Phóng viên của mucnews có dịp được tiếp xúc với chị Phương Hoa, một người tu nghiệp ở Pháp về nước, giữ vị trí quản lý và lãnh đạo nhiều năm cho các quỹ đầu tư tài chính, doanh nghiệp lớn và trường đại học. Dù bận rộn trong công việc cũng như cuộc sống, nhưng vẫn dành khoảng trời riêng cho niềm đam mê với Gốm Việt. Chị đã vẽ nên “Bản đồ chỉ dẫn địa lý làng gốm Việt nam” dễ hiểu, hữu ích giúp người yêu thích Gốm có cái nhìn tổng quan với sản phẩm làng nghề Việt Nam.

Kính mời độc giả theo chân phóng viên nghe chị kể về đam mê tao nhã này:

PV: Chị có thể chia sẻ nhân duyên về đam mê sưu tầm gốm với độc giả của mucnews được không?

Mình đến với gốm vào một ngày tình cờ đi triển lãm. Mình đã bị thu hút bởi một chiếc lọ trang trí ở một gian hàng. Đó là một lọ gốm nhỏ có hình dáng khá đặc biệt. Chiếc lọ không cân đối như những cái khác mình từng nhìn thấy. Nó mộc mạc một cách tự nhiên. Những chi tiết bị bóp méo một cách có chủ đích nhưng lại rất nghệ thuật. Nó thật độc đáo.

nguoi ve nen ban do chi dan dia ly lang gom viet nam
Một góc trong khu vườn nhà chị Hoa

Như trong nhiếp ảnh, người nào chụp cũng phải trải qua ba giai đoạn: “Mờ-Nét-Mờ”. Chữ “Mờ” đầu tiên nghĩa là khi bắt đầu, do chưa làm chủ kỹ thuật nên ảnh dễ bị nhòe. Chữ “Nét” thứ hai là khi người chụp đã nắm được kỹ thuật cần thiết và chụp ra bức ảnh rõ nét hơn. Còn chữ “Mờ” cuối cùng là khi kỹ thuật đã tốt, người chụp đã cố tình làm “mờ” để thể hiện ý tưởng của riêng mình. Lúc ấy, người chụp đã làm chủ kỹ thuật để thả sức sáng tạo.

Càng nhìn chiếc lọ, mình càng nghĩ về đôi bàn tay đã tạo ra nó hẳn đã gửi gắm một cảm xúc riêng vào tác phẩm của mình. Khi hỏi người chủ gian hàng đó, mình mới biết đó là sản phẩm của Gốm Chi. Đối với mình, chiếc lọ thật ấn tượng.

nguoi ve nen ban do chi dan dia ly lang gom viet nam
Chi Hoa bắt đầu bộ sưu tập với sản phẩm đầu tiên mua được từ gốm Chi

Sau này, khi có dịp tìm hiểu và sưu tầm những dòng gốm khác, mình vẫn luôn đặt ưu tiên cho các sản phẩm làm bằng tay và sản xuất đơn chiếc. Mỗi sản phẩm đó là một tác phẩm nghệ thuật mà người nghệ nhân đã trao gửi những cảm xúc, ý nghĩa rất riêng.

Càng mày mò với gốm, mình càng yêu gốm hơn, đặc biệt là các dòng gốm của Việt Nam. Càng tìm hiểu, mình càng phát hiện ra nước ta đã từng có những dòng gốm nổi danh thế giới. Đặc biệt hơn có những dòng gốm đậm chất dân tộc được thể hiện bởi các hình vẽ thuần Việt như các tích đám cưới chuột, đón nàng về rinh, sinh hoạt làng quê…được thể hiện trên gốm Biên Hòa.

nguoi ve nen ban do chi dan dia ly lang gom viet nam
Gốm diễn đạt lại một cách trung thực thực tế của đời sống và tự nhiên. Bình gốm trong ảnh là đề tài thiếu nhi được thể hiện trên gốm Biên Hòa

PV: Nhiều người biết đến Bản đồ làng gốm Việt nam qua chia sẻ của chị trên facebook, chị có thể kể những câu chuyện đáng nhớ trong quá trình làm bản đồ đó chứ?

Ý tưởng về việc vẽ bản đồ gốm Việt thoảng qua trong đầu. Sau đó mình thực hiện ngay. Không mất nhiều thời gian để vẽ đâu, vì trước đó mình đã dành nhiều tâm huyết để tìm hiểu, đi tham quan và sưu tập được một số hiện vật. Mình hạnh phúc vì khi chia sẻ thông tin thì nhận được rất nhiều góp ý để bổ sung hoàn thiện hơn cho bản đồ gốm.

Quá trình tạo ra bản đồ gốm khá ngắn, chuẩn bị cho việc đó lại rất dài. Vì thế, mình chỉ có những kỷ niệm trong quá trình chuẩn bị. Kỷ niệm đáng nhớ trong những lần đi “khám phá gốm” là việc được gặp các nghệ nhân gốm. Được nghe về câu chuyện cuộc đời của họ, mình càng hiểu hơn về những sản phẩm tại sao lại được tạo ra độc đáo và khác biệt như vậỵ.

nguoi ve nen ban do chi dan dia ly lang gom viet nam
Bản đồ chỉ dẫn địa lý làng gốm Việt Nam được chị Hoa lập và chia sẻ ra cộng đồng

Mình rất nhớ những lần được gặp gỡ trò chuyện với cố nghệ nhân Vũ Đức Thắng. Trước đây khi biết đến Bát Tràng, mình hình dung các sản phẩm của Bát Tràng với men lam. Nhưng hôm vào nhà chú Thắng, mình hoàn toàn kinh ngạc với các sản phẩm của chú hoàn toàn khác biệt.

Những sản phẩm được đắp nổi với những họa tiết về làng quê Việt Nam, những bụi lau, những đàn tôm, cua cá…đầy mầu sắc. Sự kết hợp giữa màu men và họa tiết rất riêng và độc đáo.

Ngồi uống trà bằng những chiếc chén do chú làm, tham quan bộ sưu tập của chú, món đồ nào mình cũng thích. Nghe chú kể về cuộc đời làm gốm từ khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, miệt mài tìm ra một con đường riêng cho đến khi tạo dựng được những sản phẩm đậm chất Việt, mình rất ngưỡng mộ chú.

Thật đáng tiếc là sau khi được cấp phép thành lập bảo tàng gốm tư nhân đầu tiên của Việt Nam, chú đã đột ngột ra đi.

nguoi ve nen ban do chi dan dia ly lang gom viet nam
Chiếc bình gốm tứ diện của dòng gốm Biên Hòa

PV: Chị có thể chia sẻ về cách đánh giá một tác phẩm gốm được không?

Mình luôn ưu tiên cảm xúc trước tiên. Có những đồ gốm mà lần đầu nhìn thấy mình đã mê mẩn.

Còn nếu cần cân nhắc kỹ hơn, thông thường mình sẽ dựa vào các tiêu chí khác như:

Dáng: Hiện vật có dáng gì. Ví dụ dáng bình củ tỏi, tứ diện, dáng bí… Mình hay thích sưu tập thành bộ theo chủ đề. Thế nên, sự đa dạng về dáng cho một chủ đề rất được ưu tiên. Một bộ theo chủ đề mình hay sắp xếp số lẻ như 3 cái, 5 cái bày cùng nhau. Trong mỗi bộ này kích thước khác nhau, dáng khác nhau sẽ càng tốt cho việc trình bày, sắp đặt sau này.

Da: Da ở đây là men. Mình thích những màu men có tone màu trầm tối hơn là những tone màu sáng. Men được làm từ các chất liệu tự nhiên mình cũng thích hơn là men hóa học. Ví dụ như men “Xanh đồng trổ bông (Vert de Bien Hoa) được tạo ra từ “tro, đá” là nét đặc trưng và niềm tự hào của gốm Biên Hòa. Trong nền gốm Việt Nam ngàn năm tuổi, chỉ Biên Hòa có màu men mang tên mình với danh xưng Quốc tế. Nhìn men còn có thể xem độ rạn và xuống màu theo thời gian. Thường những người chơi hay gọi là “già đồ” nếu bình đã lâu tuổi.

nguoi ve nen ban do chi dan dia ly lang gom viet nam
Lọ hoa gốm được làm bằng tay của cố nghệ sỹ Vũ Đức Thắng, làng gốm Bát tràng

Toàn: Sự nguyên vẹn của một hiện vật gốm rất quan trọng vì ai cũng thích đồ của mình toàn lành. Tuy nhiên cùng với thời gian, trải qua bao nhiêu đời chủ, hiện vật có thể bị va đập, rơi vỡ, dập hoặc thậm chí bị cưa đi một phần đã sứt. Hiện tại còn có những thợ gốm chuyên sửa chữa những đồ bị sứt sẹo và có một thuật ngữ là “thẩm mỹ” đồ gốm. Mình đã từng mua một hiện vật mà sau đó nhiều năm mới phát hiện ra chiếc bình có một chỗ sứt đã được “vá” lại và “sơn” lại màu nhưng rất khó phát hiện. Cũng có lần nhận được một hiện vật gửi đến theo đường bưu điện, khi mở ra đã bị vỡ thành nhiều mảnh. Đó là chiếc bình được vẽ với tích các chú bé chơi đùa với bông lau. Mình đã tiếc mãi vì rất khó có thể tìm lại một chiếc giống như thế một lần nữa. Sau đó mình đã dùng keo để gắn chiếc bình lại và hiện giờ vẫn đang bày trong giá sách.

Tuổi: Về năm sản xuất của hiện vật là một trong những tiêu chí khó đánh giá nhất. Một số hiện vật có Mộc thì sẽ dễ đoán hơn. Mộc là một dấu ấn của lò sản xuất in dưới đáy của hiện vật. Ví dụ như hiện vật có mộc Thành Lễ thì nếu tra ngược lịch sử về lò gốm này sẽ biết được lò gốm được hoạt động từ khoảng năm 1958 đến năm 1968. Tuy nhiên không phải hiện vật nào cũng có mộc, còn chưa kể đến những hiện vật bị làm mộc giả. Về tuổi còn có thể xét nhiều yếu tố khác như dáng, họa tiết, men là thuộc dòng nào thì có thể đoán được đời. Tuy nhiên với những kỹ thuật hiện đại thì nhiều hiện vật có thể bị làm giả cổ rất khó xác định như chôn dưới lòng đất, ngâm bùn, ngâm dưới biển, đổ axit vào, hoặc phục dựng đồ mới từ đế của một đồ gốm cổ đã bị vỡ. Những kỹ thuật làm giả như vậy sẽ khiến cho việc xác định tuổi khó khăn hơn.

Với mình thì như đã nói ở trên, tiêu chí của mình là ưu tiên cho cảm xúc trước nên mình sẽ chọn những hiện vật mà mình thích thay vì những hiện vật đắt do được coi là đồ cổ.

PV: Chị là người khá là bận rộn, chị đã sắp xếp và cân bằng như thế nào cho đam mê đó?

Với mình, đam mê gốm không chỉ là đi mua những đồ gốm về mà còn phải tìm hiểu về gốm. Đặc biệt mình thích khám phá những làng nghề gốm. Mình hay dành thời gian vào cuối tuần để thăm quan những lò gốm, làng gốm mới. Ngoài ra, do các làng nghề gốm truyền thống rải đều trên khắp đất nước, vì thế mình hay kết hợp thăm, khám phá các làng gốm trong hành trình du lịch.

Ví dụ như khi lên kế hoạch du lịch hè cho gia đình năm 2019 đi dọc các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, mình đã chọn một điểm đến là làng gốm Bầu Trúc ở Ninh Thuận. Đó là một làng nghề gốm rất độc đáo vì theo truyền thống là được nữ làm. Ngoài ra các hiện vật từ đất sét được nung không men bởi tro trấu. Khi quá trình kết thúc, hiện vật có những vệt đen do bị cháy loang lổ trên nền màu đỏ của đất sét sau khi nung tạo thành những sản phẩm độc đáo mang những nét họa tiết của dân tộc Chăm.

nguoi ve nen ban do chi dan dia ly lang gom viet nam
Nghệ nhân Đàng Thị Phan, làng gốm Bầu Trúc, Ninh Thuận với sản phẩm mộc mạc của dân tộc Chăm

Khi cả gia đình đến đây, mình đã ghé thăm nghệ nhân Đàng Thị Phan và bà đã dậy con trai mình tạo ra một sản phẩm gốm. Kỹ thuật của người Chăm nơi đây cũng rất đặc biệt, thay vì dùng bàn xoay gốm thì chính người nghệ nhân phải tự quay tròn khi tạo ra sản phẩm.

PV: Chị có lời khuyên nào cho các bạn trẻ để giảm căng thăng trong công việc và đời sống không?

Theo mình, việc gần gũi và kết nối với thiên nhiên là hết sức quan trọng để cân bằng cuộc sống. Hãy nhìn những em bé với khuôn mặt hạnh phúc khi được nghịch đất, chạy trên bãi cỏ, bơi trong nước hay đùa giỡn với sóng biển.

Ngoài ra hãy dành thời gian cho việc luyện tập thể thao và làm những việc theo sở thích của riêng. Đối với mình, chăm sóc vườn cây nhỏ, đọc sách và sưu tầm gốm là những sở thích mà mình thường xuyên làm. Và sẽ còn tuyệt vời hơn nữa khi có thể kết hợp được những sở thích ấy.

nguoi ve nen ban do chi dan dia ly lang gom viet nam
Góc thư giãn với những đam mê của chị Hoa

PV: Cảm ơn chị với những chia sẻ về gốm với độc giả của mucnews, chúc chị luôn viên mãn trong cuộc sống

Bản đồ làng gốm Việt nam là một trong những kênh bạn thể tham khảo nếu có đam mê với gốm và nghệ thuật thời Phục Hưng thế kỷ 15 và thế kỷ 16. Kính chúc độc giả của mucnews có góc thư giãn với chuyên mục đời sống.