Hải quân Mỹ hôm 3/3 thông báo họ đã trục vớt thành công máy bay F-35C từ đáy Biển Đông, chấm dứt lo ngại về khả năng Trung Quốc có thể lấy cắp chiến cơ này.

Chiếc máy bay này đã va chạm với tàu sân bay USS Carlvinson ở Biển Đông hôm 24/1. Phi công đã kịp lao ra ngoài thoát thân. Còn chiếc máy bay chìm xuống đáy biển.

Washington đã tiến hành một cuộc trục vớt đầy tốn kém, do lo ngại các đối thủ như Trung Quốc, Nga có thể tiếp cận chiếc máy bay, từ đó thu thập công nghệ hiện đại của Mỹ.

Theo thông tin trên USNI News hôm 3/3, giới chức Mỹ đã cử tàu dịch vụ cứu hộ DSCV Picasso tới Biển Đông để tham gia tìm kiếm chiếc máy bay. Con tàu cứu hộ đã rời bến cảng Okinawa (Nhật Bản) vào ngày 23/2.

Đến ngày 2/3, công cuộc trục vớt đã được hoàn tất. Xác máy bay F-35C đã được vớt lên từ đáy Biển Đông, ở độ sâu hơn 3.700m. Hải quân Mỹ không tiết lộ quá trình trục vớt đã kéo dài bao lâu.

Giới chức Mỹ đã sử dụng một thiết bị lặn không người lái để tiếp cận máy bay; sau đó gắn dây và sàn nâng để kéo máy bay lên.

Trước đó, đã có 5 thủy thủ Mỹ bị truy tố vì làm rò rỉ video ghi lại màn hình giám sát khi chiếc F-35 rơi xuống. Hành động này bị coi là làm lộ thông tin về tài sản của chính phủ. Một video khác ghi lại cảnh tượng máy bay lao xuống, nhưng người tiết lộ video không bị truy tố.

Hải quân Mỹ đã không công bố vị trí chiếc máy bay rớt xuống Biển Đông. Nhưng theo USNI News, khả năng sự cố này xảy ra tại vùng biển cách đảo Luzon của Philippines khoảng 270 km về phía tây.

Hiện chưa có thông tin chính thức về nguyên nhân dẫn đến vụ rơi máy bay ở Biển Đông. Việc trục vớt máy bay không phải vì mục đích tái sử dụng; mà là ngăn chặn khả năng Trung Quốc hoặc Nga có thể vớt chiếc máy bay để lấy cắp bí quyết hoặc nghiên cứu cách thức chống lại chiến cơ này.

Năm ngoái, Vương quốc Anh, Ý và Mỹ đã phải trục vớt một chiếc máy bay F-35B của Anh bị rơi xuống Địa Trung Hải, sau khi cất cánh từ tàu sân bay HMS Queen Elizabeth.

Từ Khóa: