Cha mẹ bé H. K. A ở Bắc Giang, dùng xi lanh bơm nước muối sinh lý để rửa mũi cho bé. Bất ngờ, em bé bị sặc, tím tái toàn thân.

Diễn biến nguy kịch khi rửa mũi bằng xi lanh

Bé trai H. K. A, hơn hai tháng tuổi trú tại Thành phố Bắc Giang; được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang ngày 5/1. Trong tình trạng tím tái toàn thân, thở gắng sức và nhịp tim nhanh.

Em bị sặc, sau khi cha mẹ dùng xi lanh bơm nước muối sinh lý để rửa mũi. Trước đó, em bị nghẹt mũi quấy khóc nên gia đình đã dùng cách trên. Trong khi đang vệ sinh mũi bé; xuất hiện cơn ngừng thở, tím tái toàn thân. Người nhà ngay lập tức hô hấp nhân tạo, và đưa bé đi cấp cứu.

Tại bệnh viện sản nhi, bác sĩ đã chẩn đoán bé bị “Hội chứng xâm nhập”. Lý do dịch rửa mũi họng chảy qua thanh quản vào khí quản, gây co thắt thanh, khí quản. Đây là nguyên nhân bé khó thở cấp tính và thiếu oxy trầm trọng.

Rất may là gia đình đã kịp thời hô hấp nhân tạo cho em, trước khi đưa đi nhập viện.

Ê kíp bác sĩ Khoa Cấp cứu, Hồi sức tích cực và Chống độc nhanh chóng thực hiện các biện pháp cấp cứu kịp thời. Cháu bé thoát khỏi cơn nguy kịch. Sau 2 tiếng, tình trạng bé ổn định, thở đều, da hồng hào, ăn sữa tốt. Bé được xuất viện về với gia đình, sau hai ngày cấp cứu.

Bác sỹ nói gì khi cha mẹ vệ sinh mũi cho trẻ

Bác sĩ Lê Nguyệt Minh – Phó Trưởng Khoa Cấp cứu, Hồi sức tích cực và Chống độc, Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang cho hay:

Vệ sinh mũi là phương pháp hiệu quả trong phòng và hỗ trợ điều trị các bệnh về đường hô hấp. Thực tế, nhiều phụ huynh chưa được trang bị đầy đủ kiến thức về phương pháp này. Nên áp dụng sai cách, sử dụng sai dung dịch hoặc tuỳ tiện lạm dụng việc rửa mũi.

Việc làm này gây nhiều biến chứng nghiêm trọng ở trẻ như: Viêm họng, viêm tai giữa, tổn thương niêm mạc mũi. Có thể khiến tình trạng nhiễm trùng của trẻ nặng hơn, thậm chí là đe doạ đến tính mạng của trẻ.

Rửa mũi cho bé.
Cha mẹ hãy cẩn trọng khi vệ sinh đường hô hấp cho trẻ nhỏ (ảnh: pixabay).

Trước đây, Khoa cũng từng cấp cứu trường hợp bệnh nhi ngừng thở, sau khi cha mẹ dùng nước muối sinh lý rửa mũi tương tự cháu A.

Gần đây, bệnh viện lại tiếp nhận một bệnh nhi 11 tháng tuổi; bé bị ngộ độc thuốc nhỏ mũi Naphazolin – một loại thuốc nhỏ mũi cấm dùng cho trẻ dưới 6 tuổi. Rất may, cả hai trường hợp trên đều được cấp cứu kịp thời.

Bác sỹ khuyến cáo về chăm sóc đường hô hấp cho trẻ

Bác sỹ Lê Nguyệt Minh chia sẻ với các bậc phụ huynh những điều nên và không nên khi chăm sóc đường hô hấp cho bé:

Cha mẹ không nên lạm dụng nước muối sinh lý, để rửa mũi cho trẻ. Bởi trong mũi họng đều có một lượng dịch tự nhiên; đủ để bôi trơn niêm mạc. Nó có tác dụng ngăn cản sự xâm nhập của vi khuẩn và bụi bẩn.

Việc thường xuyên rửa mũi bằng nước muối sinh lý, như cách nhiều cha mẹ vẫn hay làm; một mặt có thể khiến trẻ nhiễm trùng nặng hơn, do dụng cụ rửa mũi chưa được vô trùng. Mặt khác, vô tình làm khô lớp chất nhầy có tác dụng giữ ẩm, sát khuẩn tự nhiên của niêm mạc mũi.

Nếu đường hô hấp không còn lớp chất nhầy này, trẻ càng dễ bị khô mũi. Niêm mạc mũi sẽ phải tiết ra nhiều dịch nhầy hơn. Nó tụ lại ở mũi họng khiến trẻ nghẹt mũi, hay thở khò khè và ho; thậm chí dễ gây viêm nhiễm mãn tính.

Tuyệt đối không tự ý sử dụng xi lanh để rửa mũi cho trẻ, nhất là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Vì khi bơm xi lanh có áp lực cao, dễ gây sặc và sang chấn tâm lý cho con.

Hơn nữa, các loại xilanh đầu nhọn và sắc sẽ làm chảy máu mũi. Nó làm tổn thương niêm mạc mũi vốn đã mỏng, rất yếu và cực kỳ nhạy cảm với các tác động bên ngoài của trẻ.

Theo bác sỹ Minh đối với trẻ dưới 2 tuổi, nếu muốn thực hành rửa mũi cho con, cha mẹ cần tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa. Nếu có chỉ định, thì nên được tư vấn; và được nhân viên y tế hướng dẫn thực hành, trước khi thực hiện ở nhà.

Bác sỹ hướng dẫn vệ sinh mũi đúng cách cho bé

BS Nguyễn Thanh Sang (BV Nhi đồng thành phố HCM) lưu ý cách vệ sinh mũi tại nhà như sau:

  1. Cha mẹ đặt bé nằm ngửa.
  2. Để đầu của bé hơi ngửa nhẹ ra sau ( hoặc dùng 1 gối nhỏ chèn sau cổ).
  3. Cha mẹ nhỏ 2-3 giọt nước muối sinh lý, hoặc xịt nhẹ 1 đến 2 lần nước muối vào một bên lỗ mũi.
  4. Đợi 30-40 giây, rồi ghiêng bé sang bên ngược lại, để nước mũi chảy ra hoặc dùng dụng cụ hút mũi và nước muối chảy ra.
  5. Dùng khăn giấy lau sạch nước mũi chảy ra từ mũi và miệng.

Trường hợp sau khoảng 4 đén 5 ngày, mà trẻ vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm. Hoặc kèm theo sốt ho; đặc biệt là ho có đờm. Cha mẹ nên đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế, để được khám và điều trị kịp thời.

Để phòng ngừa các bệnh về đường hô hấp cho trẻ, nhất là khi thời tiết chuyển mùa. Cha mẹ cần tăng cường sức đề kháng cho trẻ, bằng cách ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng.

Ngoài ra cần giữ ấm cơ thể cho trẻ. Vùng cổ và ngực đặc biệt quan trọng. Nên đeo khẩu trang cho con khi đi ra ngoài. Những nơi có khói, bụi và ô nhiễm nên hạn chế cho trẻ tiếp xúc.

Có thể bạn quan tâm: