Một bức tượng Phật ngồi ở Trung Quốc đã tiết lộ một điều bất ngờ: Bên trong, các nhà khoa học tìm thấy xác ướp của một nhà sư sống cách đây gần 1.000 năm.

Theo Live Science, Vincent van Vilsteren, một người phụ trách khảo cổ học tại Bảo tàng Drents, Hà Lan, nơi bức tượng Phật được trưng bày cho biết xác ướp có thể từng là một nhà sư Phật giáo đáng kính, người sau khi chết được tôn thờ như một đấng giác ngộ, và đã giúp người sống chấm dứt chu kỳ luân hồi của đau khổ và cái chết.

Bí mật ẩn chứa trong bức tượng sơn vàng lần đầu tiên được khám phá khi các nhà bảo tồn bắt đầu trùng tu bức tượng từ nhiều năm trước. Nhưng phần còn lại của xác ướp đã không được nghiên cứu chi tiết cho đến khi các nhà nghiên cứu tiến hành quét và lấy mẫu mô từ xác ướp.

Lịch sử đầy biến động

Bức tượng đắp bằng bột giấy, có kích thước gần bằng một người ngồi và được phủ sơn mài và sơn vàng, trải qua một lịch sử đầy biến động. Nó có thể từng được đặt trong một tu viện ở Đông Nam Trung Quốc trong nhiều thế kỷ. Sau đó, nó được di chuyển ra khỏi đất nước trong Cách mạng Văn hóa, một thời kỳ hỗn loạn của xã hội Trung Quốc Cộng sản bắt đầu từ năm 1966 khi Mao Trạch Đông kêu gọi người dân cướp bóc tài sản, phá bỏ hệ thống giáo dục và tấn công các cơ sở văn hóa “tư sản”.

Trong quá trình trùng tu định kỳ, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra một điều bất ngờ ẩn chứa trong một bức tượng Phật cổ Trung Quốc sơn vàng: một xác ướp ẩn bên trong. Xác ướp từng là của nhà sư Phật giáo Liuquan, theo văn bản được tìm thấy cùng với bức tượng (ảnh: © Ben Heggelman (Trung tâm Y tế Meander, Amersfoort)/ Universityhospital Mannheim).


Bức tượng đã được mua đi bán lại ở Hà Lan, và vào năm 1996, một chủ sở hữu tư nhân đã quyết định nhờ người sửa những vết nứt làm hoen ố lớp sơn vàng bên ngoài. Tuy nhiên, khi người phục chế lấy bức tượng ra khỏi bệ gỗ, anh ta nhận thấy có hai chiếc gối được trang trí bằng văn bản Trung Quốc đặt bên dưới đầu gối của bức tượng. Khi tháo những chiếc gối ra, anh phát hiện ra có hài cốt người bên trong bức tượng.

Van Vilsteren nói với Live Science: “Anh ấy đã nhìn vào đáy của bức tượng và nhìn thấy một phần xương và mô da của nhà sư.”

Xác ướp đang ngồi trên một tấm thảm dệt cuộn có in chữ Trung Quốc.

Sau đó, các nhà nghiên cứu đã sử dụng đồng vị phóng xạ carbon để xác định rằng xác ướp có niên đại thế kỷ 11 hoặc 12, trong khi tấm thảm cũ hơn khoảng 200 năm tuổi.

Năm 2013, các nhà nghiên cứu đã tiến hành quét ảnh CT xác ướp tại Bệnh viện Đại học Mannheim ở Đức, và thu được thông tin chi tiết chưa từng có về bộ hài cốt. Trong một cuộc chụp cắt lớp tiếp theo tại Trung tâm Y tế Meander ở Amersfoort, Hà Lan, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những gì họ nghĩ là mô phổi thực sự chỉ bao gồm những mẩu giấy nhỏ với dòng chữ Trung Quốc trên đó.

Văn bản được tìm thấy cùng với xác ướp cho thấy ông ta từng là nhà sư có địa vị cao Liuquan, người có thể được tôn thờ như một vị Phật hoặc một người thầy giúp mang lại sự giác ngộ.

Việc ướp xác trong quá khứ

Xác ướp xuất hiện khá phổ biến trong thời kỳ này ở châu Á. Chẳng hạn, các nhà nghiên cứu ở Mông Cổ cũng từng tìm thấy xác ướp một nhà sư 200 tuổi vẫn ở tư thế kiết già.

Không rõ chính xác nhà sư Liuquan trở thành xác ướp như thế nào, nhưng “ở Trung Quốc, và cả ở Nhật Bản, Lào và Hàn Quốc, có truyền thống tự ướp xác”, van Vilsteren cho biết.

Trong một số trường hợp, các nhà sư Phật giáo lớn tuổi sẽ bỏ đói bản thân để loại bỏ chất béo và chất lỏng thúc đẩy quá trình thối rữa, trong khi tồn tại chủ yếu dựa vào lá thông và nhựa thông để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình ướp xác. Một khi những nhà sư này gần chết, họ sẽ bị chôn sống chỉ với một chiếc ống thở để giữ cho họ có thể thiền định cho đến chết.

Van Vilsteren nói: “Có những ghi chép lịch sử về một số nhà sư lớn tuổi đã thực hiện phương pháp này. Nhưng chuyện này có xảy ra với nhà sư này hay không thì không biết”.

Văn Thiện/NTDVN