Quế là loại thảo mộc cổ xưa từng được quý như vàng. Trong nhiều thế kỷ, quế được sử dụng rộng rãi như một gia vị ẩm thực cũng như trong y học cổ truyền. Người xưa Trung Quốc đã biết những đặc tính đặc biệt của quế và sử dụng quế để cải thiện sức khỏe như làm ấm thận, dưỡng khí huyết và trị bệnh. Các nghiên cứu gần đây ở phương Tây đã xác nhận nhiều lợi ích sức khỏe của quế.
Bác sĩ Hồ Nãi Văn là bác sĩ Trung y tại Trung tâm Y học cổ truyền Đồng Đức Thượng Hải ở thành phố Đài Bắc, Đài Loan. Ông đã giới thiệu cách sử dụng các bài thuốc với quế để giảm đau thắt lưng và điều trị các vấn đề tuyến tiền liệt trong chương trình YouTube nổi tiếng “Chương trình sức khỏe Hồ Nãi Văn”.
Bác sĩ Hồ nói rằng vì quế là một chất sinh nhiệt trong tự nhiên nên có hiệu quả làm ấm thận và dưỡng khí huyết. Trung y cho rằng thận là gốc rễ của sự sống, khí là “năng lượng” hay “sinh lực” tạo nên sự sống trong cơ thể và Trung y thường gọi chất bổ sung dinh dưỡng trong cơ thể là máu. Khí và huyết phụ thuộc lẫn nhau và cũng hoạt động song song với nhau. Khí huyết luân chuyển khắp cơ thể, nuôi dưỡng các cơ quan và mô cũng như duy trì mọi hoạt động sinh lý sống của con người.
Hiện nay, cả Trung y và Tây y đều tìm thấy những điểm tương đồng trong các kết quả nghiên cứu liên quan đến việc dùng quế làm thuốc. Cộng đồng y tế đang tận dụng các đặc tính chữa bệnh tự nhiên của quế mà Trung y tin rằng sẽ hỗ trợ sức khỏe bằng cách làm ấm thận và nuôi dưỡng khí huyết.
Bác sĩ Hồ nhấn mạnh rằng bột quế mua ở các nhà thuốc Trung y là loại đáng tin cậy và hiệu quả nhất. Chất lượng quế càng tốt thì dược tính càng nhiều. Hơn nữa, nên đậy nắp đúng cách và bảo quản quế ở nơi khô ráo, mát mẻ.
Nhiều vấn đề sức khỏe do suy thận sau đây đã được chứng minh là cải thiện với quế.
Quế cải thiện chứng loãng xương và làm giảm đau thắt lưng
Bác sĩ Hồ chỉ ra rằng những người bị suy thận thường bị đau lưng. Ăn quế sẽ không chỉ làm ấm thận, giảm đau thắt lưng mà còn giúp xương và răng khỏe mạnh, thậm chí ngăn tóc bạc.
Một đánh giá toàn diện gần đây được công bố trên tạp chí Nghiên cứu thận và Thực hành lâm sàng đã đánh giá các cơ chế mà quế có thể làm giảm các biến chứng của bệnh thận mãn tính. Các nghiên cứu cho thấy quế không chỉ có lợi đối với bệnh tim mạch, béo phì và tiểu đường mà các hợp chất hoạt tính sinh học trong quế như cinnamaldehyde, acid cinnamic và cinnamic cũng có thể làm giảm các biến chứng thường gặp ở bệnh nhân mắc bệnh thận mãn tính, bao gồm kích ứng do căng thẳng oxy hóa, viêm nhiễm, tăng đường huyết, loạn khuẩn đường ruột, và rối loạn mỡ máu.
Thập toàn đại bổ thang tăng cường tỳ (lá lách), vị ( dạ dày), cật (thận) và ngũ tạng.
Thập toàn đại bổ thang chứa 10 vị thuốc: nhân sâm, bạch truật, phục linh, cam thảo, đương quy, địa hoàng, xuyên khung, rễ hoa mẫu đơn trắng, hoàng kỳ và quế. Các nhà thuốc Trung y thường bán thang thuốc này trong các gói hoàn chỉnh được làm sẵn. Thập toàn đại bổ thang đem nấu với vịt, gà mái hoặc gà trống có thể cung cấp chất bổ dưỡng tuyệt vời. Nhưng người thể trạng nóng không nên ăn quá nhiều, chỉ cần ăn một bát nhỏ là đủ.
Trung y cho rằng thể trạng của mỗi người đều khác nhau, và có hai loại phổ biến là lạnh hoặc nóng. Người thể trạng lạnh sợ lạnh hơn, đặc biệt là tay chân lạnh, lưỡi thường trắng và sưng; trong khi người thể trạng nóng thì sợ nóng hơn, miệng khô, táo bón và lưỡi đỏ hơn.
Chuẩn bị Thập toàn đại bổ thang:
- Thành phần: 3 đùi gà, 30 ml rượu gạo, 1800 ml nước và một gói Thập toàn đại bổ thang (có bán tại các nhà thuốc Trung y).
- Cắt gà thành từng miếng nhỏ và chần trong nước nóng để sử dụng sau.
- Đun sôi nước trong nồi sau đó cho gà và rượu gạo vào, nhớ vớt bọt khi sôi.
- Cho gói Thập toàn đại bổ thang vào nồi và đun sôi trở lại.
- Giảm nhiệt độ và hầm trong khoảng 50 phút.
- Nếu nấu càng lâu vị càng ngon vì nước dùng đặc hơn.
Bài thuốc chứa quế chữa tuyến tiền liệt.
Bài thuốc Trung y “Ngũ linh tán” gồm các vị thuốc: Phục linh, trạch tả, nấm trư linh, quế, bạch truật. Trương Trọng Cảnh là một danh y thời Đông Hán đã nhắc đến trong cuốn “Thương hàn tạp bệnh luận” của ông rằng Ngũ linh tán chủ yếu dùng để điều trị phù nề, tiêu chảy và tiểu đường.
Đối với các vấn đề tuyến tiền liệt ở người cao tuổi, bác sĩ Hồ khuyến nghị dùng “Xuân trạch thang” được sắc bằng cách thêm một ít nhân sâm hoặc đảm sâm vào Ngũ linh tán. Ông cũng khuyên rằng cả hai bài thuốc trên cần được bác sĩ Trung y kê đơn.
Cà phê và quế chữa tay chân lạnh
Thêm một muỗng bột quế vào cà phê sẽ không chỉ có hương thơm tuyệt vời mà uống vào sẽ làm ấm tay chân, tăng cường tuần hoàn máu và giúp phụ nữ giảm đau kinh nguyệt.
Quế với đường nâu dưỡng huyết, làm ấm tỳ vị
Trong những ngày trời se lạnh, bạn có thể pha một tách trà đường nâu quế uống vào sẽ làm ấm cơ thể tức thì.
Rượu quế giúp giảm đau nửa đầu
Theo mô tả trong cuốn sách Trung y kinh điển “Bản thảo cương mục”, dùng 37,5 gram bột quế thêm một lượng vừa đủ rượu để làm thành bột nhão sau đó bôi lên trán và/hoặc đỉnh đầu có thể giúp giảm đau nửa đầu. Cách này hiệu quả đến nỗi bạn có thể không cần phải dùng thuốc giảm đau nữa.
Uống quế cũng giúp giảm đau nửa đầu. Một nghiên cứu năm 2019 công bố trên Tạp chí Khoa học Thần kinh cho thấy quế là một phương pháp điều trị hiệu quả cho chứng đau nửa đầu và viêm nhiễm.
Các nhà nghiên cứu chia ngẫu nhiên 50 bệnh nhân đau nửa đầu thành hai nhóm: một nhóm uống ba viên bột quế mỗi ngày (mỗi viên chứa 600 mg bột quế) và một nhóm đối chứng uống ba viên thuốc an thần mỗi ngày (mỗi viên chứa 600 mg bột ngô). Thí nghiệm kéo dài trong hai tháng. Kết quả nghiên cứu cho thấy so với nhóm đối chứng thì tần suất, mức độ nghiêm trọng và thời gian đau nửa đầu ở bệnh nhân trong nhóm uống quế giảm đáng kể.
Bác sĩ Hồ cho biết có bốn loại người nên dùng ít hoặc không nên dùng quế:
- Người có thể trạng nóng
- Người thường bị khô miệng
- Người bị táo bón
- Phụ nữ có thai
Chú ý an toàn khi dùng quế
Nhiều công trình nghiên cứu nhìn nhận quế thường an toàn và có thể được dùng như một nguyên liệu hỗ trợ điều trị cải thiện sức khỏe của bệnh nhân.
Vì nồng độ coumarin khác nhau ở các loại quế khác nhau và có thể gây độc cho gan với lượng lớn nên chỉ nên dùng quế vừa phải.
Một số nghiên cứu cho thấy lượng coumarin hấp thụ hàng ngày không được vượt quá 0,1 mg/kg trọng lượng cơ thể. Mặc dù không có sự nhất trí chính thức về khuyến nghị nên dùng bao nhiêu quế mỗi ngày nhưng nhìn chung các bác sĩ chấp nhận rằng chỉ nên hấp thụ quế khoảng từ 1g đến 4g/ngày.
Lưu ý: Vì mỗi người có cơ chế thể chất khác nhau nên tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia Trung y.