Cộng hòa Pháp cùng với các thành viên khác trong Liên minh châu Âu đang tiếp tục “leo thang” chiến lược gia tăng sức ép lên Trung Quốc, theo SMH.

Pháp mới đây đã bổ nhiệm đặc phái viên hàng đầu tại Australia thành đại sứ khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Động thái này xuất hiện khi Pháp đang bắt tay với Đức để thúc đẩy Liên minh Châu Âu áp dụng chiến lược đối phó với Trung Quốc.

Theo SMH, đây được xem là một bước leo thang rõ rệt nhất trong chiến lược của Pháp đối với Trung Quốc trong thời gian qua.

Theo kế hoạch, Đại sứ Christophe Penot sẽ chuyển công tác tới trụ sở Paris vào ngày 13/10. Tại đây, ông nhận trách nhiệm phối hợp ngoại giao trong toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Trong khi đó, ông Jean-Pierre Thebault sẽ tiếp quản vị trí của ông Penot tại Úc.

Pháp cử ông Christophe Penot, Đại sứ tại Úc, làm nhà ngoại giao toàn khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, một động thái được cho là nhằm ứng phó với Trung Quốc (ảnh chụp màn hình La France en Australie/Youtube).

Do Úc có vị trí gần và có nhiều liên kết kinh tế với Trung Quốc, nên Canberra được coi là cầu nối quan trọng giữa Bắc Kinh với phương Tây.

Đồng thời, Úc còn là đồng minh thân thiết của Mỹ, có vai trò quan trọng trong việc duy trì trật tự thế giới dựa trên luật lệ. Theo báo cáo của SMH, Mỹ đã tăng cường sự hiện diện của đại sứ quán tại Úc, đồng thời, bổ sung hơn 10 vị trí để sử dụng Canberra làm căn cứ cho các hoạt động Ấn Độ – Thái Bình Dương.

Giữa tình hình COVID hiện tại, SMH nhận định, châu Âu ngày càng lo ngại về các hành động của chính phủ Trung Quốc ở Hồng Kông, cách đối xử với người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương, xâm nhập quân sự ở Biển Đông và sự can thiệp chính trị tại nước này.

Pháp là cường quốc mới nhất đã thay đổi cách nhìn nhận về Trung Quốc. Vào tháng 9 vừa qua, Đức (vốn có mối quan hệ bền chặt với Bắc Kinh) đã công bố chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, với trọng tâm là gia tăng sức ép ngoại giao lên Trung Quốc.

Ngoại trưởng Đức Heiko Maas phát biểu rằng: “Chúng tôi muốn giúp định hình lại trật tự thế giới. Chúng cần dựa trên các quy tắc và hợp tác quốc tế chứ không phải dựa trên luật của kẻ mạnh”.

Từ Khóa: