Giới chức thủ đô Budapest của Hungary đã đổi tên 4 con đường theo các “chủ đề nhạy cảm” để phản đối dự án xây trường đại học của Trung Quốc tại Hungary. Động thái này của Budapest đã khiến Bắc Kinh tức giận.
Theo SCMP, khoảng 10.000 người tham gia diễu hành ở thủ đô Budapest để phản đối kế hoạch xây dựng trường Đại học Phúc Đán của Trung Quốc ở Hungary. Dự án này được xây dựng thay cho một khu nhà ở giá rẻ của sinh viên ở Budapest đã được quy hoạch trước đó.
- Biển Đông: Trung Quốc thị uy, Malaysia ngại căng thẳng
- Trung Quốc giúp Campuchia nâng cấp căn cứ quân sự Ream khiến Mỹ lo lắng
- Hơn 200 nghị sỹ Mỹ yêu cầu quy trách nhiệm đại dịch cho chính quyền Trung Quốc
Ngày 5/6, ước tính có 10.000 người biểu tình ở thủ đô Budapest để phản đối kế hoạch của chính phủ về việc xây dựng Đại học Phúc Đán tại Hungary. Kế hoạch này đã trở thành chủ đề nóng bỏng, gây tranh cãi ở thủ đô Budapest.
Người dân Budapest phản đối xây trường Đại học Phúc Đán của Trung Quốc
Theo một tài liệu được tiết lộ bởi Direkt36, dự án Đại học Phúc Đán chủ yếu sử dụng nhà thầu Trung Quốc để triển khai; và nguồn tài trợ là các khoản vay thương mại của Trung Quốc. Chi phí xây dựng dự kiến 1,5 tỷ USD. Đại học Phúc Đán sẽ được xây dựng thay cho kế hoạch khu nhà ở giá rẻ cho sinh viên ở Budapest đã được quy hoạch trước đó.
“Thay vì xây ký túc xá, họ xây dựng một trường đại học khác dành riêng cho giới thượng lưu”, lãnh đạo hội sinh viên, Áron Berezcki cho biết trong cuộc biểu tình.
“Mục tiêu của chúng tôi là khôi phục lại các kế hoạch ban đầu cho các sinh viên. Tuy nhiên, chính phủ đã bác bỏ những kế hoạch này và đặt mục tiêu xây dựng Đại học Phúc Đán. Đây là một nơi dành riêng cho giới thượng lưu”, một chính trị gia, Jambor Andras nói với SCMP.
Chính trị gia Andras nói tiếp: “Chúng tôi muốn nhà giá rẻ cho sinh viên ở khu vực này, chứ không phải một trường đại học khác, đặc biệt nếu nó phải trả giá bằng việc hy sinh một dự án nhà ở rất cần thiết ở Budapest”.
Người dân Hungary lên tiếng phản đối dự án của Trung Quốc
Các đối thủ chính trị của Thủ tướng Viktor Orban tuyên bố rằng, dự án sẽ làm gia tăng tình trạng tham nhũng của đảng Fidesz (cánh hữu của ông Orban).
“Dự án này cho thấy rõ ràng Hungary không nghiêng về các đồng minh truyền thống ở phương Tây, mà ủng hộ các đồng minh chuyên quyền”, một thành viên của Nghị viện châu Âu đại diện cho đảng Momentum tự do, Katalin Cseh nói với SCMP.
Tại cuộc biểu tình, thị trưởng tự do của Budapest, ông Gergely Karacsony phát biểu: “Chúng tôi đang lên tiếng phản đối việc bán chủ quyền quốc gia của Hungary; chứ không phải là chống lại nhà nước Trung Quốc, không phải là chống lại người dân Trung Quốc. Chúng tôi đang đứng lên vì đất nước của chính mình”.
Một số người biểu tình mang các “biểu ngữ” cáo buộc lãnh đạo của Hungary là “phản quốc”. Trong khi đó một số người khác tưởng niệm vụ Thảm sát Thiên An Môn vào ngày 4/6/1989.
Một cuộc thăm dò tại Hungary cho thấy, dự án xây đại học của Trung Quốc không được các cử tri ủng hộ. Một cuộc khảo sát của Publicus Research vào tháng 5 cho thấy, chỉ có 20% số người trả lời ủng hộ xây dựng Đại học Phúc Đán ở quận Ferencváros.
Hungary đổi tên 4 con đường theo 4 ‘chủ đề nhạy cảm’ khiến Bắc Kinh tức giận
Đầu tuần này, giới chức Budapest đã đổi tên đường phố xung quanh địa điểm dự kiến xây dựng trường Đại học Phúc Đán của Trung Quốc để phản đối dự án “không mong muốn” này.
Bốn con phố được đổi tên là “Đường Hồng Kông tự do”, “Đường liệt sỹ Duy Ngô Nhĩ”, “Đường Đạt Lai Lạt Ma” và “Đường Giám mục Tạ Sĩ Quang (Xie Shiguang)”.
Cả 4 cái tên đều động đến những “chủ đề nhạy cảm” đối với chính quyền Trung Quốc.
Bắc Kinh bị lên án mạnh mẽ về tình trạng bóp nghẹt tự do tại Hồng Kồng; đàn áp người dân tộc Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
Đạt Lai Lạt Ma là lãnh tụ tinh thần của Phật giáo Tây Tạng. Ông buộc phải rời khỏi Tây Tạng tới Ấn Độ vào năm 1959; vài năm sau khi Tây Tạng bị quân đội Trung Quốc xâm lược, chiếm đóng.
Giám mục Tại Sĩ Quang là một giám mục Công giáo Trung Quốc bị đàn áp, bắt giữ nhiều lần vì ông không chấp nhận tham gia vào hiệp hội do Đảng Cộng sản Trung Quốc kiểm soát.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng hành động đổi tên đường của Budapest là “đáng khinh” và “đáng xấu hổ”.
“Một số chính trị gia Hungary đang cố gắng thổi phồng các vấn đề liên quan đến Trung Quốc để thu hút sự chú ý và cản trở sự hợp tác giữa Trung Quốc-Hungary”, phát ngôn viên Uông Văn Bân nói trong một cuộc họp báo tại Bắc Kinh.