Hai con cá voi vây có nguy cơ tuyệt chủng đã chết nghi do bị tàu khu trục của Úc tông trúng trong lúc thử nghiệm hệ thống chiến đấu ở vùng biển phía tây nước Mỹ.

Hãng CNN ngày 12/5 đưa tin hai con cá voi được tìm thấy dưới thân tàu khu trục HMAS Sydney của hải quân hoàng gia Úc khi tàu cập cảng căn cứ hải quân San Diego, bang California (Mỹ) hôm 8/5.

“Hải quân coi trọng an toàn của động vật có vú trên biển và rất tiếc vì xảy ra sự cố này”, tuyên bố từ Hải quân Hoàng gia Úc cho hay.

Cơ quan Kiểm ngư NOAA (Mỹ) cho biết đang phối hợp với hải quân Úc và Mỹ để điều tra nguyên nhân vụ việc.

Hai con cá voi gặp nạn được xác định là cá voi lưng xám hay còn gọi là cá voi vây. Đây là loài cá voi lớn thứ hai thế giới, chỉ sau cá voi xanh. Dựa trên kích thước, cách thức di chuyển và sinh sống của loài, hai con cá voi chết được cho là hai mẹ con, trong đó con mẹ dài 20m và con con dài 7,6m. 

Theo NOAA, loài cá này được xếp vào nhóm có nguy cơ tuyệt chủng, hiện chỉ còn khoảng 3.200 con ngoài khơi Bờ Tây nước Mỹ. Chúng từng bị săn lùng ráo riết, nhưng mối đe dọa lớn nhất với loài này được cho là bị tàu đâm trúng.

Tàu HMAS Sydney dài 146,7m, lượng choán nước 7.000 tấn. Độ sâu của phần thân tàu nằm dưới mặt nước là 7,2 m. Đây là một trong những tàu chiến lớn nhất trong hạm đội Úc, được đưa vào hoạt động từ năm 2020.

Con tàu vừa thử nghiệm hệ thống chiến đấu trong cuộc tập trận ngoài khơi bờ biển California trước khi cập cảng San Diego hôm 8/5. 

Ông Carl O.Schuster, cựu chỉ huy Hải quân Mỹ, cho biết việc cá voi bị tàu hải quân đâm trúng là rất hiếm. Ông cho biết thêm: “Cá voi có thể nghe thấy âm thanh của tàu từ hàng km và thường tránh đi nơi khác, vì sóng âm trung tần và cao tần của tàu gây khó chịu cho thính giác của chúng. Tuy nhiên, sóng âm tần số thấp có thể khiến chúng bị nhầm lẫn ở vùng nước nông, nhưng tàu Úc được trang bị sóng âm cao tần”.

Tuy nhiên, một báo cáo của NOAA cho biết cá voi có thể bị đâm trúng khi đi kiếm ăn và di cư ở các vùng nước ven biển, đặc biệt là ở các tuyến đường vận chuyển sầm uất như ngoài khơi Nam California.