Ngô Hạ – học giả nổi tiếng của triều đại nhà Tống đã từng được mẹ giáo dục về sự cẩn trọng trong lời nói như sau:

Một ngày nọ, mẹ của Ngô Hạ tình cờ nghe được Ngô Hạ nói chuyện với một vị khách về những thiếu sót khuyết điểm của những người khác khi họ không có mặt tại đó. Bà đã rất nóng giận, và sau khi người khách rời đi, bà đánh Ngô Hạ một trăm roi.

Một người họ hàng thấy vậy, đã cố trấn tĩnh bà và nói: “Nói về những điểm mạnh hay những thiếu sót khuyết điểm của người khác là điều bình thường của người đọc sách. Có gì sai đâu? Sao bà lại đánh con đến như vậy?”

Mẹ của Ngô Hạ thở dài và nói: “Tôi nghe nói rằng nếu cha mẹ thực sự yêu con gái của họ, họ phải cố gả con gái mình cho một học giả mà rất thận trọng về những điều mà anh ta nói ra. Tôi chỉ có một mình nó là con trai. Tôi đang cố gắng làm cho nó hiểu về đạo nghĩa và những luân lý đạo đức làm người. Nếu nó không thận trọng về những điều được nói ra, tức là nó đang quên mẹ của nó. Nó hiện giờ như vậy thì nói gì đến đạo xử thế lâu dài được đây?”. Mẹ của Ngô Hạ sau đó đã khóc và không ăn uống gì.

Từ đó, Ngô Hạ thận trọng trong lời nói và tập trung tu đức trọng đạo. Cuối cùng, ông trở thành một trong những học giả nổi tiếng nhất trong thời đại của ông và trong lịch sử Trung Hoa.

***

Chỉ vì một vài câu nói của con trai, vì sao mẹ Ngô Hạ lại tức giận như vậy?

Phải chăng bà là người cẩn trọng trong lời nói, hiểu rằng cách ăn nói thể hiện đạo đức của con người. Bà cho rằng không thể tùy tiện buông lời nhận xét, chê bai khuyết điểm hay thiếu sót của ai cả, vì lời nói được đưa ra chỉ dựa trên những gì bản thân mình nhìn thấy, nghe thấy. Tuy nhiên những gì được nhìn thấy, nghe thấy nhiều khi lại không phải là 100% sự thật.

Hơn thế nữa, qua thông tin tiếp nhận được, người nói sẽ nhận định dựa vào những kinh nghiệm và quan niệm của bản thân mà không đặt mình vào vị trí của người khác. Thực ra, biết đâu nếu ở vị trí và hoàn cảnh của người đó, bản thân mình cũng sẽ hành xử như vậy.

Cho nên người hiểu chuyện sẽ không tùy tiện phát ngôn, nhận xét hay dở của người. Đặc biệt, việc nhận xét sau lưng thường chỉ mang tính chất giải tỏa tâm lý nhất thời của người nói, không thể khiến tình hình được cải thiện. Nó khác hoàn toàn với việc góp ý mang tính xây dựng giúp người trong cuộc nhận ra cái sai để sửa đổi.

Không chỉ người xưa răn dạy như vậy mà trong tôn giáo cũng như giới tu hành luôn coi “tu khẩu” là vấn đề trọng yếu. Vì lời nói ra có thể vô tình hoặc hữu ý làm tổn thương người khác, như vậy sẽ tạo nghiệp và người nói ra cũng bị tổn đức.

Trong cuộc sống ngày nay, dường như con người đã không còn tin hoặc cho rằng lời của người xưa là cổ hủ. Số đông mọi người tùy tiện nghĩ gì nói nấy, không chỉ nói sau lưng mà còn nói những lời nói không ý tứ, thô bạo, châm chọc, khiêu khích, kích động, sử dụng những từ ngữ phóng đại, thô tục, biến dị…

Hành vi ấy đã dần dần trở thành “điều bình thường”, đặc biệt phổ biến trong giới trẻ. Sự trong sáng của ngôn ngữ bị mai một cũng bởi vì đạo đức chung đang theo đà trượt dốc xuống từng ngày.

Nếu mỗi người mẹ hiện nay có thể giáo dục con như mẹ của Ngô Hạ thì thế hệ tương lai sẽ biết cẩn trọng trong lời nói, và đạo đức con người sẽ thăng hoa trở lại. Hãy nhớ rằng một người mang tấm lòng thiện thì khi nói đều nghĩ đến người khác, cân nhắc lời nào nên nói lời nào không.