Người Việt Nam xưa lấy Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín làm văn hóa ứng xử trong cuộc sống. Văn hóa này được nhìn thấy từ những việc rất nhỏ như trong bữa cơm của các gia đình. Khi dạy trẻ nhỏ cha mẹ thường nói “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng”. Cách ăn uống cũng là một phần phản ánh văn hóa của gia đình. Ngày nay không ít phụ huynh đã vô tình quên mất câu ngạn ngữ; và để con tự do làm điều mình muốn trong bữa ăn.

Trong các lễ nghi của Hoàng Gia Châu Âu cũng dạy về các phép tắc lịch sự trong ứng xử. Thưởng thức ẩm thực hẳn là một phần không thể thiếu của những lễ nghi đó. Chỉ cần nhìn cách ăn uống cũng thấy được sự hàm dưỡng của một người. Cha mẹ có thể dạy phép tắc trong ăn uống cho con trước 10 tuổi; và tham khảo cách ứng xử trong bữa ăn dưới đây.

Văn hóa ứng xử trước bữa ăn

Bữa ăn của cả gia đình khá quan trọng, là bữa cơm sum vầy vui vẻ, gắn kết mọi người với nhau. Cùng nhau nấu nướng sắp đặt bữa ăn làm cho không khí gia đình trở nên ấm cúng hơn.

Cha mẹ khuyến khích các con lau bàn ăn sạch sẽ, chuẩn bị chỗ ngồi đủ cho tất cả thành viên; bày biện bát đĩa, thức ăn cân đối màu sắc đẹp mắt, thuận tiện ai cũng có thể gắp được các món trong mâm.

Chuẩn bị thêm đĩa đựng đồ bỏ đi trong quá trình ăn như xương, sạn, vỏ tôm… Trong mâm có trẻ nhỏ; nên có bát đựng đồ ăn chuẩn bị riêng để trước mặt trẻ.

Tránh dùng điện thoại trong bữa ăn trừ khi có việc khẩn cấp; nên xin phép ra ngoài nghe điện thoại, tránh ảnh hưởng đến mọi người trong mâm. Không nên để đồ dùng cá nhân trên bàn ăn.

Kiểm tra lần cuối trước khi mọi người ngồi vào mâm là đã đầy đủ; không ai phải nhấp nhổm đi lấy đồ bị thiếu. Chú ý rửa tay sạch trước khi ăn. Nếu có người về muộn, nên để phần đầy đủ thức ăn vào đĩa riêng; không để đồ ăn dở cho người về sau.

Văn hóa ứng xử trong bữa ăn

Khi ngồi vào mâm, người trẻ nên nhường vị trí thuận tiện nhất cho người lớn tuổi. Trước đây một gia đình có nhiều thế hệ sinh sống trong cùng một nhà, thì con dâu thường ngồi đầu nồi để xơi cơm cho mọi người.

Cách ngồi và mời ăn trong bữa cơm

Khi ngồi ăn nên thẳng lưng, không ngồi quá gần hoặc quá xa mâm; khi gắp thức ăn không nên nhổm mông lên. Tránh ngồi rung đùi, không chống tay và cằm trên bàn ăn; nên đặt cổ tay nhẹ nhàng ở mép bàn ăn.

Tùy vào văn hóa mỗi gia đình mà có lời mời cơm trước khi ăn. Thường người già nói “Các con ăn đi”, trẻ thì thưa “Con xin phép” hoặc có gia đình lần lượt mời tất cả những người có mặt trong bữa theo vai vế từ cao xuống thấp. Về điểm này nên phù hợp với văn hóa từng gia đình.

Nên đợi người cao tuổi hoặc chủ bữa tiệc bưng bát lên, rồi mình mới nên ăn. Trong bữa ăn nếu có món không hợp khẩu vị thì không nên chê. Điều này rất quan trọng, không chỉ là phép lịch sự, mà nó ảnh hưởng đến tâm lý mọi người trong mâm; và cũng là một phần giáo dục nhân cách. Khi chê là chưa trân trọng lao động của người khác.

Ứng xử cách ăn uống khi gắp thức ăn trong mâm cơm

Một mâm cơm Việt trong ngày Tết cổ truyền (Nguồn ảnh Bepgiadinh). Ăn trông nồi, ngồi trông hướng, cách ăn uống.
Một mâm cơm Việt trong ngày Tết cổ truyền (Nguồn ảnh Bepgiadinh).

Khi gắp thức ăn, nên đưa vào bát trước khi cho lên miệng; không chỉ ăn nguyên món mình thích, mà nên ăn vừa đủ phần của mình. Không tự ý di chuyển món thích ăn về gần mình. Nên đợi người khác gắp thức ăn xong thì mình gắp, không gắp chồng chéo trên mâm cơm.

Chú ý: Không nên lấy đũa đảo lộn thức ăn trong đĩa để tìm miếng mình thích ăn; nên nhường miếng ngon cho người cao tuổi hoặc các bậc sinh thành trước. Đây là thể hiện văn hóa ứng xử biết nghĩ cho người khác.

Ẩm thực của người Việt Nam thường có nhiều món nước chấm và canh trong bữa ăn. Để giữ vệ sinh cho mọi người trong mâm, không nên nhúng cả đầu đũa ăn vào bát nước chấm mà chỉ chấm phần thức ăn. Miếng ăn đang dở, không nên chấm lại vào bát nước mắm chung. Không nên dùng đũa khoắng vào bát nước chấm hoặc bát canh. Nếu có thể nên làm bát nước chấm riêng cho từng người trong mâm.

Ứng xử giao tiếp trong bữa ăn

Bữa ăn sum họp luôn có những câu chuyện vui xung quanh cuộc sống; chúng ta nên nhai hết thức ăn trong miệng rồi hãy nói chuyện; khi nhai thức ăn hoặc uống nước canh nên nhẹ nhàng tránh gây tiếng động lạ. Không gõ đũa, thìa vào bát ăn, mút đũa thìa cần tránh vì nó gây phản cảm và không đẹp mắt.

Nên gác đũa trên mâm, khi dùng tay để lấy canh. Múc xong cần để muôi múc (thìa canh) úp xuống bát canh, cán của muôi múc nên chếch ra phía không có người ngồi. Khi đồ ăn dạng nước gần hết, nên nhẹ nhàng nghiêng bát để múc, tránh cầm cả bát để uống.

Nếu gặp phải vật lạ trong thức ăn, từ từ lấy ra, không nhè ra bàn ăn. Tránh va chạm tay với người ngồi kế bên; nếu thuận tay trái nên nói trước để xếp chỗ cho phù hợp.

Văn hóa ứng xử sau khi bữa ăn kết thúc

Nếu nhà có khách, gia chủ nên ăn uống cùng tốc độ với khách; tránh để khách ngồi một mình ở cuối bữa. Khi ăn không để thức ăn dính ra mép, hoặc vương vãi thức ăn ra tay, ra bàn; khi đứng lên khăn bàn vẫn sạch. Nên dùng hết cơm và thức ăn trong bát trước khi rời bàn.

Nên nói lời cảm ơn sau bữa ăn, đừng tiếc lời khen ngợi món ngon. Nếu ăn ở nhà hàng nên tôn trọng và cảm ơn người phục vụ trực tiếp. Nên chủ động di chuyển ra bàn trà sau khi ăn xong; để tiện cho người thu dọn mâm cơm.

Chú ý: Chủ nhà khi nêm nếm gia vị cay cho món ăn cần cẩn trọng hỏi khẩu vị; vì có khách không ăn quen. Khách nếu có ăn kiêng đặc biệt nên nói trước với chủ nhà; tránh có sự khó xử trong bữa ăn. Phụ nữ sau khi ăn xong cần trang điểm lại nên xin phép vào phòng vệ sinh; không nên tô son trên bàn ăn trước mặt người khác.

Tinh tế và chu đáo đều ẩn giấu trong mỗi một chi tiết nhỏ. Lễ nghi và tâm thái trong cách ăn uống có thể thấy được sự tu dưỡng của mỗi người. Hãy cùng nhau thực hành văn hóa ứng xử truyền thống mà ông cha ta để lại; tôn trọng và biết nghĩ cho người khác từ những việc nhỏ mọi người nhé!

Xem thêm: