Tết Trung thu là dịp lễ tế Thần linh, thể hiện mối quan hệ Thiên nhân hợp nhất. Đèn kéo quân cũng là do Thần báo mộng chỉ dạy con người cách làm.

Thuở xưa, con người kính Thiên Địa. Mọi hoạt động trong đời sống của con người gắn liền với tự nhiên, hướng về Thần linh. Vì kính Thần nên con người thường nhận được sự điểm hóa, chỉ bảo của Thần. Đặc biệt, những người lương thiện, hiếu thảo được các vị Thần giúp đỡ.

Người xưa chú trọng chữ Lễ. Bên phải chữ Lễ (禮) là chữ Phong (豊). Trong chiết tự cổ, hình tượng chữ Phong giống rất nhiều viên ngọc được xâu chuỗi và buộc lại với nhau; biểu thị sự đánh trống dâng ngọc, tôn thờ Thần linh. Từ bách tính lê dân cho đến các vương tôn quý tộc đều coi trọng việc cúng tế, tôn kính trời đất và Thần Phật.

Tết Trung thu là một trong những dịp lễ tế Thần linh, thể hiện mối quan hệ Thiên nhân hợp nhất.

Trên thế giới này, thẳm sâu bên trong sinh mệnh con người, có một mối liên hệ hết sức tự nhiên với thiên thượng (ảnh: Internet).

Tết Trung thu có từ bao giờ?

Theo sử sách, Tết Trung thu đã có cách đây ít nhất 2.000 năm.

Ở nước ta và một số nước châu Á khác, ngày 15 tháng 8 âm lịch hằng năm được lấy làm ngày Tết Trung thu. Vì từ thời cổ xưa, các vị vua chúa có tục lệ tế mặt trời vào mùa xuân, tế mặt trăng vào mùa thu. Theo âm lịch, ngày 15 tháng 8 là chính giữa mùa thu được coi là ngày lành để làm lễ tế Thần mặt trăng. Như vậy, Tết Trung thu là dịp mà các vị vua chúa tế Thần mặt trăng.

Đồ cúng tế gồm có hoa quả và bánh hình mặt trăng. Bánh được làm từ các loại ngũ cốc, hoa quả thu hoạch nhờ mùa màng bội thu. Người nông dân vui mừng, dâng bánh và hoa quả để tỏ lòng tạ ơn Trời đất, Thần nông và ông bà tổ tiên.

Tập tục ăn bánh ra đời muộn hơn tập tục cúng tế Thần linh và ngắm trăng. Theo lễ thời nhà Chu quy định, vào ngày Trung thu cúng trăng, con cháu mời cha mẹ, người lớn ăn cháo loãng chứ không phải bánh trung thu. Tới thời Đường vẫn là như vậy. Từ triều đại nhà Tống (cách đây hơn 1000 năm) mới bắt đầu có tập tục ăn bánh trung thu.

Bánh Trung thu còn được gọi là bánh Nguyệt, hay bánh hình mặt trăng, bánh "đoàn viên"
Bánh Trung thu còn được gọi là bánh Nguyệt, hay bánh hình mặt trăng, bánh “đoàn viên” (ảnh: Pixabay).

Bánh mặt trăng còn gọi là bánh “đoàn viên”. Bởi lẽ, trong dịp này, cả gia đình đoàn tụ để cùng ăn bánh và thưởng thức ánh trăng thu trong trẻo. Bầu không khí của đêm rằm đến với mọi nhà thật ấm áp.

Trẻ nhỏ thích chơi gì trong Tết trung thu?

Đêm Trung thu, các em rước đèn, múa sư tử. Ngoài Bắc gọi là múa sư tử, trong Nam gọi là múa lân. Lân còn gọi là kỳ lân. Kỳ là tên con đực, lân là tên con cái.

Lân là con vật đứng thứ hai trong tứ linh: long (rồng), lân, qui (rùa), phụng (phượng hoàng). Lân là con vật thần thoại, thân hươu, móng ngựa, đuôi bò, miệng rộng, mũi to, có một sừng ở ngay giữa trán, lông trên lưng ngũ sắc, lông dưới bụng màu vàng.

Tục truyền, lân là con vật hiền lành, chỉ có người tốt mới nhìn thấy nó được.

Phong tục múa lân dịp Tết Trung thu vẫn được duy trì từ xưa tới nay
Phong tục múa lân dịp Tết Trung thu vẫn được duy trì từ xưa tới nay (ảnh: Internet).

Ở một vài địa phương, có tục các em rước đèn kéo quân trong dịp Tết Trung thu. Đèn kéo quân hình vuông, cao khoảng 80cm, rộng mỗi bề khoảng 50cm. Bốn mặt đều phết giấy Tàu bạch như giấy bóng mờ hiện nay. Phía trên và phía dưới có đường viền sặc sỡ.

Bên trong có một tán giấy hình tròn. Khi đốt đèn, hơi lửa bốc lên, tán giấy xoay quanh. Đèn kéo quân còn gọi là đèn chạy quân vì hình đoàn quân cứ liên tục kéo đi, chạy đi không ngừng hết vòng nọ đến vòng kia. Chỉ khi nào đèn hết dầu (nến), đèn tắt thì các tán không quay nữa.

Đèn có bốn mặt, hình ảnh xem ở mặt nào cũng được. Trẻ em rất thích ăn bánh Trung thu, múa lân và rước đèn kéo quân. Từ đó, Tết Trung thu nghiễm nhiên trở thành Tết của các em từ hàng ngàn năm nay.

Sự tích đèn kéo quân

Chuyện kể rằng, gần đến dịp tết Trung thu, theo lệnh Vua, dân chúng nô nức thi nhau chế ra những chiếc đèn kỳ lạ; nhưng không có chiếc đèn nào làm cho vua vừa ý.

Bấy giờ, có một nông dân nghèo khó tên là Lục Đức mồ côi cha, ăn ở với mẹ rất hiếu thảo. Một hôm nằm mơ, Lục Đức thấy một vị thần râu tóc bạc phơ hiện ra phán rằng: “Ta là Thái Thượng Lãn Quân, thấy nhà ngươi nghèo khó nhưng ăn ở hiếu thảo với mẹ, vậy ta bày cho ngươi cách làm chiếc đèn dâng Vua“.

Hôm sau theo lời dặn của Thần, Lục Đức cùng mẹ lấy những thân trúc trắng cùng giấy màu để làm chiếc đèn. Thời gian qua mau, khi chiếc đèn làm xong là ngày rằm tháng 8 cũng vừa đến. Chàng vui mừng cùng mẹ đem chiếc đèn vào kinh thành dâng vua. Nhà vua xem, thấy chiếc đèn vừa lạ, vừa nhiều màu sắc lại biết chuyển động nên rất hài lòng.

Ý nghĩa của đèn kéo quân

Khi Vua hỏi ý nghĩa của chiếc đèn, Lục Đức theo lời Thần tâu rằng: “Thưa bệ hạ, thân trúc ở giữa đèn là biểu hiện trục khôn. Cái chong chóng quay 6 mặt biểu tượng cho 6 trạng thái tình cảm của con người: thương, ghét, giận, buồn, vui, hờn. Chong chóng luôn quay, cũng như cảm xúc của con người luôn biến đổi, đó là đạo làm người. Chong chóng quay nhờ ánh đèn soi sáng, cũng như con người tốt lành được là nhờ có đạo đức. Sáu mặt của chiếc đèn làm bằng giấy tươi sáng“.

Chiếc đèn kéo quân được trẻ nhỏ ưa thích mỗi độ Trung thu
Chiếc đèn kéo quân mà trẻ nhỏ rất thích chơi mỗi độ Trung thu (ảnh: Internet).

Vua truyền đem đèn cho dân chúng cùng xem. Đèn đốt lên làm quay chong chóng, hiện lên sáu màu sắc rực rỡ là hình ảnh vua, quan, người, ngựa nối đuôi nhau. Tất cả những hình nhân trên đèn được làm bằng giấy. Vua ban thưởng cho mẹ con Lục Đức rất hậu và phong làm Vạn Hộ Hầu.

Từ đó, mỗi khi đến Tết Trung thu, nhớ lại sự tích người con hiếu thảo Lục Đức, dân chúng đua nhau bắt chước chàng làm nên những chiếc đèn màu rực rỡ gọi là đèn kéo quân.

Tết Trung thu là dịp lễ cúng tế và tạ ơn Thần linh. Cứ mỗi độ Trung thu, trẻ nhỏ lại chơi đèn kéo quân, múa lân, cả nhà quây quần ăn bánh “đoàn viên”. Cuộc sống Thiên nhân hợp nhất thật tốt đẹp!

Nguồn tham khảo: http://etruyen.com