Trận bão lớn nhất 20 năm qua khiến cho nhiều người dân Quảng Ngãi rơi vào cảnh “màn trời chiếu đất”. Nhà bị sập, những người dân nghèo số phận càng thêm long đong.

Từ người trẻ cho đến người già, con số 165 nhà dân bị sập, gần 300 trụ sở cơ quan và 151 điểm trường học bị tốc mái, hư hỏng là gánh nặng quá lớn với người dân Quảng Ngãi.

Nhà sập rồi, mai biết về đâu?

Ở vùng rốn lũ huyện Nghĩa Hành, anh Nguyễn Đức Tiên (thôn Tân Phú, xã Hành Tín Tây) đã hứng chịu đủ thiên tai. Nhưng cơn bão số 9 vừa qua là kinh hoàng nhất. Bởi vì cơn bão đã cướp mất căn nhà nhỏ của gia đình anh.

Anh Tiên nghĩ lại về cái đêm không tưởng ấy. Gió như mang theo cơn cuồng nộ của đất trời mà cuốn phăng những mái nhà.

Cả nhà anh đã ở nơi trú ẩn an toàn, nhưng khi cơn bão qua đi chẳng còn lại gì. Vợ chồng anh nóng lòng đợi 4 tiếng cho cơn bão tan, nhanh chóng trở về mà đâu ngờ rằng trước mắt chỉ là đống gạch vụn. Lòng anh chị cũng như vỡ tan theo từng mảnh, không biết từ nay sẽ nương thân ở đâu.

Anh Tiên thẫn thờ, mất hết rồi, người đàn ông cố nén lòng mình để không bật khóc. Nhưng không tránh khỏi nước mắt tuôn rơi, từ đôi mắt đỏ ngầu toát lên sự đau đớn và vô vọng.

Hình ảnh anh Tiên đau xót đến ám ảnh (ảnh chụp màn hình báo Dân trí).

“Hai vợ chồng đi lột vỏ keo thuê, ngày có việc ngày không. Thu nhập khoảng 300 ngàn đồng chỉ đủ lo cho 2 đứa nhỏ. Nhà sập rồi, mai biết về đâu?”

Vợ chồng cụ già lặn lội dựng lại nhà

Đó không chỉ là câu chuyện của anh Tiên mà còn là cảnh ngộ của hàng ngàn người dân Quảng Ngãi sau cơn bão kinh hoàng.

Đặc biệt, những căn nhà vốn đã mong manh như căn nhà của vợ chồng ông Dương Màng (xã Nghĩa Thương, huyện Tư Nghĩa) lại càng không trụ nổi trong cơn bão.

Ông Màng kể hôm bão ập tới, vợ chồng ông trú ẩn nhờ nhà hàng xóm. Gió quật liên tục, từ nhà hàng xóm ông nhìn sang nhà mình thấy mái tôn rung rinh. Lúc ấy ông lo sợ mái nhà sẽ bị thổi bay mà không tưởng tượng được thực tế còn tan hoang hơn vậy.

Ông Màng kể rằng “Chừng 30 phút bão nổi thì mái nhà bị cuốn bay. Sau đó gió đánh sập luôn gian nhà chính, vợ chồng tôi nhìn mà rụng rời”.

Hai vợ chồng nhà ông Màng sống với nhau đã 70 năm, có lẽ chưa bao giờ nghĩ đến một ngày phải rơi vào cảnh “nát nhà” như bây giờ. Bà Mót, vợ ông Màng còn bị bệnh ở chân, vừa đi nạng vừa cùng chồng dọn dẹp đống gạch.

Bà Mót vừa chống nạng vừa đi nhặt những viên gạch còn sót lại (ảnh chụp màn hình báo Tuổi trẻ).

Trong lúc hoạn nạn, có những người hàng xóm đỡ đần lẫn nhau. Người thì giúp ông giúp ông nhặt lại gạch cũ, người thì mua ít xi măng dựng lại vách tạm bợ. Ông Màng vẫn cố đi tìm xem tấm tôn nhà mình bị gió cuốn đến chỗ nào…

“Mấy cháu giúp dựng lại vách tường, còn tôn làm mái nhà chẳng biết lấy tiền đâu mua. Từ khi bão tan, vợ chồng tôi sống tạm dưới chái bếp, tối gió thổi lạnh lắm mà hai vợ chồng phải ráng”, ông Màng nói.

Video xem thêm: An phận chờ ngày ‘lá rụng về cội’, vợ chồng cụ ông lại tìm được phương pháp để sống khoẻ, vui