Tương tự như đại dịch Covid-19, chính quyền Trung Quốc đã áp dụng một số biện pháp nhằm rũ bỏ trách nhiệm về thảm họa lũ lụt ở Trịnh Châu vừa qua.

Tính đến ngày 27 tháng 7, chính quyền Trung Quốc công bố số người tử vong trong trận lũ lụt ở Trịnh Châu là 71 người. Nhưng giới quan sát cho rằng con số thực tế có thể còn cao hơn nhiều.

Trận lũ lụt khủng khiếp trong tháng 7 ở Trịnh Châu, thủ phủ tỉnh Hà Nam ở miền trung Trung Quốc, là một ví dụ điển hình cho thấy “mô hình quản lý khủng hoảng” của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), theo nhà báo Trình Tường (Ching Cheong).

Mô hình này bao gồm 3 thủ đoạn: che giấu sự thật, ngăn chặn đưa tin và tuyên truyền luận điệu của chính quyền. Nhà báo phân tích 3 yếu tố này trong một bài bình luận cá nhân đăng trên The Epoch Times ngày 29/7.

1. Che giấu sự thật

Ông Trình cho biết rõ ràng Trịnh Châu “đã trải qua một trận mưa như trút nước đặc biệt dữ dội”. Cục khí tượng của thành phố ghi nhận lượng mưa trong 1 giờ là 201,9 milimét trong khoảng từ 4 đến 5 giờ chiều vào ngày 20 tháng 7. Lượng mưa này tương đương với gần một phần ba lượng mưa hàng năm là 640 milimét mà thành phố nhận được trong một năm bình thường. Như vậy, có thể hiểu rằng trận mưa lớn này có khả năng gây ra tình trạng ngập lụt nghiêm trọng trên toàn thành phố.

Nhưng chính quyền nhấn mạnh rằng đây là trận lụt “ngàn năm mới có một lần”. Nhà báo Trình cho rằng luận điệu đó nhằm ám chỉ rằng “việc ngăn chặn thiệt hại về người và tài sản là nằm ngoài khả năng của con người”.

Các cư dân mạng am hiểu công nghệ ngay lập tức đã tìm ra các số liệu thống kê bác bỏ tuyên bố của chính quyền.

Không có chuyện “trận mưa ngàn năm có một”

Trang Weibo của các nhà khí tượng nghiệp dư Trung Quốc đã đăng một bảng so sánh trận mưa vào tháng 7 năm 2021 với trận mưa tháng 8 năm 1975. Số liệu cho thấy trận mưa gần đây chắc chắn không phải “ngàn năm mới có một lần”. Ngược lại, nó còn ít nghiêm trọng hơn trận mưa trước kia. Bảng số liệu so sánh sau đó đã bị xóa nhưng ảnh chụp màn hình được lưu lại ở đây.

Nguồn: Trang Weibo của các nhà Khí tượng nghiệp dư Trung Quốc so sánh lượng mưa vào tháng 8/1975 và tháng 7/2021. Cột đầu tiên hiển thị các khoảng thời gian khác nhau lần lượt là 1-, 3-, 6-, 24- và 72 giờ; cột thứ hai và thứ ba hiển thị lượng mưa lớn nhất trên thực tế được ghi lại bằng milimét trong các khoảng thời gian tương ứng cho tháng 8 năm 1975 và tháng 7 năm 2021.
Nguồn: Trang Weibo của các nhà Khí tượng nghiệp dư Trung Quốc so sánh lượng mưa vào tháng 8/1975 và tháng 7/2021. Cột đầu tiên hiển thị các khoảng thời gian khác nhau lần lượt là 1 giờ, 3 giờ, 6 giờ, 24 giờ và 72 giờ; cột thứ hai và thứ ba hiển thị lượng mưa lớn nhất trên thực tế được ghi lại bằng milimét trong các khoảng thời gian tương ứng cho tháng 8 năm 1975 và tháng 7 năm 2021.

Ông Chen Sou, giám đốc dự báo của Cục Khí tượng Trung ương, có chung nhận định. Ông nói rằng Trung Quốc không có hồ sơ dài hạn đáng tin cậy để hỗ trợ tuyên bố của chính quyền về cái gọi là “ngàn năm mới có một lần”.

“Rõ ràng, các nhà chức trách đã nói dối. Khi làm như vậy, họ cố tình che giấu hai sự thật”, nhà báo Trình Tường cho biết.

Chính quyền Trung Quốc nói dối để che giấu 2 sự thật:

Cơ quan khí tượng đã cảnh báo nhưng chính quyền không hành động

“Đầu tiên, mặc dù có nhiều cảnh báo và cảnh báo, chính quyền tỉnh và thành phố đã không làm gì để giảm thiểu khủng hoảng”, nhà báo cho biết.

Cảnh báo đầu tiên được đưa ra lúc 1:08 sáng ngày 20 tháng 7. Thảm họa lũ lụt bắt đầu vào lúc 4:00 chiều. Như vậy, chính quyền thành phố đã có 15 giờ để tuyên bố ngừng hoạt động chung theo đề xuất của Cục khí tượng và tránh những trường hợp tử vong không đáng có. Nhưng “rõ ràng, các nhà chức trách đã phạm tội bất cẩn”, ông Trình kết luận.

Xả lũ không báo trước cho người dân

Theo nhà báo Trình, lời nói dối của chính quyền Trung Quốc còn nhằm che giấu sự thật thứ 2. Đó là họ đã cho xả lũ tại đập Chang Zhuang nhưng không báo trước cho người dân.

Con đập nằm ở phía thượng lưu cách Trịnh Châu khoảng 6 km. Mặc dù việc xả lũ có thể không thể tránh khỏi, nhưng nó cần được cảnh báo trước. Việc xả lũ diễn ra lúc 10:30 sáng ngày 20 tháng 7; nhưng không hề có thông báo nào cho đến tận 1 giờ sáng ngày 21 tháng 7.

“Điều đó cho thấy thái độ coi thường một cách trắng trợn của chính quyền đối với tính mạng và tài sản của người dân tại vùng hạ lưu”, nhà báo Trình Tường cho biết. “Những trận mưa như trút nước dữ dội cùng với việc xả lũ thiếu trách nhiệm chỉ có thể làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng.”

“Vì vậy, để chuyển sự chú ý khỏi sự sơ suất của các nhà chức trách, họ đã dùng luận điệu ‘ngàn năm mới có một lần’. Đó là một lời nói dối trắng trợn.”

2. Ngăn chặn đưa tin

Nhà báo Trình cho biết: “Bất cứ khi nào một cuộc khủng hoảng ập đến với Trung Quốc, các phương tiện truyền thông chính thức của ĐCSTQ hoàn toàn im lặng. Đài truyền hình tỉnh Hà Nam không đưa tin gì về cuộc khủng hoảng vào tối ngày 20 tháng 7. Vào ngày 21 tháng 7, trang nhất của tờ Nhân dân Nhật báo không đăng một chữ nào về thảm họa này”.

Các hình ảnh về trận lũ lụt tại thành phố Trịnh Châu, Trung Quốc vào tháng 7/2021 (ảnh từ Twitter).
Các hình ảnh về trận lũ lụt tại thành phố Trịnh Châu, Trung Quốc vào tháng 7/2021 (ảnh từ Twitter).

Một động thái khác nhằm dập tắt tin tức là việc chính quyền phong tỏa đường hầm, nơi có hàng trăm phương tiện chất đống và các thi thể bên trong; ngăn cản mọi người quay phim hiện trường; ngăn cản các gia đình tìm kiếm người thân của họ.

Nhà báo Trình cho biết các dịch vụ Wi-fi và internet trong khu vực cũng bị đình chỉ để ngăn người dân truyền tải thông tin ra thế giới bên ngoài theo thời gian thực tế.

Ba bộ phận khác nhau của chính quyền đã phát đi các tờ rơi cảnh báo người dân không được nhận lời đề nghị phỏng vấn của phóng viên nước ngoài. Một số phóng viên nước ngoài tác nghiệp tại khu vực thảm họa đã bị chửi bới, đe dọa tính mạng.

3. Tuyên truyền luận điệu của chính quyền

Theo nhà báo Trình Tường: “Các nhà chức trách cũng cố gắng xoay chuyển tai họa để có lợi cho riêng mình. Ví dụ, Ban Tuyên giáo Thành ủy Trịnh Châu tuyên bố rằng sau trận lụt, ‘Thành phố sẽ trở nên sạch đẹp hơn. Cây sẽ phát triển tốt hơn. Người dân của chúng ta sẽ vươn lên mạnh mẽ hơn’”.

“Tuy nhiên, nỗi thống khổ của người dân không hề được nhắc đến. Tệ hơn nữa, chi nhánh Hà Nam của Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc đã cố gắng kích động lòng thù hận đối với các nhà báo nước ngoài đưa tin về thành phố ngập nước; cho rằng họ cố gắng vẽ nên một bức tranh đen tối về Hà Nam. Điều này dẫn đến việc một số nhà báo nước ngoài bị quấy rối.”

Nhà báo Trình Tường cho biết: “Bằng cách đó, các nhà chức trách đã cố gắng chuyển sự chú ý của mọi người ra khỏi những hành vi sai trái của Đảng Cộng sản Trung Quốc và chính quyền”.

Ông viết tiếp: “Che giấu sự thật, ngăn chặn thông tin và xoay chuyển sự kiện để có lợi cho riêng nó — đây là quy trình hoạt động cơ bản của ĐCSTQ trong việc đối phó với khủng hoảng”.

“Chúng ta đã thấy nó làm như vậy trong đại dịch virus của ĐCSTQ (Covid-19), và giờ đây chúng ta thấy nó làm vậy trong trận lũ lụt ở Hà Nam”.