Hải quân Mỹ hôm 22/12 đã đưa tàu sân bay USS John McCain tiến vào Biển Đông để thực hiện quyền tự do hàng hải. Động thái này diễn ra ngay sau ngày Trung Quốc tuyên bố đưa tàu sân bay Sơn Đông tới tập trận ở Biển Đông.

Theo thông báo của Hạm đội Thái Bình Dương thuộc Hải quân Hoa Kỳ, chiếc tàu sân bay đã có chuyến “đi qua vô hại” gần quần đảo Trường Sa. Giới quan sát cho rằng động thái này là nhằm thách thức yêu sách hàng hải phi pháp của Trung Quốc trong khu vực.

Tuyên bố nêu rõ: “Các yêu sách hàng hải trái pháp luật và sâu rộng ở Biển Đông gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với quyền tự do trên biển, bao gồm quyền tự do hàng hải và hàng không, thương mại tự do và thương mại không bị cản trở, cũng như tự do cơ hội kinh tế cho các quốc gia ven Biển Đông”.

Quyền tự do hàng hải: “Đi qua vô hại”

Tuyên bố của Hạm đội Thái Bình Dương trích dẫn Công ước Luật Biển năm 1982, trong đó cho phép các tàu thuyền của các quốc gia (kể cả tàu chiến) đều có quyền “đi qua vô hại” trên các lãnh hải mà không phải xin phép các bên có tuyên bố chủ quyền với lãnh hải đó.

Các bên có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông gồm Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan, Philippines, Brunei và Malaysia.

Chuyến đi tự do hàng hải của tàu sân bay John McCain diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang thúc đẩy các yêu sách chủ quyền phi pháp ở Biển Đông. Trong vài năm gần đây, Trung Quốc liên tục có những hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của các nước láng giềng; như đâm chìm tàu, cấm đánh bắt cá, ép buộc các nhà thầu quốc tế phải từ bỏ thăm dò và khai thác dầu khí, bồi lấp các đảo nhân tạo và diễn tập quân sự thường xuyên trên biển.

Hôm 21/12, hải quân Trung Quốc tuyên bố tàu sân bay Sơn Đông của nước này đã tiến vào Biển Đông để chuẩn bị cho cuộc tập trận trong khu vực.

Cam kết của Mỹ khi thực hiện các quyền tự do hàng hải

Việc tàu sân bay Mỹ thường xuyên vào Biển Đông thể hiện sự cam kết của Hoa Kỳ trong việc đảm bảo luật pháp quốc tế, tự do hàng hải trước những hành động ngang ngược của Trung Quốc. Hoa Kỳ nhấn mạnh việc các quốc gia tuân thủ Luật biển năm 1982 là cơ sở cho an ninh, an toàn, tự do hàng hải và sự thịnh vượng toàn cầu.

Chính quyền Trump đã có nhiều động thái cứng rắn với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Mới đây nhất, Washington đã công bố “các biện pháp trừng phạt mới” đối với các đối tượng tham gia hỗ trợ Bắc Kinh thúc đẩy yêu sách ở Biển Đông.

Ngày 17/12, Bộ Quốc Phòng Mỹ cảnh báo các tàu chiến hải quân nước này sẽ quyết đoán hơn trong việc đáp trả những vi phạm của Trung Quốc đối với tự do hàng hải.

Chính quyền Tổng thống Trump mới đây đã bổ nhiệm đô đốc John Aquilino làm người đứng đầu Bộ Tư Lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Giới quan sát cho biết ông Aquilino là người có lập trường cứng rắn với Trung Quốc .