Hoàng Duy Tiến, bị cáo buộc khi còn là cán bộ Phòng cảnh sát kinh tế đã móc nối thành lập công ty để nhập lậu hàng hóa trị giá hơn 211 tỷ đồng.

Chỉ 10 ngày, BV Nhi Trung ương ghi nhận thêm gần 1.000 ca nhiễm virus Adeno

Thông tin từ Bệnh viện Nhi T. Ư, tính từ 1/8 – 21/9/2022, tổng số ca bệnh nhiễm virus Adeno phát hiện là 1.316 trường hợp với 738 bệnh nhân nội trú. Tỷ lệ chung trẻ mắc virus Adeno nhập viện chiếm khoảng 4% so với tổng số người bệnh điều trị nội trú.

Trước đó, từ ngày 1/8 – 12/9/2022 bệnh viện này ghi nhận 412 trẻ nhiễm virus Adeno (nhiều hơn tổng số ca nhiễm của cả năm 2021 và tăng hơn 44,1% so với cùng kỳ 2021; 6 ca đã tử vong). Như vậy, trong vòng 10 ngày, số ca nhiễm virus Adeno đã thêm gần 1.000 ca.

Cũng theo Bệnh viện Nhi T. Ư., tổng số ca nhiễm virus Adeno ghi nhận từ đầu năm 2022 là 1.406 ca bệnh, số ca bệnh nội trú 811 (chiếm gần 58%) với 7 ca tử vong.

Theo Giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương, virus Adeno lây truyền qua đường giọt bắn, qua đường hô hấp giữa người với người. Thời gian ủ bệnh khoảng từ 8-12 ngày. Bệnh do virus Adeno gây ra xuất hiện quanh năm nhưng đặc biệt phát triển mạnh vào thời điểm giao mùa xuân-hè hoặc thu-đông.

Đại úy công an ‘cầm đầu đường dây buôn lậu’ hơn 200 tỷ đồng

Công an TP.HCM đề nghị truy tố Hoàng Duy Tiến (cựu đại úy) và Võ Văn Đông (cựu Trung tá của đội Phòng, chống buôn lậu thuộc Phòng CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu, Công an TP.HCM) cùng 24 người khác về tội “Buôn lậu”.

Kết luận điều tra xác định, Tiến là kẻ chủ mưu, cầm đầu đường dây buôn lậu quy mô này. 

Phía công an cáo buộc, lợi dụng nhiệm vụ được giao trong lĩnh vực phòng, chống buôn lậu, ông Tiến đã liên kết cùng với một số người ngoài ngành hình thành một đường dây buôn lậu hàng điện máy, điện tử và thành lập nhiều công ty giao cho bạn bè, người tình đứng tên.

Kết luận điều tra, từ tháng 9/2019 đến ngày 24/5/2021, Tiến và đồng phạm sử dụng pháp nhận của 47 công ty, mở 1.146 tờ khai hải quan, nhập lậu 1.280 container hàng hoá về Việt Nam, với tổng giá trị lên đến 211 tỷ đồng.

Vụ trưởng Văn phòng Chính phủ bị bắt trong vụ ‘chuyến bay giải cứu’

Ngày 20/9, ông Nguyễn Thanh Hải, Vụ trưởng Quan hệ quốc tế của Văn phòng Chính phủ, bị công an bắt tạm giam với cáo buộc nhận hối lộ trong vụ án “chuyến bay giải cứu”.

Ảnh chụp màn hình báo Tuổi Trẻ.

Như vậy, ông Hải là người thứ 18 bị xử lý hình sự sau 8 tháng điều tra vụ án Đưa hối lộ, nhận hối lộ, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Giao thông Vận tải, Văn phòng Chính phủ và các đơn vị liên quan.

Trước đó người phát ngôn Bộ Công an cũng cho biết có gần 2.000 “chuyến bay giải cứu” người Việt từ nước ngoài về trong các đợt Covid-19. Mỗi chuyến bay sau khi trừ chi phí, lợi nhuận vài tỷ đồng.

37 ngư dân Việt Nam được Malaysia thả về nước nhưng bắt nộp phạt hơn năm tỷ đồng

Ngày 23/9, 37 ngư dân Quảng Nam bị phía Malaysia bắt giữ về tới nhà an toàn sau khi phải ra toà ở Malaysia và chịu phạt tiền hơn năm tỷ đồng với tội vi phạm Luật Thủy sản 1985 của Malaysia.

Ảnh chụp màn hình báo Người Lao Động.

Những ngư dân này bị bắt giữ vào sáng 11/6/2022 khi tàu đang ở vị trí cách đảo Công Đo thuộc quần đảo Trường Sa khoảng chín hải lý về phía đông nam. Tuy nhiên, theo văn bản ngày 29/6 của UBND tỉnh Quảng Nam, hệ thống giám sát của Biên phòng tỉnh ghi nhận, khi bị bắt, tàu cá của các ngư dân vẫn đang ở khu vực thuộc chủ quyền Việt Nam.

Việt Nam và Malaysia hiện vẫn còn một vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn ở vùng biển phía nam của Việt Nam và đông bắc của Malaysia. Ngoài ra, cả hai nước cũng đòi chủ quyền các đảo thuộc quần đảo Trường Sa ở Biển Đông là ngư trường truyền thống của ngư dân Việt Nam.

Rau củ Trung Quốc dán nhãn Việt Nam ngang nhiên bán tại hệ thống siêu thị 

Cục trưởng Cục quản lý thị trường TP. HCM ký công văn khẩn yêu cầu rà soát sau khi có tố cáo trên báo chí rằng hàng nông sản Trung Quốc bị xé bao bì và ghi nhãn Việt Nam.  

Theo tờ Tuổi Trẻ, công ty CP Sản xuất thương mại Đông A (TP. Thủ Đức, TP. HCM) nhập nấm từ Trung Quốc về xé bỏ bao bì, gắn mác VietGAP rồi phân phối tại hệ thống Bách Hóa Xanh. Tờ báo này còn phản ánh thực tế rằng lượng hàng trái cây, rau củ Trung Quốc nhập về một số chợ ở TP. HCM rất nhiều, lại rất rẻ.

Ảnh chụp màn hình báo Tuổi Trẻ.

Báo Tuổi Trẻ cũng đã nêu tên nhiều hệ thống bán lẻ khác gồm VinCommerce, TikiNGON, 3Sạch, Bách Hoá Xanh có hàng hóa của các nhà cung cấp là Công ty CP ĐT & SX Nông Sản Trình Nhi và Công ty TNHH Nông sản sạch Hugofarm, Đông A. 

Hiện các doanh nghiệp này sau đó nói đã rút hàng hóa và ngừng hợp tác với những nhà cung cấp vi phạm này.