Quy định khi phát hiện F0, cả lớp phải xét nghiệm khiến nhiều trường học gặp khó khi phải chi một lượng kinh phí lớn mua que test nhanh.
- Phát hiện cơ sở nấu dầu DO giả rộng 4.000m2 ở Bà Rịa – Vũng Tàu
- Xe tải mất thắng lao vào đám cưới, khách dự tiệc tháo chạy
- Nhà máy nước sạch gần 26 tỷ bỏ hoang vì thiếu nước
Theo quy định do Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT ban hành, khi phát hiện học sinh là F0 ở lớp, nhà trường cho dừng tiết học và xét nghiệm Covid-19 kháng nguyên toàn bộ học sinh, giáo viên trong lớp. Nếu học sinh nhận kết quả dương tính với Covid-19 thì xử lý y tế, cách ly theo quy định. Còn học sinh xét nghiệm âm tính Covid-19 thì được đi học trở lại bình thường.
Trường thiếu kinh phí, học sinh mệt mỏi vì test nhanh toàn bộ F1
Tại Hà Nội sau Tết Nguyên đán, học sinh đi học trở lại, số lượng F0, F1 tăng nhanh. Mỗi ngày tổ chức dạy học trực tiếp, ở tất cả các trường đều phát sinh số lượng F0. Do đó, hiệu trưởng các trường nói rằng, quy định mới sẽ gây tốn kém hàng trăm triệu đồng/tuần và ngân sách không đáp ứng.
Chia sẻ với VietNamNet, hiệu trưởng một trường THCS ở quận Nam Từ Liêm ví rằng đây là “một cuộc chơi tốn kém”.
Vị này tính toán: “Như trường tôi có 73 lớp, sĩ số trung bình mỗi lớp 36 học sinh. Nếu 1 ngày ở 60 lớp có F0, cứ tạm cho là mỗi lớp chỉ có 1 F0 thì nhân lên cũng đi tong 2.000 bộ test. Coi như giá mỗi bộ test rẻ 70.000 đồng, thì tổng số tiền nhà trường phải mất là 140 triệu đồng. Khả năng test gộp mẫu nhanh là khó với y tế của trường. Một tuần đi học dính 3 ngày như thế thì một tháng như vậy, tiền đâu cho đủ. Nhà trường nào và phụ huynh nào chịu cho thấu?”.
Vị hiệu trưởng nói thêm: “Bên tôi hiện nay mỗi ngày test khoảng 80 bộ, đó là chỉ mấy F1 ngồi cạnh F0 hoặc học sinh nghi ngờ mệt mỏi là test giúp phụ huynh. Chứ test cả lớp chắc nhà trường không đủ tiền mất”.
Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng trường Marie Curie (Hà Nội), nói rằng, quy định test nhanh cho cả lớp khi có một F0 vừa tốn kém cho trường, vừa mệt mỏi cho học sinh. Điều này trở thành nỗi lo của các trường khi có cùng lúc hàng nghìn học sinh đi học, số ca mắc mỗi ngày khá nhiều, lại rải rác ở nhiều lớp.
“Với cách này, nhà trường sẽ không thể trụ nổi chi phí và phụ huynh cũng than phiền khi đi học phải test nhiều lần”, ông Khang nói.
Trong khi đó nhiều phụ huynh cho rằng: “Đó là quy định rườm rà chỉ như đốt tiền cho que test. Nhà trường thiếu chẳng nhẽ phụ huynh lại ngồi chờ nên lại tự bỏ tiền mua test. Lượng cầu tăng liên tục khi các ca tăng chóng mặt không dừng khiến giá test lại tăng vùn vụt, nhà nhà buôn kit test, người người buôn kit test gây lãng phí”.
Trên diễn đàn ở trang VnExpress, nhiều ý kiến bày tỏ quan ngại về “test dai dẳng”. “Một ngày phát hiện 1 F0 là test toàn bộ lớp. Vài ngày sau có F0 lại test toàn bộ lớp. Mà bệnh này có thể tái nhiễm. Vậy sẽ test đến bao giờ mới hết test.”
“Nhà tôi tốn hàng chục triệu đồng để mua que test, gia đình “cháy túi vì test nhanh và xét nghiệm”.
“Việc test nhanh cho trẻ gây ra tác động tiêu cực đến sức khoẻ và tâm lý. Mỗi lần test là trẻ khóc thét, nhiều bé khác ở lớp bị tổn thương ở mũi.”
“Chỉ nên xét nghiệm những học sinh tiếp xúc gần F0”
Tin từ báo VTC NEWS, liên quan đến vấn đề này ông Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho rằng, nguồn lây nhiễm của học sinh nhiễm Covid-19 có thể từ gia đình, không phải ở lớp. Việc phát hiện F0 ở lớp và tổ chức xét nghiệm ngay cho toàn bộ học sinh khó đưa ra kết quả chính xác.
“Thời gian lây nhiễm virus có thể là 3 ngày sau khi tiếp xúc. Lúc đó, chúng ta mới có thể xét nghiệm nhanh và cho kết quả đúng”, ông nói.
Ông Nga nói thêm các trường có thể tổ chức xét nghiệm nhanh kháng nguyên cho học sinh ngồi cạnh, nói chuyện khoảng 15 phút, tiếp xúc gần dưới 2 m với F0. Khi tiếp xúc, các em không đeo khẩu trang hoặc đeo khẩu trang không đúng cách.
Bên cạnh đó, nhà trường cũng nên quan tâm những trường hợp học sinh có triệu chứng nhiễm bệnh hoặc người thân trong gia đình là F0 để xét nghiệm nhanh kháng nguyên.
Trong khi đó, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế Công cộng, ĐH Y Dược TP. HCM, thông tin một số quốc gia đã dựa trên tình hình ở từng lớp học để tổ chức xét nghiệm nhanh kháng nguyên Covid-19.
“Chúng ta không cần xét nghiệm cả lớp khi phát hiện F0 vì tốn kém chi phí, thời gian và gây lo lắng cho trẻ em. Nhà trường chỉ cần xét nghiệm những em tiếp xúc gần F0 trong 1 m”, ông Dũng cho biết trên Zing.