Hình ảnh người phụ nữ trong tà áo dài dịu dàng với vành nón nghiêng nghiêng không những đã trở thành nguồn cảm hứng vô tận trong văn nghệ, sân khấu, thi ca nhạc họa, mà còn là biểu tượng vĩnh cửu về một vẻ đẹp mang tên Việt Nam.
Ngàn đời mưu sinh trên dải đất nhiều nắng mưa cùng đồng ruộng “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, từ xa xưa người Việt đã biết ứng phó với thời tiết bằng chiếc nón được làm từ nhành cây ngọn cỏ quanh mình. Theo truyền thuyết, chiếc nón con người sử dụng là được được mô phỏng theo chiếc nón của thần nữ chỉ dạy canh nông.
Hành trình phiêu lưu qua ngàn năm
Truyền thuyết cổ xưa của người Việt kể về một mùa bão kéo dài và khó khăn. Mưa kéo dài nhiều tuần, gây thiệt hại khắp cả nước. Khi mọi người bắt đầu tuyệt vọng, một người phụ nữ khổng lồ duyên dáng xuất hiện từ trên trời cao. Bà đội trên đầu một chiếc mũ khổng lồ làm từ bốn chiếc lá lớn được khâu lại bằng những thanh tre.
Chiếc nón lá khổng lồ của bà đã bảo vệ người dân khỏi cơn mưa lớn. Bà còn dạy người dân cách trồng một số loại cây trồng như lúa gạo. Một ngày nọ, nữ thần biến mất nên người dân Việt Nam đã xây dựng một ngôi đền để thờ nữ thần. Họ bắt đầu đan những chiếc nón giống như chiếc mũ nữ thần đã dùng bảo vệ họ – làm bằng những chiếc lá lớn, được đan với nhau bằng tre.
Từ điển bách khoa Việt Nam có phần viết về nón như sau: “Truyền thuyết Thánh Gióng đội nón sắt đánh giặc cho phép ta tin rằng nón có từ lâu đời trên đất Việt cổ và từ xa xưa, có thể bằng tàu lá, bằng lông chim kết lại.”
Hình ảnh người đội nón là được tìm thấy trên trống đồng Ngọc Lũ, trống đồng Đông Sơn, thạp đồng Đào Thịnh cách đây khoảng 3,000 năm.
Từ thời Lý về sau, sử sách đã ghi nhận chiếc nón trong bộ trang phục dân gian của người Việt. Thủa đó, nón lá khá dày và nặng, được dùng cho cung tần mỹ nữ nhà Trần. Ðến thời Lê Mạt, nón được làm bằng thứ lá nhỏ trở nên tiện dụng hơn, được dùng như phục sức thường nhật của thường dân và binh lính thời Nguyễn.
Những dấu tích còn lưu lại trong sử sách và hội họa chứng tỏ nón lá cũng đã có ít nhiều ngàn năm lịch sử.
Trong bức họa ‘Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ’ của Trần Giám Như, vào khoảng năm 1363 thời Nguyên, có hai người đàn ông được khắc họa đội hai chiếc nón có hình dáng khác nhau: Một người đội chiếc nón vành xòe rộng, bên trên có cái chũm nhô cao, trong khi người kia đội chiếc nón cũng rộng vành nhưng chóp nhọn.
Dần dà, chiếc nón không chỉ được dùng như một vật chở nắng che mưa mà trở thành một phục sức không thể thiếu, biểu thị thân phận và nghề nghiệp của người Việt khi ra đường.
Chiếc nón có một cuộc phiêu lưu dài trên mảnh đất Việt với nhiều hình dạng, chất liệu và thân phận người mang. Từ vật bất ly thân trong đời sống canh nông, chiếc nón trở thành một phục sức không thể thiếu của người Việt khi ra đường.
Phạm Đình Hổ trong “Vũ trung tùy bút” liệt kê nhiều loại nón với kiểu dáng và nguyên liệu khác nhau, được dùng cho các tầng lớp người trong xã hội nửa cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19.
Nhu cầu sử dụng rộng rãi khiến hàng trăm làng nghề đan nón hình thành và phát triển phồn thịnh hàng trăm năm. Làng nghề đan nón ở Bình Định đưa sản phẩm nón lá sánh ngang với kỳ trân dị bảo, sơn hào hải vị, thành một thứ sản vật tiến vua.
Hoàng Việt nhất thống Dư địa chí thời nhà Nguyễn có ghi chép nón lá thuộc một trong những thổ sản Bình Định như kỳ nam, trầm hương, mỏ sắt, diêm tiêu, hồ tiêu, sáp mật ong, tê giác, voi, lụa sống, lụa đen, tơ màu, vải trắng, trà ngọt đắng, …
Sang thế kỷ 20, sự ưa chuộng nón lá của người Việt đã được thể hiện rõ nét trong những thước phim, tấm ảnh lưu dấu thời đại. Dù chủ thể hình ảnh là nữ sinh tha thướt áo dài, thiếu nữ đạp xe, nông phu cấy cày hay một phiên họp chợ, ở đâu ta cũng có thể bắt gặp dáng dấp chiếc nón hình chóp, giản dị như tâm hồn người Việt, cũng lãng mạn như một bài thơ.
Chiếc nón lá gắn liền với nét duyên dáng của người phụ nữ Việt. Tà áo dài, chiếc áo bà ba, hay áo tứ thân dường như thêm phần cốt cách, dịu dàng, kín đáo khi đi kèm cùng nón lá nghiêng che.
Cũng thế kỷ 20, sự xuất hiện của các loại mũ tiện lợi và thời trang đã khiến cho chiếc nón lá vắng bóng dần trong đời sống người Việt. Nhưng kỳ lạ thay, chiếc nón cũng chuyển mình từ công dụng che nắng che mưa thuở ban đầu, thành một vật trang trí mang đậm tính thẩm mỹ và bản sắc, và khiến chiếc mũ bằng lá mỏng manh của người Việt càng có sức sống mãnh liệt hơn bao giờ hết trong hành trình lịch sử của mình.
Chiếc nón thăng trầm cùng lịch sử của người Việt và trở thành một biểu tượng nữ tính Việt Nam, có mặt trong hầu hết trong mọi lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Nón lá làm nên linh hồn cho những bức tranh đắt giá và không khi nào vắng bóng trong những buổi trình diễn áo dài, biến hoá theo điệu múa kỳ ảo dưới ánh đèn sân khấu, rồi lại trở thành đồ trang trí nội thất đầy chất nghệ thuật dưới bàn tay tài hoa của kiến trúc sư.
Từ một vật che chắn đơn thuần, chiếc nón lá đã hóa thân thành một biểu tượng văn hóa gắn với tâm hồn người Việt và để lại dấu ấn sâu đậm trong con mắt bạn bè quốc tế.
Nón lá làng Chuông
Khắp ba miền Bắc, Trung, Nam đều có những vùng làm nón lá nổi tiếng và mỗi loại nón đều mang những nét đẹp, sắc thái riêng. Nón lá của người Tày có màu đỏ đặc trưng, trong khi nón ở Thanh Hóa khác với nón có gọng 20 viền. Nón Huế mỏng và thanh thoát, trái ngược với loại nón dày của Bình Định. Nón lá bền đẹp nức tiếng vùng đồng bằng Bắc Bộ là nón lá Làng Chuông ở huyện Thanh Oai, cách trung tâm Hà Nội chừng 40 km về phía Tây.
“Muốn ăn cơm trắng cá trê.
Muốn đội nón tốt thì về Làng Chuông”
(Ca dao)
Gần như gia đình nào ở Làng Chuông cũng làm nón lá. Ngôi làng nhỏ thuộc tỉnh Hà Tây này đã duy trì danh tiếng trong hơn ba thế kỷ.
Xưa kia, nón làng Chuông được những người thợ tài khéo làm ra để dâng lên hoàng hậu và công chúa. Hàng trăm năm qua, nón lá đã gắn bó với người phụ nữ Việt Nam để làm nên hình ảnh duyên dáng và yêu kiều.
“Trên đầu đội nón làng Chuông
Ra đồng, xuống chợ, tới trường, vào thơ
Dịu dàng che nắng, che mưa
Nón bằng, nón chóp ngàn xưa chung tình”
(Thơ “Nón làng Chuông” – Hoàng Cẩm Thạch)
“Lên núi lấy lá non về làm nón”
Chợ làng Chuông họp 18 phiên chính trong tháng, bày bán đủ các loại nguyên liệu làm nón như lá non (hay lá lụi), lá cọ, mo cau, cật nứa, khung tre, chỉ thêu, sợi cước… thu hút đông đảo người dân trong vùng và thương nhân các tỉnh đến trao đổi, buôn bán. Lá non được lấy từ vùng núi Nghệ An – Hà Tĩnh. Cật nứa, tre, mo cau thì chở từ vùng trung du Hòa Bình, Phú Thọ…
Nón làng Chuông nức tiếng trong nam ngoài bắc vì vẻ đẹp thanh tao, bền chắc, từng mũi khâu đều tăm tắp. Hàng chục năm trước, làng làm nhiều loại nón khác nhau, nhưng hiện nay chỉ sản xuất loại nón lá thông dụng và còn một, hai nhà làm thêm nón quai thao, nón ba tầm.
Làm nón công phu nên một người làm chăm chỉ hoàn thành khoảng hai chiếc mỗi ngày. Nhưng nghề nón không kén người làm. Từ em nhỏ, thiếu nữ, cụ già và thậm chí, cả nam thanh niên trong làng đều biết khâu nón. Những bàn tay đưa nhanh thoăn thoắt từng đường kim mũi chỉ, từ vòng trong ra vòng ngoài, đều tăm tắp mà không hề làm rách lá.
Để làm ra được một chiếc nón lá hoàn hảo, người thợ phải tỉ mỉ từ khâu chọn lá, phơi lá, vuốt lá. Lá làm nón tùy mỗi vùng miền và tùy làng nghề, có thể dùng lá dừa, lá mật cật, lá buông, lá cọ…
Sau khi chọn được lá nón tốt, người thợ phải mang tàu lá nón đi luộc chín, rồi phơi và vuốt thẳng, bằng cách dùng một miếng gang (sắt) đặt trên bếp lò được đốt nóng, lửa phải vừa độ, không bị nóng quá sẽ làm cháy lá cũng không nguội quá thì là không phẳng. Sau đó, đặt lá lên dùng cục vải vuốt cho đến khi thẳng bóng, nhưng không được để lá bị ngả vàng và đem phơi rồi ủ khô sao cho luôn giữ màu xanh trắng tự nhiên.
Vành nón chính là xương sống của nón. Những người thợ làm nón chuốt từng nan tre (nhiều làng nghề dùng cây trúc, hoặc cây giang) sao cho tròn đều nhưng phải mảnh, thường chỉ lớn hơn que tăm một chút. Mỗi cái nón sẽ có 16 nan tre được uốn thành những vòng tròn, càng lên đỉnh càng nhỏ dần, vòng nhỏ nhất chỉ bằng đồng xu. Vành nón phải đều tăm tắp, không được méo mó, xộc xệch, thì chiếc nón được tạo ra mới đẹp.
Sau công đoạn xếp vành lên khung, đến giai đoạn lợp lá. Mỗi chiếc nón gồm từ 2 hoặc 3 lớp lá được xếp ngay ngắn lên mô nón; phải thật sự khéo léo để lá không bị chồng lên nhau hay xô lệch. Sau đó, người thợ sẽ dùng một cái vành, chụp lên bên ngoài mô nón để giữ cho lá nằm cố định. Tiếp đó đến công đoạn chằm (khâu lá)
Chằm nón là phần quan trọng nhất để tạo nên một chiếc nón bền, đẹp; đòi hỏi người khâu phải có đôi tay khéo léo giữ cho các lớp lá trên nón không rách, lá thật phẳng, không có nếp nhăn, lồi lõm. Người thợ chằm nón bằng kim, mũi kim phải thẳng, đều như thêu từ trong ra ngoài.
Nức vành là công đoạn cuối cùng. Chiếc nón hoàn thành xong được quét một lớp dầu bóng để chiếc nón không bị mốc, tăng độ bền lâu và thêm tính thẩm mỹ. Quai nón được buộc đối xứng ở hai bên. Quai nón thường được làm từ nhung hoặc lụa với nhiều màu sắc khác nhau: cam, đỏ, hồng, tím… để làm tăng nét duyên cho người đội.
Nón lá Làng Chuông không chỉ là những vật dụng thiết thực, mà còn là những tác phẩm nghệ thuật, được vẽ tỉ mỉ và trang trí bằng những hoa văn tinh xảo, được công nhận là sản phẩm ngoại giao của Việt Nam, trưng bày tại nhiều lễ kỷ niệm, sự kiện văn hóa trong nước và quốc tế.
Một di sản vĩnh cửu
Di sản nghề làm nón lá tiếp tục phát triển mạnh mẽ, làm say đắm lòng người gần xa. Nghề thủ công khiêm nhường này không chỉ bảo tồn bản sắc văn hóa của Việt Nam mà còn thể hiện sự kiên nhẫn, khéo léo cũng như cảm quan nghệ thuật tinh tế. Bên trong mỗi chiếc nón lá được tạo ra tỉ mỉ là câu chuyện về một dân tộc, minh chứng cho vẻ đẹp trường tồn của truyền thống ngay cả trong xã hội hiện đại, gắn kết các thế hệ trong một mối liên kết không thể tách rời.
Mặc dù mặt hàng thủ công vượt thời gian này đang dần giảm độ phổ biến trong thế hệ trẻ, nhưng chiếc nón lá – vật dụng vốn sinh ra để che nắng mưa cho người nông dân một nắng hai sương, trải qua nhiều thế kỷ phiêu lưu cùng người Việt, biến đổi từ công dụng đến chất liệu, vẫn luôn hàm chứa trong đó những giá trị văn hóa sâu sắc, là minh chứng sống động cho di sản văn hóa phong phú của Việt Nam.
Đan Thư thực hiện/The Epochtimesviet