Sau vụ sạt lở núi tại Trà Leng vào chiều 28/10, Hải và Tú (trường PTDT nội trú Nam Trà My) cùng Điệp – cô học trò lớp 11, Trường THPT Nam Trà My không may mắn bị mất người thân.

Câu chuyện không may của Thanh Tú

Theo báo VnExpress, hai ngày sau vụ sạt núi tại Trà Leng, sáng 30/10, Thanh Tú cùng 5 học sinh khác được thầy cô chở về nhà – giờ đã là 1 nơi đổ nát sau trận lở núi.

Lê Thanh Tú dõi mắt về nơi từng là nhà mình, bây giờ chỉ còn đất bùn, cột kèo vương vãi, sách vở học sinh ướt mèm. Nơi Tú sống có 14 nóc nhà người Mơ Nông (gọi tên nóc Ông Đề), già làng uy tín nhất cũng là ông ngoại của Tú.

Lê Thanh Tú được thầy Hồ Văn Việt ở cạnh an ủi.
Ảnh chụp màn hình hiển thị trên báo VnExpress.

Tiếng khóc của cậu thiếu niên 17 tuổi bị tiếng tiếng máy xúc, tiếng nước đổ ầm ầm át đi. Cả trăm người tìm kiếm các nạn nhân mất tích, trong đó có ba Tú là ông Lê Quang Việt – Bí thư xã Trà Leng. Lúc lở núi, mẹ Tú – bà Hồ Thị Bông may mắn thoát nạn.

Còn Tú và anh trai là Lê Thanh Nhã đi học xa không có ở nhà. Đến chiều 30/10, lực lượng cứu hộ vẫn chưa tìm thấy thi thể ông Việt.

Tú chia sẻ, vài giờ trước khi bão số 9 đổ bộ, sáng 28/10, em còn nghe điện thoại của ba. “Ba dặn ở yên trong trường, đừng ra ngoài khi có bão. Ba bảo ở nhà vẫn an toàn. Có ai ngờ…”, Tú nói giữa chừng thì bật khóc.

Một ngày sau, Tú mới biết chuyện qua báo đài truyền thông. Em đã gọi hàng chục cuộc cho ba nhưng không có tín hiệu. Tú chạy lên trường xin thầy cô về nhà. Nhà trường cố giữ học trò lại, hoàn cảnh này chưa an toàn, đường xa, nhiều điểm sạt lở.

Nam sinh mất 8 người thân trong vụ sạt lở

Cũng theo báo VnExpress, ngày 30/10, lúc 11h15, khi lực lượng cứu hộ đưa được 1 thi thể bị từ trong bùn lên, Hồ Văn Hải cố rướn nhìn mặt người bị nạn, nhận ra không phải người nhà, cậu lủi thủi quay lên bờ.

Hải đã mất 8 người thân gồm bố mẹ, hai em trai ruột, anh rể và các chú bác. Lực lượng cứu hộ đã tìm thấy ba Hải chiều qua.

Ba Hải được chôn cất cạnh khu vực núi lở chỉ vài trăm mét. Nấm mồ lấp vội, cao hơn mặt đất tầm 30cm, quây bằng 3 miếng ván nhỏ để người trên hiện trường nhận biết khỏi dẫm lên.

Hải học nội trú, cách vài tháng em mới về nhà. Chủ nhật tuần trước Hải về thăm, bà Hồ Thị Thắm gói cho con 2 bộ quần áo thu đông, bảo trời sắp chuyển lạnh. Bà nhét thêm đôi dép mới mua, với nắm xôi cho con ăn tối.

Hồ Văn Hải mất 8 người thân trong vụ lở núi ở Trà Leng.
Ảnh chụp màn hình hiển thị trên báo VnExpress.

Ông Hồ Văn Ton thấy con trai nhảy lên xe máy của bạn về trường, ông Ton chạy ra cửa gọi với theo “Đi học cho đàng hoàng, đừng có ra ngoài chơi”. Chàng trai 17 tuổi không ngờ đó là lần cuối cùng mình gặp người thân.

Cùng nỗi đau, cô học trò lớp 11 sụp đổ bên 2 nấm mồ

Báo Tuổi Trẻ cho biết, đó là em Hồ Thị Điệp, học sinh lớp 11, Trường THPT Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam.

Thầy Trần Thanh Quốc – hiệu trưởng Trường THPT Nam Trà My cho biết nhà của Điệp nằm ở ngay vị trí sạt lở. Mấy ngày trước thấy bão vào, các thầy cô giáo đã giữ Điệp và các học sinh ở xa lại trong trường, không cho về nhà vì sợ nguy hiểm.

Rạng sáng 29/10, khi nhận được tin cả thôn 1 xã Trà Leng bị xóa sổ thì Điệp gọi thầy cô và nói rằng không liên lạc được với cha mẹ. Dù biết rõ cha mẹ Điệp đã bị nạn nhưng các thầy cô cố giấu để không làm Điệp hoảng loạn, sốc.

Hồ Thị Điệp gục đầu tuyệt vọng trước hai nấm mồ của bố và mẹ.
Ảnh chụp màn hình hiển thị trên báo Tuổi Trẻ.

Đầu giờ chiều, hiệu trưởng Trường Nam Trà My cùng 7 thầy cô giáo khác dẫn Điệp vượt núi về làng. Lúc 16h40, khi vừa đặt chân tới đầu dốc và thấy đống đổ nát, Điệp lao tới rồi sụp xuống khóc nức nở.

Người làng đã dẫn em tới hai đống đất được phủ bạt lên trên và nói cho em biết dưới đó là bố mẹ em. Bà con nói rằng do có nhiều người chết nên họ đào được ai lên thì chôn tại chỗ và đánh dấu tên tuổi kẻo thi thể phân hủy.