Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng bị bắt vì nhận hối lộ; Bộ Công an đề nghị phong tỏa bất động sản của ông Trịnh Văn Quyết; 8 trận động đất ở Kon Tum chỉ trong 2 ngày là những tin nổi bật tuần qua.

Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng bị bắt

Ngày 14/4, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam ông Tô Anh Dũng (58 tuổi) – Thứ trưởng Ngoại giao, với cáo buộc nhận hối lộ trong khi thực hiện “chuyến bay giải cứu”.

Bị bắt cùng tội danh trên có ông Phạm Trung Kiên (41 tuổi, chuyên viên Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế, Bộ Y tế) và Vũ Anh Tuấn (43 tuổi, cựu cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an).

Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng (ảnh chụp màn hình TTXVN).

Liên quan vụ án này trước đó hôm 25/3, công an đã khởi tố bị can, tạm giam Hoàng Diệu Mơ (Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại Du lịch và Dịch vụ hàng không An Bình) về tội Đưa hối lộ.

Trước đó, hồi cuối tháng 1, bà Nguyễn Thị Hương Lan (Cục trưởng Cục Lãnh sự), Đỗ Hoàng Tùng (Phó cục trưởng đơn vị này), Lê Tuấn Anh (Chánh văn phòng của cục) và Lưu Tuấn Dũng (Phó phòng Bảo hộ công dân) cũng bị khởi tố về tội Nhận hối lộ.

Bộ Công an đề nghị phong tỏa bất động sản của ông Trịnh Văn Quyết

Theo VnExpress, ngày 14/4, Bộ Công an gửi công văn tới Chủ tịch các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc phối hợp phục vụ điều tra vụ án Thao túng thị trường chứng khoán xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn FLC, Công ty CP Chứng khoán BOS và các công ty liên quan.

Bộ Công an đề nghị các địa phương rà soát, cung cấp thông tin, tài liệu về tài sản như bất động sản, cổ phần, cổ phiếu, góp vốn đứng tên vợ chồng ông Quyết cùng hai em gái ruột Trịnh Thị Thúy Nga, Trịnh Thị Minh Huế. Trước đó, ông Trịnh Văn Quyết cựu chủ tịch FLC   cùng hai em gái đã bị khởi tố, tạm giam.

Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết – ảnh baochinhphu.

Bộ Công an cũng đề nghị các tỉnh tạm dừng cho giao dịch chuyển nhượng, mua, bán, cho, tặng, cầm cố, thế chấp,… với các khối tài sản như bất động sản, cổ phần, góp vốn, cổ phiếu của ông Quyết và các cá nhân trên. Đề nghị cung cấp thông tin trước ngày 15/4.

Cũng trong ngày 14/4, tỉnh Quảng Ngãi đánh đi công văn hỏa tốc đề nghị các đơn vị liên quan trong tỉnh thực hiện yêu cầu của Bộ Công an như vừa nêu.

Ông Trịnh Văn Quyết bị cáo buộc đã bán chui 74,8 triệu cổ phiếu vào ngày 4/1 vừa qua cho phiên giao dịch vào ngày 10/1, thu về hơn 1.500 tỷ đồng.

Theo thông báo của Bộ Công an, các hành vi của ông Quyết đã đủ yếu tố cấu thành tội “Thao túng thị trường chứng khoán”.

37.000 người rút bảo hiểm một lần ở TP. HCM trong 3 tháng

Số liệu của BHXH TP.HCM, chỉ 3 tháng đầu năm 2022, toàn thành phố đã có khoảng 37.000 người làm thủ tục nhận BHXH một lần, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2021. Tập trung đông ở các quận, huyện vùng ven có nhiều lao động ngoại tỉnh như TP Thủ Đức, Hóc Môn, Củ Chi, Quận 12…

Theo phản ánh của người lao động, họ bí bách quá mới rút BHXH một lần để trang trải nhu cầu thực tế. Trong đó, nhiều người cho biết, dịch bệnh kéo dài thời gian qua cũng khiến họ thiếu trước, hụt sau nên xem việc rút BHXH một lần như là cứu cánh cho hoàn cảnh hiện tại.

Trao đổi với báo chí về xu hướng này, ông Phan Văn Mến, Giám đốc BHXH TP. HCM cho biết, thời điểm sau Tết, nhất là giai đoạn từ tháng 3 và tháng 4/2022, lượng người từ các tỉnh thành tới TP.HCM tìm việc làm rất lớn. Tuy nhiên, nhiều người không xin hoặc chưa xin được việc làm khiến đời sống của họ gặp rất nhiều khó khăn, đó cũng là lúc họ nghĩ đến việc rút sổ BHXH.

8 trận động đất ở Kon Tum chỉ trong 2 ngày

Từ sáng ngày 15 đến 16/4, trên địa bàn huyện Kon Plong (Kon Tum) đã xảy ra 8 trận động đất liên tiếp có độ sâu tiêu chấn từ 8-8,5 km, trong đó có trận với cường độ mạnh nhất là 4,1 Richter gây rung lắc mạnh. 

PGS. Cao Đình Triều cho biết, động đất xảy ra liên tiếp sau khi hồ chứa tích nước, lại xảy ra trên đới đứt gãy từng ghi nhận động đất kích thích.

Vị trí chấn tâm trận động đất tối 15/4 – ảnh igp-vast.vn.

Tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, nơi ghi nhận hàng loạt trận động đất thời gian gần đây có Nhà máy Thủy điện Thượng Kon Tum mới đưa vào vận hành và phát điện tổ máy số 1 vào 24/3/2021, chính thức được triển khai tích nước vào ngày 26/2/2020.

Qua rà soát đến nay trên địa bàn tỉnh có 81 vị trí thủy điện vừa và nhỏ được phê duyệt quy hoạch, tổng công suất lắp máy 868,8 MW. 

Liên tiếp xảy ra các vụ cháy gây chết người

Hiện nay, đang trong cao điểm nắng nóng, nguy cơ cháy nổ tiểm ẩn rất lớn. Các chuyên gia cho biết, vào mùa Hè lượng tiêu thụ điện tăng vọt dễ dẫn tới quá tải hệ thống điện trong mỗi gia đình khiến xảy ra chập cháy hiện hữu, đặc biệt là hộ gia đình, nhà ở kết hợp kinh doanh trong khu dân cư…

Mới đây nhất hôm 14/4,  một vụ hoả hoạn xảy ra tại khu nhà tạm dành cho nhân viên bảo vệ của một trường tiểu học Phù Đổng, phường Tân Biên, TP.Biên Hòa (Đồng Nai) khiến bé gái 12 tuổi (con của một nhân viên bảo vệ) tử vong.

Hiện trường vụ cháy Quảng Ninh – ảnh chụp màn hình video.

Trước đó, vào khoảng 9h sáng ngày 12/4, biệt thự tại phường Cẩm Bình, TP. Cẩm Phả, Quảng Ninh bất ngờ bốc cháy khiến nữ chủ nhà tử vong, nguyên nhân vụ cháy được xác định là do chập điện.

Theo thống kê của Cục Cảnh sát PCCC trong năm 2021, toàn quốc xảy ra 2.245 vụ cháy, làm chết 85 người, bị thương 130 người, tài sản thiệt hại sơ bộ ước tính 374,42 tỷ đồng và khoảng 3.670 ha rừng. Xảy ra 21 vụ nổ, làm 12 người chết, bị thương 15 người. Ngoài ra, trong năm 2021 xảy ra 2.769 vụ sự cố.