên lãnh thổ Ukraine đang bị sa sút tinh thần, khi mỗi ngày chiến tranh càng trở nên khốc liệt.

Có một thực tế nghiệt ngã là lính đánh thuê tại Ukraine không được trang bị vũ khí đầy đủ vì tình trạng khan hiếm trang thiết bị. Họ cũng phải trải qua các cơn ác mộng khi thiếu thức ăn và nước uống cũng như phải đối mặt với tình huống nghiệt ngã của chiến tranh. 

Ripley Rawligs, một cựu lính thủy đánh bộ Mỹ chuyên cung cấp lính đánh thuê nước ngoài ở Ukraine chia sẻ với  NBC như sau: “Số lượng người thất vọng và sa sút tinh thần đã tăng lên, điều này một phần là do chiến lược tấn công của người Nga”. 

Các chiến binh nước ngoài đã kể về pháo binh của Nga “hết đợt này đến đợt khác tấn công gần các phòng tuyến của Ukraine, lấp đầy không khí với bụi bẩn, cát và tro và buộc các binh sĩ phải chui xuống các chiến hào sâu”. 

Các chiến binh nước ngoài thường phải ở dưới hào sâu nhiều tiếng đồng hồ để tránh hỏa lực pháo binh của Nga. (Ảnh chụp màn hình News.yahoo)
Các chiến binh nước ngoài thường phải ở dưới hào sâu nhiều tiếng đồng hồ để tránh hỏa lực pháo binh của Nga. (Ảnh chụp màn hình News.yahoo)

Ngoài ra, họ cũng phải chịu đựng các vụ nổ khủng khiếp vang lên xung quanh họ, với những tiếng động mạnh dữ dội, thường xuyên, và đôi khi kéo dài suốt 12 tiếng mỗi lần. 

Một trong những người lính đánh thuê kể rằng, trong các trận chiến ở  Severodonetsk, chỉ huy của anh ta và ba người lính khác đã thiệt mạng. “Khi điều này xảy ra, thật khó để tưởng tượng tôi phải làm thế nào để tiếp tục,” chiến binh này giải thích.

Sự khốc liệt của chiến trường Ukraine đã được tờ Washington Post mô tả như sau: “Họ không bao giờ nghĩ rằng sẽ bị điều động đến một trong những chiến tuyến nguy hiểm nhất ở miền đông Ukraine. Họ nhanh chóng nhận thấy mình đang ở trong ranh giới của chiến tranh, cảm thấy bị cấp trên bỏ rơi và phải vật lộn đấu tranh để sinh tồn”.

Một chiến binh người Mỹ từng phục vụ trong Quân đội Mỹ trong các trận chiến ở Trung Đông đã thú nhận, những gì anh chứng kiến hỏa lực của Nga liên tục bắn phá thành phố Severodonetsk thuộc vùng Donbass là “điều gần với địa ngục nhất mà tôi từng thấy”.

Sống sót phụ thuộc vào may mắn

Dưới áp lực của các đợt pháo kích tăng cường của Nga, các chiến binh nước ngoài có cảm giác rằng, sự sống sót của họ “hoàn toàn phụ thuộc vào may mắn”. 

Lực lượng Vũ trang Ukraine ước tính rằng, Nga đang sử dụng số lượng đạn pháo nhiều gấp 8 lần mỗi ngày, bắn nhiều hơn hàng nghìn quả đạn so với người Ukraine.

Tờ La Presse.ca đã kể câu chuyện về lính bắn tỉa Wali đã từ Ukraine trở về quê hương Quebec (Canada) của mình. Dù không bị thương, nhưng anh đã suýt mất mạng ở đó “vài lần”. 

Wali kể lại rằng, tại vị trí ẩn nấp của anh (gần chiến hào vừa bị hỏa lực của xe tăng Nga bắn bốc cháy), hai đồng đội Ukraine của anh đã chui ra khỏi chiến hào để hút thuốc. 

Anh đã cố gắng ngăn cản nhưng 2 người lính này không nghe. Chỉ vài giây sau, một quả đạn pháo bay tới chỗ họ “với độ chính xác cao”.

Wali mô tả: “Vụ nổ thật khủng khiếp. Tôi nhìn thấy mảnh đạn xuyên qua như tia laze. Cơ thể tôi căng cứng. Tôi đột nhiên mất thính giác và cảm thấy đau đầu. Thực sự rất bạo lực”. 

Wali cũng nhận ra hai binh sĩ Ukraine đã thiệt mạng: “Nó có mùi chết chóc. Thật khó để diễn tả, một mùi rùng rợn của thịt cháy, lưu huỳnh và hóa chất. Một mùi vô nhân đạo”.

Chiến tranh quá khủng khiếp

Theo ước tính của chính quyền Kyiv, tổn thất của Ukraine rất lớn, từ 100 đến 200 người thương vong mỗi ngày tại những thời điểm tồi tệ nhất trong cuộc chiến. 

Những tổn thất tàn khốc này đã làm xói mòn tinh thần trong hàng ngũ các đơn vị chiến đấu, đặc biệt tác động tới biệt đội lính đánh thuê nước ngoài. 

Tuy nhiên, những chiến binh nước ngoài thừa nhận rằng, tình trạng thiếu hụt đạn dược, thuốc men, thực phẩm, nước uống, cùng sự chậm trễ trong việc nhận vũ khí mà phương Tây hứa hẹn viện trợ, cũng đã thử thách tinh thần của họ sau nhiều tháng chiến đấu. 

Ngay cả những chiến binh nước ngoài dày dặn kinh nghiệm chiến đấu như Kevin (30 tuổi) người Mỹ cũng nói rằng, anh “cảm thấy như già đi 5 tuổi trong ba tháng chiến đấu ở Ukraine”.

CNN từng phỏng vấn một cựu quân nhân Mỹ này khi anh bị mắc kẹt trong ‘ngôi nhà kinh hoàng”. 

Dù từng là lính đặc nhiệm chống khủng bố cấp cao của Mỹ, và chiến đấu ở chiến trường Iraq và Afghanistan, nhưng tại Ukraine, Kevin đã phải đối mặt với một cuộc chiến khốc liệt nhất trong cuộc đời. 

Kevin gọi đó là một “sự điên rồ” khi kể rằng, lần đầu tiên trong đời anh phải đối mặt với một “kẻ thù được trang bị tốt hơn”. Thêm nữa, các chiến binh nước ngoài này còn phải hứng chịu các trận pháo kích hạng nặng liên tiếp của lực lượng Nga. Họ thực sự “bị sốc” và đang phải trải qua “những cơn ác mộng”. 

CNN viết: “Ngày này qua ngày khác, Kevin và đồng đội đi tới ngưỡng giới hạn của sức chịu đựng. Sau đó ngày hôm sau lại tới, lại thêm mệnh lệnh mới, một sứ mệnh mới, và họ thấy mình bị kẹt lại…Đối mặt với thực tế của trận chiến, nhiều chiến binh nước ngoài đã quyết định ra đi”. 

Lính đánh thuê áp lực với việc bị Nga bắt giữ

Không chỉ chịu đựng hỏa lực của pháo binh Nga, các chiến binh nước ngoài nếu may mắn thoát chết, lại phải đối diện với áp lực bị lực lượng Nga bắt giữ. 

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov đã từng thẳng thừng tuyên bố rằng,  tất cả lính đánh thuê nước ngoài bị giam giữ ở nước này sẽ phải đối mặt với công lý về tội hình sự, và sẽ không được công nhận là tù nhân chiến tranh.

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov (Ảnh chụp màn hình Atalaya)

Ông Konashenkov cảnh báo: “Tất cả lính đánh thuê được phương Tây đến để giúp chế độ dân tộc chủ nghĩa ở Kiev đều không phải là chiến binh theo luật nhân đạo quốc tế. Họ không được hưởng quy chế tù binh”.

Công ước Geneva định nghĩa lính đánh thuê là người chiến đấu cho một quốc gia khác vì tiền hoặc lợi ích vật chất, và được trả cao hơn những gì mà những người lính đồng hạng của quốc gia đó được trả. 

Lính đánh thuê không có tư cách pháp nhân và không được bảo đảm là tù nhân chiến tranh theo luật nhân đạo, và có thể bị buộc tội nếu bị quân địch bắt giữ. 

Cũng theo NBC, lính đánh thuê nước ngoài tiết lộ rằng, họ sẽ tự sát vì không muốn rơi vào tay người  Nga. Một trong những cựu chiến binh người Mỹ cho biết, anh luôn mang theo một quả lựu đạn bên mình để nhanh chóng kích hoạt nó trong trường hợp có nguy cơ bị bắt. 

Còn những người khác thì cho biết họ mang thêm một viên đạn trong một túi riêng để “đề phòng”.

Cựu trung sĩ quân đội Mỹ James Vasquez, người cũng tham gia chiến đấu tại Ukraine,cho biết ông đã huấn luyện các binh sĩ cách tự sát trong trường hợp bị đe dọa bắt giữ.

Chiến tranh quả là nghiệt ngã. NATO và Mỹ hiện đang cung cấp hàng tỷ đô la vũ khí viện trợ cho quân đội Ukraine không khác gì một cuộc chiến “ủy nhiệm” giữa Nga – Mỹ – NATO, dẫn đến việc lực lượng Nga càng phản công dữ dội.

Và chịu tổn thất sinh mạng vẫn là những người lính trên chiến trường đang bị mắc kẹt giữa cuộc xung đột máu lửa này.

Có thể bạn quan tâm: